Mỗi người một hoàn cảnh, họ gặp nhau tại chương trình khuyến khích vượt khó, tự tin làm chủ bản thân, kinh tế và khai phá tiềm năng ngủ quên - điều hiếm phụ nữ vùng quê nào dám nghĩ đến.
Hai ngày trước khi nghe kể về chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”, chị Trinh đứng ngồi không yên, đăng ký bằng được một suất tham dự. Chiếc áo hồng thêu điểm xuyết vài bông hoa chỉ dám mặc vào dịp đặc biệt được chị lấy ra, cẩn thận treo lên cho phẳng phiu. Sáng nay, chị dậy sớm hơn mọi ngày, chuẩn bị hoà vào đoàn 200 người đến tòa nhà làm việc MTTQ trung tâm TP Bến Tre. Hiếm khi nào, chị thấy nơi đây đông đến thế.
Người phụ nữ 44 tuổi vóc dáng nhỏ nhắn, nước da ngăm đen lốm đốm tàn nhang, cố nhướn người về trước để nghe rõ hơn những lời giáo viên đang chia sẻ, nhưng chỉ được vài giây, cái lưng không nghe lời, cụp xuống.
Hơn 20 năm làm mướn, chị Trinh gánh hàng trăm kg muối mỗi ngày mong kiếm hơn trăm nghìn mưu sinh. Thế nhưng, cái nghèo cứ đeo bám mãi. 4 năm trước, căn bệnh thoát vị đĩa đệm đến. Sau ca phẫu thuật được hỗ trợ từ bảo hiểm, đôi chân chị từ đây không thể mang vác nặng nữa, căn bệnh bẻ gãy đi chiếc cần câu cơm bấy lâu.
Cũng lúc này, đứa con gái thứ 2 của chị đậu đại học. Tin tưởng chừng là niềm vui, mơ ước của bao gia đình lại khiến chị bật khóc chỉ bởi không có tiền cho con theo học.
Chị nhớ về ngày mình học lớp 9: “Hồi đó, tôi học giỏi lắm, năm nào cũng đứng nhất nhì lớp. Ước mơ lớn nhất là mở tiệm may”. Chị tự nhủ giá mình có cái nghề, thu nhập tốt hơn, con gái đã có thể vào đại học như đúng nguyện vọng, thay vì đi học cao đẳng.
Nhiều đêm gác tay lên trán, chị mơ về một tiệm may, nhỏ cũng được nhưng thỏa đam mê, thoát nghèo và giúp đỡ chị em quanh xóm. “Mỹ Duyên” - cái tên mọi người thường gọi lúc ở nhà - sẽ được chị viết thật rõ và đẹp trên tấm bảng hiệu treo trước cửa tiệm may. “Mỹ Duyên là người có duyên đó”, chị ngại ngùng giải thích.
Rồi chị sẽ chọn gia công cho các xưởng lớn trước, sau khi tích cóp đủ tiền mới mở rộng và tự làm sản phẩm hoàn chỉnh. Tất cả được vẽ ra chi tiết như thể chị đã thành thạo công việc này nhiều năm.
Thế nhưng, giấc mơ ấy tắt ngúm sau mỗi sớm mai, khi chị choàng tỉnh bởi áp lực mưu sinh. Chị không đủ kiến thức, kỹ năng hay có người chỉ từng bước đến gần những điều đó.
Dù nhiều lần phải gác lại, chị Trinh biết đam mê vẫn như ngọn lửa nhỏ âm ỉ bên trong, chực chờ một ngọn gió thổi bùng lên. Thế là, chị hăng hái tham gia các hoạt động hội phụ nữ và trở thành Chi hội phó ấp An Bình (Ba Tri, Bến Tre). Công việc này là một phần cuộc sống của người phụ nữ ấy, vừa giúp đỡ chị em xung quanh, vừa tìm kiếm cơ hội cho mình.
Cũng chính hội phụ nữ đã dẫn chị đến chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” cùng mong muốn viết tiếp ước mơ còn dang dang, mở ra trang mới cho cuộc sống. Ở đó, chị sẽ chăm sóc gia đình và bản thân tốt hơn.
Cũng có mặt tại chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”, chị Lài đến để chia sẻ câu chuyện lập nghiệp, truyền cảm hứng cho phụ nữ đang ấp ủ dự định kinh doanh. Vùng sông nước nơi chị lớn lên có nguồn hải sản dồi dào, nhưng các thương lái thường tẩm ướp thêm hoá chất để tăng cân nặng, sinh lời nhiều hơn. Chị nung nấu ý tưởng kinh doanh đặc sản quê hương, làm sao giữ được vị ngon nguyên bản.
Thiếu nữ hơn 20 tuổi ngày ấy nhận ngay gáo nước lạnh khi hào hứng chia sẻ dự định sau 4 năm học Đại học Công nghệ Thực phẩm. Mày làm vậy rồi sao có lời. Người ta ai cũng tẩm hóa chất mới mong kinh doanh được. Điên hay sao lại làm chuyện không giống ai. Học xong 4 năm lại đi bán cá à con!... những câu nói chen nhau ập vào tai, khiến chị mơ hồ về kế hoạch mình ấp ủ bấy lâu.
Nhưng chỉ mất vài giây chần chừ, chị lại như “ngựa chiến” lao về phía trước, chỉ biết đường mình đi mà mặc kệ xung quanh. Về lại quê hương sau khi ra trường, cô gái trẻ tìm đến những hộ có nguồn thuỷ hải sản tự nhiên và thuyết phục họ bán cho mình.
Chẳng mấy ai mảy may quan tâm, bởi khái niệm thực phẩm sạch với họ không thể quan trọng hơn thu nhập hàng ngày. Ròng rã nửa năm, chị Lài đi lại liên tục, có lúc vượt hàng chục cây số chỉ để kịp lấy con cá vừa lúc cập bờ.
Thấy nhiều người phát tờ rơi quảng bá, chị học theo, bỏ vài triệu từ số vốn khoảng 20 triệu đồng rồi in trắng đen cho tiết kiệm. Thế nhưng, chẳng như tưởng tượng, chị vừa quay mặt đi, người nhận cũng kịp vứt tờ giấy chưa nhìn rõ nội dung xuống đất.
Không bỏ cuộc, cô gái trẻ quay lại nhặt những tờ rơi vương vãi trên đất, phát lại cho người khác và chỉ quay đi khi chắc chắn không ai vứt xuống. Vài ngày trời cũng phát xong 2.500 tờ rơi, công việc tiếp theo là chờ điện thoại đặt hàng.
Chiếc điện thoại vẫn im lìm, cuốn theo số tiền 2 triệu và công sức bỏ ra của chị bay mất.
Không bỏ cuộc, với niềm tin hừng hực, chị Lài bắt tay vào công cuộc đổi mới cách quảng bá của mình. Mỗi lần gửi hàng cho khách trên TP.HCM đều kèm vài ba con khô nhỏ, không quên kèm câu: “Các chị ăn ngon nhớ giới thiệu giùm em nghen”.
Ngày sắm chiếc tủ đông về trữ, bố chị giận: “Nó học riết rồi làm chuyện trên trời”.
Chị không nói gì, lẳng lặng tiếp tục công việc của mình với lòng tin bản thân mình nhất định sẽ làm được. Chị kiểm soát nghiêm ngặt từ các khâu thu mua, đảm bảo chất lượng cá mực luôn tươi nhất, sở thích của khách hàng cũng được chị thu thập rõ trong “hồ sơ” của mình.
Trời không phụ lòng người, 1 đơn, 2 đơn rồi hàng trăm đơn mỗi ngày. Từ góc nhà rộng chừng 6-7 m2 tận dụng làm nơi sản xuất, cơ sở mang tên Sáu Lài hiện rộng gấp 10 lần. Cô nữ sinh đi ngược dư luận ngày nào, sau 5 năm nỗ lực đã thành “sếp” của doanh nghiệp 50 nhân công. Nhìn mọi người trong ấp nhỏ bắt đầu quan tâm đến sản phẩm sạch, nhiều chị em lấy về bán online theo đúng quy trình khép kín đề ra, người phụ nữ nở nụ cười, biết mình đã đi đúng hướng.
Người phụ nữ này cũng hiểu rõ hành trình chạm đến ước mơ không hề đơn giản. Đó là cả chặng đường đấu tranh với chính mình, thuyết phục người thân, vượt qua rào cản của định kiến phải chọn công việc ổn định hay toàn tâm chăm lo cho gia đình. Hiểu phụ nữ làm kinh tế sẽ có trăm điều cản bước, chị luôn muốn khuyến khích những người có kế hoạch, dự định mà chưa thể thực hiện hãy quyết tâm đến cùng.
Bình thản ngồi trên sân khấu chương trình “Phụ nữ tự tin làm kinh tế” chia sẻ về hành trình chông gai như vừa hôm qua, chị Lài không ngừng khuyến khích những phụ nữ có mặt tự tin theo đuổi ước mơ.
