Năm 2021, nhóm nhạc nữ After School có màn trình diễn tái hợp tại chương trình MMTG sau hơn 6 năm vắng bóng. Kahi - một trong số thành viên đầu tiên của nhóm - từng nghĩ sân khấu tái hợp này là màn biểu diễn cuối cùng của cô tại ngành giải trí Hàn Quốc.
Tuy nhiên, mới đây, Mama The Idol - chương trình thực tế xoay quanh 6 nữ thần tượng đã rời ngành công nghiệp Kpop để lập gia đình và hành trình quay trở lại ánh hào quang của họ - đem tới cho Kahi cơ hội trình diễn dưới tư cách thần tượng thêm một lần nữa.
Phản ánh gánh nặng của người mẹ
Bên cạnh Kahi, 5 thành viên còn lại của Mama The Idol gồm Sunye (Wonder Girls), Park Jung Ah (Jewelry), Yang Eun Ji (Baby V.O.X Re.V), nghệ sĩ solo Byul và Hyun Jyuni. Vài người trong số họ đã xa rời sân khấu hơn 10 năm.
Mama The Idol đem tới cơ hội quay lại sân khấu cho 6 thần tượng nữ đã làm mẹ. Ảnh: Naver. |
Mama The Idol bắt đầu lên sóng từ tháng 12/2021. Thông qua chương trình, 6 nữ ca sĩ thành lập nhóm nhạc dự án M.M.D, hay còn gọi là Mamadol - sự kết hợp giữa hai từ "mama" và "idol". Ngày 28/1, nhóm phát hành ca khúc WooAh HIP.
Trong quá khứ, một số thành viên của Mamadol phải đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội từ công chúng khi họ quyết định lập gia đình, điển hình như nữ ca sĩ Sunye. Nhiều người hâm mộ cho rằng việc cô đột ngột tuyên bố kết hôn trong năm 2012 đã khiến độ nổi tiếng của Wonder Girls giảm sút giữa thời kỳ đỉnh cao.
"Thần tượng nữ không nên ngừng hoạt động chỉ vì họ bước sang tuổi 30, kết hôn hoặc sinh con, trừ khi đó là lựa chọn riêng của họ. Kinh nghiệm và tài năng mà những người phụ nữ này nắm giữ biến họ trở thành một trong số thần tượng tuyệt vời nhất hiện tại. Đây sẽ là nhóm nhạc nữ xuất sắc của năm nay, và tôi cảm thấy vui mừng khi chứng kiến họ tiếp tục hành trình âm nhạc dưới tư cách thần tượng đã làm mẹ", SCMP trích dẫn bình luận nhận nhiều lượt thích nhất dưới video bài hát WooAh HIP.
Chia sẻ với SCMP, Min Chul Gi - nhà sản xuất của Mama The Idol - tiết lộ rằng bên cạnh sự hoài niệm của khán giả dành cho nghệ sĩ Kpop hoạt động vào cuối những năm 2000, thì mong muốn phản ánh gánh nặng của người mẹ, đặc biệt trong thời điểm gần đây, cũng là nguyên nhân chính dẫn tới sự ra đời của chương trình.
"Mọi người đều trải qua khoảng thời gian khó khăn giữa đại dịch Covid-19, nhưng không phải tất cả chúng ta đều đồng ý rằng các bà mẹ là người rơi vào tình thế khó khăn hơn sao? Họ buộc bỏ ra nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc con cái tại nhà", Min chia sẻ.
Anh nói: "Khi từ 'mẹ' được nhắc tới trong cuộc họp sản xuất, tôi nghĩ điều này chắc chắn rất đáng để thực hiện. Tôi hy vọng chương trình có thể đem lại nguồn năng lượng và sự khích lệ cho tất cả người mẹ".
Sunye từng chịu chỉ trích dữ dội khi cô tuyên bố kết hôn. Ảnh: Naver. |
Khó khăn của thần tượng nữ
Với các nữ ca sĩ, việc quay trở lại sân khấu không phải quyết định dễ dàng. Tập đầu tiên của Mama The Idol ghi lại cảnh đội ngũ nhân viên cố gắng liên hệ những người họ nghĩ muốn tham gia chương trình, để rồi nhận lại lời phản hồi như quỹ thời gian của họ không cho phép, hay đơn giản là họ không thể.
Nhà sản xuất Min chia sẻ về rào cản đối với thần tượng nữ đã làm mẹ: "Họ ngừng biểu diễn từ 5, 10 năm về trước để tập trung chăm sóc con cái, và khi cơ thể họ thay đổi do mang thai, họ trở nên thiếu tự tin. 'Liệu mình có thể làm tốt không?', họ tự hỏi bản thân. Ngoài ra, điều này cũng có nguy cơ gây tổn hại đến sự nghiệp của họ trong quá khứ, hại nhiều hơn lợi".
Tuy còn tồn tại nhiều định kiến gay gắt xoay quanh chuyện hẹn hò của thần tượng Kpop, trên thực tế, không ít sao nam Kpop có thể duy trì sự nghiệp sau khi họ kết hôn và làm bố, dù vài người trong số họ vẫn phải hứng chịu chỉ trích dữ dội. Một số ví dụ điển hình gồm Tae Yang (Big Bang), Bobby (iKON), Chen (EXO)...
Ngược lại, đa phần thần tượng nữ không thể kéo dài sự nghiệp bằng các nhóm nhạc nam, và hôn nhân thường trở thành dấu chấm hết cho con đường âm nhạc của họ.
Nhiều thần tượng nam có thể duy trì sự nghiệp sau khi lập gia đình. Ảnh: Naver. |
Thực trạng bất bình đẳng giới
Theo SCMP, Mama The Idol đã phản ánh thực tế của phụ nữ ở ngành giải trí Hàn Quốc nói riêng và nữ giới tại đất nước này nói chung. Hàn Quốc vốn là quốc gia nổi tiếng với tình trạng bất bình đẳng giới, đặc biệt trong môi trường làm việc, khi phụ nữ thường phải từ bỏ công việc và sự nghiệp riêng để tập trung nuôi dạy con cái.
Ngày 14/2, tờ Rolling Stone Ấn Độ đăng tải bài báo có tiêu đề "tại sao Mamadol là điều cần thiết đối với ngành công nghiệp Kpop". Rolling Stone viết: "Nhóm nhạc 6 thành viên này đã chứng minh rằng thần tượng không phải lựa chọn giữa việc lập gia đình và có một sự nghiệp thành công".
Biên tập viên Riddhi Chakraborty của Rolling Stone Ấn Độ phân tích: "Hôn nhân và con cái là một phần cuộc sống của nghệ sĩ - giống hầu hết người khác - chứ không phải thứ duy nhất làm nên con người họ. Cơ hội tiếp tục biểu diễn sẽ không bị đánh mất nếu họ có gia đình. Tại sao họ phải lựa chọn giữa hai điều đó?".
Min Chul Gi cho biết anh rất ngạc nhiên trước phản ứng của các ca sĩ sau khi anh liên hệ với họ.
"Lúc tôi gọi cho Kahi nhằm thông báo về chương trình, tôi nghe thấy tiếng cô ấy rơi nước mắt, thổ lộ rằng cô ấy nhớ sân khấu. Tôi nói chương trình có thể sẽ không đạt thành công, nhưng cô ấy khẳng định không bận tâm tới điều đó, và chỉ việc đứng trên sân khấu đã là đủ rồi", nhà sản xuất Min tiết lộ.
Kahi bày tỏ nỗi nhớ sân khấu với nhà sản xuất của Mama The Idol. Ảnh: Naver. |
Trả lời câu hỏi liệu Mama The Idol có thể thay đổi thực trạng hiện tại cho thế hệ thần tượng Kpop tiếp theo, Min thừa nhận đây là chuyện rất khó để dự đoán, khi điều này liên quan mật thiết tới các vấn đề xã hội.
"Tôi nghĩ sẽ rất khó khăn nếu không có hệ thống xã hội hỗ trợ phụ nữ gây dựng sự nghiệp riêng. Tôi từng chứng kiến một số người mẹ là người nổi tiếng, và thực sự rất khó để thực hiện cả hai việc đó. Điều này áp dụng cho các người mẹ trong toàn bộ lĩnh vực", Min chia sẻ.