Dạo quanh khu vực trung tâm TP.HCM, du khách dễ dàng bắt gặp nhiều cửa hàng trà đặc sản của các thương hiệu nội địa như Phúc Long, Phê La, Katinat... nằm san sát. Theo chia sẻ của nhân viên bảo vệ của Phúc Long chi nhánh Hồ Con Rùa (quận 3), phần lớn khách hàng ở đây là giới trẻ Việt và khối nhân viên văn phòng, thi thoảng mới có khách ngoại ghé mua mang đi. |
Trong khi đó, cửa hàng Phê La bên hông chợ Bến Thành đón lượng khách quốc tế nhỉnh hơn nhờ sở hữu vị trí đắc địa. Thương hiệu này vốn nổi tiếng với thức uống đậm vị trà ô long của vùng đất Bảo Lộc (Lâm Đồng). Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn khách quốc tế chọn thưởng thức cà phê khi đến cửa hàng này. 2 du khách Trung Quốc trong ảnh cũng không ngoại lệ. |
Trong 4 ngày ở TP.HCM, gia đình Richardson (đến từ Australia) nhiều lần đi ngang cửa hàng này, thấy tò mò nên quyết định ghé thưởng thức. "Tôi hầu như không uống cà phê khi ở Australia, tuy nhiên ở Việt Nam nó khá nổi tiếng nên muốn thử. Cà phê đắng, đậm vị, hòa quyện với vị sữa ngọt ngào thú vị", Keavy - con gái nhà Richardson chia sẻ. |
Không uống được cà phê như chị gái, Ayla Richardson chọn trà ô lòng đào đỏ để giải khát. "Vị trà thanh mát, khá ngọt, uống giữa thời tiết nắng nóng khá hợp. Có lẽ tôi sẽ thử thêm một vài thức uống của thương hiệu này trong những ngày lưu lại ở Việt Nam", nữ du khách chia sẻ. Sau khi khám phá TP.HCM, cô cùng gia đình tiếp tục tận hưởng mùa thu Hà Nội trong vòng một tuần trước khi quay trở về Australia. |
Ghé ngẫu nhiên vào một quán trà - cà phê đặc sản (specialty) trên đường Phạm Hồng Thái (quận 1), Shawn (áo đen, Singapore) anh gọi trà ô long lài - loại trà phổ biến, dễ dàng tìm thấy ở khu vực châu Á, tuy nhiên hương vị trà ở đây không khiến anh ấn tượng. "Trà được pha không quá đậm, nó giúp tôi giải khát và tươi tỉnh hơn. Trái với mong đợi, vị trà ở đây chưa đủ đậm, không giữ được hương thơm đặc trưng của ô long lài và nó quá ngọt", Shawn nói. Nam du khách cho rằng cà phê Việt Nam để lại cho anh nhiều ấn tượng hơn so với các loại trà đặc sản. |
Lần đầu đến TP.HCM du lịch, Fiina, Pan Shiyu và Li Ruijie (Trung Quốc) tìm đến quán trà sữa nằm trên đường Đồng Khởi (quận 1) theo chỉ dẫn trên mạng. "Là tín đồ trà sữa nên tôi cũng muốn thử xem trà sữa Việt Nam có hương vị như thế nào. Món trà sữa chôm chôm được ưa chuộng ở đây khá lạ miệng, tuy nhiên tôi không thích lắm, nó quá ngọt, vị trà không nổi bật", Shiyu (giữa) chia sẻ. Nữ thực khách cho biết cô thích món bơ dừa non của cửa hàng này bởi hương vị béo ngậy và tươi mát. |
Nhóm du khách trên cho biết họ tìm thấy quán trà sữa này dựa vào thông tin được chia sẻ trong ứng dụng du lịch dành riêng cho người Trung Quốc. "Vì thấy quán có view đường phố khá đẹp, đánh giá của người dùng tốt nên chúng tôi tìm đến trải nghiệm", Shiyu nói. |
Trong khi đó, Pey (Campuchia) lại nhanh chóng tìm mua một ly trà sữa của thương hiệu trên khi vừa đặt chân đến TP.HCM. "Mỗi tháng tôi sang TP.HCM du lịch một lần, tôi rất thích sự sôi động, hiện đại của thành phố này. Bên cạnh đó, ẩm thực cũng là một phần lý do thu hút tôi đến đây, đặc biệt là trà sữa đậm đà", Pey chia sẻ. Nữ du khách cho biết cô đã thưởng thức khá nhiều loại trà sữa đến từ các thương hiệu Việt để tìm ra loại trà yêu thích. |
Trong khi các thương hiệu trà sữa ngoại tại Việt Nam đạt trạng thái bão hòa sau giai đoạn bùng nổ (2014-2017), thị trường trà sữa chứng kiến sự lên ngôi của các thương hiệu nội địa. Nhiều cửa hàng liên tục được khai trương tại các khu đất vàng ở TP.HCM như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Hồ Con Rùa, Thảo Điền... Tính đến tháng 9/2024, Phúc Long hiện diện với 163 cửa hàng, Phê La có 24 cửa hàng, LaSiMi có 30 cửa hàng trên toàn quốc. |
Trên bản đồ du lịch, Việt Nam được biết đến là một thiên đường cà phê, tuy nhiên các loại trà đặc sản chưa được nhiều du khách biết đến. Trong khi đó, thế hệ Z là đối tượng chính của những thương hiệu trà/cà phê với 60,7% Gen Z đến đến các cửa hàng trà sữa/cà phê trên 3 lần/tuần (theo khảo sát người tiêu dùng F&B của Vietnam Report). |
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.