“Chương trình rất hữu ích cho người có ý tưởng. Ngày xưa được hỗ trợ kiến thức và vốn như vậy thì mừng biết bao nhiêu. Các chuyên gia hướng dẫn rất tận tình, giúp chị em đang dự định kinh doanh giảm nỗi lo kinh phí và thời gian”, chị Lài bộc bạch.
Phía xa khán đài, chị Trinh vẫn chăm chú như thuộc lòng từng điều vừa học. Giấc mơ về xưởng may “Mỹ Duyên” một lần nữa được đánh thức, trỗi dậy mạnh mẽ nhất trong hơn 20 năm qua.
“Tôi học được nhiều kiến thức lắm, những thứ trước kia chưa bao giờ nghĩ đến. Từ cách tính toán giá thành, thu hút khách hàng và quảng bá ra sao. Tôi ước mình nhận hỗ trợ từ Sunlight trong chương trình này. Tôi sẽ đi học và mở xưởng may”, chị Trinh nói, ánh mắt sáng ngời niềm hy vọng.
Hai người phụ nữ, hai số phận gặp nhau ở chương trình khuyến khích phụ nữ tự tin làm kinh tế của Sunlight - nhãn hàng gắn bó với hàng triệu gia đình Việt đến nỗi chỉ cần nhìn thấy kiểu dáng sản phẩm, người ta cũng "biết mặt đọc tên". Nay thương hiệu này lại đưa chuyên gia kinh tế, marketing đến hướng dẫn họ làm ăn - điều hiếm phụ nữ nông thôn nào tưởng tượng ra.
Tại đây, phụ nữ tham gia có cơ hội trang bị kiến thức hữu ích về những yếu tố quan trọng góp phần kinh doanh thành công như sản phẩm, marketing và con người. Họ biết cách tận dụng từ những điều nhỏ nhất như cách bày trí không gian, chọn màu sắc và cung cách phục vụ.
Có sẵn vũ khí niềm đam mê, sự quyết tâm, những người luôn ấp ủ ước mơ làm kinh tế như chị Trinh được tiếp thêm sức mạnh bởi kiến thức của chuyên gia giàu kinh nghiệm, nguồn động viên về vật chất lẫn tinh thần từ “nhãn hàng quốc dân”.
Suốt buổi tập huấn, không ai tỏ ra mệt mỏi hay chán nản. Ai cũng hừng hực tinh thần được chia sẻ kế hoạch, dự định ấp ủ bấy lâu. Lần đầu tiên, nhiều người vạch ra cụ thể quán ăn, hàng trà sữa, tiệm tạp hoá của mình tên gì, quy mô ra sao và áp giá bán như thế nào để vừa hút khách, vừa đảm bảo lời.
Hơn hết, họ được hướng dẫn cách viết dự án kinh doanh để dự thi chương trình cấp vốn. Và 3 người có kế hoạch chi tiết, khả thi tiếp tục nhận tổng vốn hỗ trợ trị giá 50 triệu đồng từ Sunlight. Ngoài ra, các dự án khác được kết nối và nhận hỗ trợ từ quỹ Phụ nữ khởi nghiệp địa phương.
Rồi đây, sau chương trình này, không ít phụ nữ sẽ được tiếp thêm động lực, tự tin làm chủ tài chính và xoá bỏ quan niệm “phụ nữ chỉ làm việc nhà”. Họ sẽ hiểu ra bên trong tiềm ẩn những nội lực mà khi dám chạm tới, khai phá và phát suy, sẽ làm được những việc lớn lao không ngờ. Trên hành trình ấy, Sunlight đến như người bạn đồng hành, giúp phụ nữ giảm bớt thời gian làm việc nhà cũng như nỗi lo toan thường nhật để theo đuổi đam mê.
Ngoài kia, nhiều phụ nữ vẫn đang nỗ lực theo đuổi ước mơ và chứng minh năng lực bản thân. Bạn cũng có thể làm được, vừa đảm việc nhà, vừa giỏi việc kinh doanh, miễn không từ bỏ ước mơ và cố gắng.
Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” do Sunlight phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai, nhằm khuyến khích phụ nữ phát huy tiềm năng và mang đến cơ hội làm kinh tế cho phụ nữ nông thôn. Trong năm nay, chương trình có mặt tại 10 tỉnh - thành, hướng đến mục tiêu 2.000 phụ nữ được truyền cảm hứng, đào tạo kỹ năng kinh doanh và hỗ trợ vốn cho các dự án tiềm năng.