Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Khóa học chữa lành 'treo đầu dê, bán thịt chó'

Nhiều người trẻ ở Hà Nội và TP.HCM thất vọng sau khi tham gia các khóa học chữa lành thiếu uy tín khi nhận kết quả không như mong đợi, thậm chí còn suy sụp hơn trước.

Những khoá học chữa lành ngày càng trở nên tràn lan. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Sau 1,5 tháng tham gia khóa học chữa lành đăng ký trên mạng, Hoài Thương (25 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cảm thấy “bội thực” với những thuật ngữ như “thức tỉnh”, “xuôi theo dòng”, “buông bỏ”.

Chia tay mối tình 7 năm, Thương liên tục mất ngủ, suy sụp, không thể tập trung vào công việc. Theo lời khuyên của bạn bè, đồng nghiệp, cô tìm đến một chương trình đào tạo mang tên “Chữa lành và tìm kiếm hạnh phúc”.

Nhân viên văn phòng này chi trả 8 triệu đồng sau khi nhận mức giảm giá 20% cho khóa học kéo dài 6 buổi. Người đứng lớp hay còn gọi là “Coach” tự mô tả bản thân là “chuyên gia tình cảm và chữa lành mối quan hệ”.

Kỳ vọng cải thiện sức khỏe tinh thần sau 6 buổi học, Hoài Thương hụt hẫng khi chương trình kết thúc. Liên tục nghe những bài học lý thuyết từ coach, song cô vẫn chưa biết cách ứng dụng để giải quyết vấn đề bản thân.

“Họ mời tôi tham gia khóa học tiếp theo với mức giá 12 triệu đồng để ‘thấu hiểu bản thân hơn’. Tôi từ chối vì không nhận thấy tác dụng”, Thương nói với Tri thức - ZNews.

khoa hoc chua lanh,  khoa hoc lua dao, anh 1

Người trẻ không nhận thấy tác dụng, thất vọng sau khi tham gia các khoá học chữa lành. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết, Giám đốc chương trình Trí tuệ cảm xúc Capokids, khi chủ đề tâm lý được truyền thông thổi phồng quá mức, một số đơn vị kinh doanh lập tức lợi dụng xu hướng này, cung cấp các dịch vụ liên quan đến chữa lành.

Các gói dịch vụ phổ biến là yoga chữa lành, du lịch chữa lành, vẽ tranh chữa lành,... Khi tham gia các chương trình, khóa học thiếu uy tín, học viên phải đối mặt với tổn hại cả về tài chính và tinh thần.

Trong tình huống này, chuyên gia nhận thấy thiệt hại của người này trở thành lợi ích của người khác.

‘Chữa lợn lành thành lợn què’

Gặp nhiều áp lực trong công việc từ khi đảm nhiệm vị trí quản lý tại một công ty công nghệ, Đàm Trang (30 tuổi, quận 4, TP.HCM) thường xuyên phải nghe nhạc sóng não (brainwave music) để chìm vào giấc ngủ mỗi đêm.

khoa hoc chua lanh,  khoa hoc lua dao, anh 2

Đàm Trang tham gia khoá thiền chữa lành khi gặp vấn đề về tâm lý do áp lực công việc.

Tình trạng căng thẳng diễn ra liên tục khiến Trang rụng tóc, nổi mụn, ăn uống mất ngon. Nhận thấy sức khỏe tinh thần giảm sút nghiêm trọng, quản lý 30 tuổi chi 3,5 triệu đồng cho một chương trình thiền chữa lành kéo dài 2 ngày.

Đến lớp học này, Đàm Trang và 13 người khác thực hành các hoạt động như ngồi xếp bằng, thiền định và tập luyện một số tư thế yoga đơn giản.

Ban đầu, cô cho rằng đây chỉ là hoạt động ban đầu của chương trình chữa lành. Tuy nhiên, các khâu này lặp lại nhiều lần trong 2 ngày với những tên gọi khác nhau, khiến Trang không khỏi thất vọng.

“Về bản chất, người đứng lớp tự xưng là ‘Yogi’ chỉ dạy thiền. Họ gán thêm cụm từ ‘chữa lành’ để thu phí cao hơn”, Đàm Trang bức xúc cho biết.

Theo Trang, các chương trình chữa lành có kết quả tương đối trừu tượng, không thể đong đếm bằng con số. Vì vậy, cô không có cớ để khiếu nại đơn vị tổ chức, đành chấp nhận “ném tiền qua cửa sổ”.

Được chẩn đoán mắc trầm cảm và rối loạn lo âu cấp độ 3, Hà Trần (26 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) áp dụng châm ngôn “có bệnh thì vái tứ phương”. Bên cạnh các buổi tham vấn, trị liệu, cô chi trả 2,5 triệu đồng cho một buổi thôi miên chữa lành kéo dài 2 tiếng.

Trong suốt buổi thôi miên, Hà rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, được người hướng dẫn khơi gợi một số ký ức. Người này điều hướng suy nghĩ của cô bằng những cách nói như “chấp nhận”, “quên đi”, “tha thứ”.

Sau buổi gặp, Hà Trần trở về nhà với trạng thái hoang mang. Những kỉ niệm không vui trong quá khứ đột nhiên bị khơi dậy, khiến cô càng suy sụp, nhận thấy sức khỏe tinh thần trở nên tệ hơn trước.

“Thay vì hàn gắn tổn thương, họ ‘chữa rách vết thương lành’. Tuy nhiên, tôi là người tự tìm đến và sử dụng dịch vụ, không thể trách cứ ai”, Hà Trần chia sẻ với Tri thức - ZNews.

Cẩn trọng trước khóa học lừa đảo

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết, “chữa lành” có thể được hiểu là khâu vết thương, hàn gắn những tổn thương tâm lý. Đây là nhu cầu tự nhiên, chính đáng của mỗi người.

Trước sự tràn lan của các chương trình, khóa học chữa lành “lùa gà”, những người có nhu cầu giúp đỡ cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tham gia. 2 dấu hiệu lừa đảo phổ biến được chuyên gia đưa ra.

khoa hoc chua lanh,  khoa hoc lua dao, anh 3

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết cảnh báo các dấu hiệu của khoá học chữa lành thiếu uy tín.

Thời gian ngắn là yếu tố đầu tiên cần cảnh giác. Quy trình trị liệu, tham vấn luôn tốn nhiều thời gian, công sức, không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Vì vậy, những chương trình kéo dài 3-6 buổi không thể đáp ứng nhu cầu hàn gắn tổn thương tâm lý của người tham dự. Các khóa học này chỉ có thể cung cấp lý thuyết, khó hướng dẫn thực hành, giải quyết bề nổi của tảng băng chìm, dễ khiến người tham gia hoang mang khi chương trình kết thúc.

Người giảng dạy thiếu kỹ năng, chuyên môn cũng là dấu hiệu của những khóa học chữa lành không hiệu quả. Thông tin về người đứng lớp là yếu tố đầu tiên cần xác minh.

Bên cạnh bằng cấp, chứng chỉ, người đăng ký cũng nên quan tâm đến kinh nghiệm thực hành của người hướng dẫn tại thị trường Việt Nam. Những cá nhân thiếu chuyên môn có thể gây ra hậu quả khôn lường cho đối tượng tham gia trị liệu.

Để phòng tránh những vấn đề tinh thần nghiêm trọng, các phương án sau có thể được áp dụng.

  • Xây dựng nếp sống, thói quen sinh hoạt lành mạnh như chăm chỉ tập luyện thể thao, phát triển các kết nối, kết bạn với những người có suy nghĩ tích cực.
  • Chuẩn bị kỹ năng ứng phó với biến cố từ các tài liệu trên Internet, tận dụng nguồn thông tin miễn phí.
  • Chia sẻ kinh nghiệm bản thân trong việc cải thiện đời sống tinh thần, giúp đỡ những người xung quanh.

Nếu không thể tránh một số hội chứng, bệnh tâm lý, người gặp vấn đề lại cần những giải pháp trị liệu chuyên nghiệp hơn.

  • Tìm kiếm chuyên gia, địa chỉ uy tín là thao tác đầu tiên. Bên cạnh việc kiểm tra chứng chỉ, thông tin về quá trình điều trị thực tế, các cá nhân cũng có thể đưa ra lựa chọn dựa trên lời khuyên, giới thiệu của những người gặp vấn đề tương tự xung quanh.
  • Nếu vấn đề không quá nặng nề, lời khuyên, giải pháp tại các diễn đàn chính thống cũng là một nguồn tham khảo hữu ích. Tuy nhiên, nếu thực hành phương pháp này, người gặp vấn đề cần có kỹ năng sàng lọc, chỉ thu nhận các thông tin phù hợp.
  • Chọn người đồng hành tin cậy cũng là việc cần làm. Đôi khi, bản thân người gặp vấn đề không tự nhận thức được mức độ nghiêm trọng, cần sự giúp đỡ, chỉ ra từ người thân, bạn bè.

Nguyên tắc của tư vấn tâm lý là không đưa ra lời khuyên, để các cá nhân tự tìm cách giải quyết vấn đề của bản thân, chỉ đề cập đến kết quả có thể xảy ra. Vì vậy, quá trình cải thiện sức khỏe tinh thần vẫn phụ thuộc phần lớn vào người gặp vấn đề.

Thế hệ không biết máy chấm công là gì

Không ít nhân sự Gen Z ở TP.HCM, Hà Nội chưa từng tiếp xúc máy chấm công kể từ khi bước chân vào thị trường lao động bởi công ty xây dựng môi trường làm việc linh hoạt.

Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước

Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.

Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm