Ảnh minh họa: @diamond2india. |
Hơn 75 năm trước, tập đoàn khai thác kim cương De Beers tạo dấu ấn với câu slogan nổi tiếng “A diamond is forever” (tạm dịch: Kim cương là vĩnh cửu). Kể từ đó, thị trường kim cương vươn lên thành một lĩnh vực trị giá 96 tỷ USD.
Thế nhưng, gu tiêu dùng ngày nay đã thay đổi, khi giới trẻ có xu hướng chọn kim cương nhân tạo thay vì kim cương tự nhiên, theo Fortune.
Mặc dù được coi là thế hệ có ý thức bảo vệ môi trường nhất, nhưng theo CEO của Pandora, lý do giới trẻ ưa chuộng kim cương nhân tạo không phải vì họ ưu tiên yếu tố "xanh".
"Thiết kế là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của khách hàng, tiêu chí thứ hai là giá cả", Alexander Lacik, người đứng đầu nhà sản xuất trang sức lớn nhất thế giới, chia sẻ.
Là thương hiệu trang sức lớn nhất thế giới, Pandora trước năm 2021 chưa đặt chân vào lĩnh vực kim cương. Tuy nhiên, khi nhận thấy tiềm năng của kim cương nhân tạo trong việc tiếp cận rộng rãi hơn với khách hàng, hãng đã cho ra mắt dòng Pandora Brilliance tại thị trường Anh. Sau khi thành công bước đầu, công ty tiếp tục mở rộng sản phẩm sang Mỹ, Canada, Australia, Mexico và Brazil.
Pandora, thương hiệu trang sức lớn nhất thế giới, đã khai thác thành công thị trường kim cương nhân tạo với dòng sản phẩm Brilliance. Ảnh: Pandora. |
Năm ngoái, doanh thu từ việc bán kim cương nhân tạo của hãng trang sức đạt 265 triệu DKK (38,5 triệu USD). Trong khi đó, giá cổ phiếu của thương hiệu đã tăng gần gấp đôi vào năm 2023 và không có dấu hiệu chậm lại. Tuần này, cổ phiếu của hãng trang sức châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục.
"Thương hiệu của chúng tôi hướng đến khách hàng 15-65 tuổi", Lacik nói, đồng thời lưu ý rằng phần lớn khách hàng mua bộ sưu tập kim cương nhân tạo là Millennials và Gen Z.
Ngay cả những ngôi sao nổi tiếng thuộc thế hệ Millennials, bao gồm Selena Gomez và Jennifer Lawrence, cũng là tín đồ của kim cương nhân tạo.
Với thành công của Pandora Brilliance, CEO công ty khẳng định thiết kế vẫn là yếu tố cốt lõi khiến khách hàng rút ví.
Đá to, giá 'mềm'
Bên cạnh yếu tố thiết kế, mức giá “mềm” cũng là điểm cộng lớn khiến kim cương nhân tạo thu hút giới trẻ.
Việc ngôi sao hạng A như Jennifer Lawrence, người sở hữu khối tài sản ước tính lên đến 160 triệu USD, vẫn đeo trang sức nhân tạo của Pandora không phải để tiết kiệm tiền, mà bởi cô tìm thấy ở đó sự kết hợp hài hòa giữa phong cách và giá trị.
Song, với đa số khách hàng phổ thông, thực tế kim cương nhân tạo có giá thấp hơn từ 60% đến 85% so với kim cương khai thác truyền thống lại càng đáng cân nhắc.
Jennifer Lawrence, với giá trị tài sản khoảng 160 triệu USD, vẫn chọn đeo trang sức kim cương nhân tạo của Pandora. Ảnh: Jeff Kravitz/FilmMagic. |
Chẳng hạn, một chiếc nhẫn solitaire truyền thống của Pandora, với viên kim cương nhân tạo 1 carat lấp lánh trên đai vàng trắng 14K, có giá 1.750 USD. Trong khi đó, một chiếc nhẫn tương tự với kim cương tự nhiên từ thương hiệu xa xỉ Tiffany & Co. có giá lên tới hơn 16.000 USD.
“Phụ nữ thích những viên đá lớn. Đó là hiện thực, dù chúng ta thích hay không", Alexander Lacik nói.
Nhiều khách hàng, đặc biệt trong phân khúc trang sức cưới hoặc nhẫn đính hôn, sẵn sàng bỏ ra khoản tiền tương đương hoặc xấp xỉ. Điều này giúp họ sở hữu viên kim cương nhân tạo lớn hơn đáng kể so với kim cương tự nhiên cùng tầm giá.
Ngay cả doanh nhân và cựu ngôi sao chương trình Real Housewives of New York City, Bethenny Frankel, cũng đã lên tiếng trên TikTok, cho rằng "kỷ nguyên trang sức xa xỉ đã kết thúc” nhờ sự xuất hiện của kim cương nhân tạo.
'Vì môi trường' chỉ là yếu tố phụ
Nhiều cô dâu tương lai tự hào chia sẻ trên TikTok việc họ không thể “tiếp tục ủng hộ” ngành khai thác kim cương tự nhiên do những lo ngại về môi trường và quyền con người.
Tuy nhiên, bất chấp nhiều người trẻ thế hệ Millennials và Gen Z lên mạng xã hội khẳng định họ chọn kim cương nhân tạo với lý do “bền vững” và đạo đức, Alexander Lacik lại cho rằng đây chỉ là “một điểm cộng”, không phải yếu tố chi phối doanh số.
Thiết kế là yếu tố quyết định hàng đầu trong quyết định mua hàng của khách hàng trẻ. Ảnh minh họa: @grownbrilliance. |
Song, điều này không đồng nghĩa các doanh nghiệp có thể bỏ qua trách nhiệm với môi trường và cộng đồng. Lacik cho rằng khi người tiêu dùng phải lựa chọn giữa hai thương hiệu, câu chuyện ESG có thể trở thành “lời kết” giúp họ ra quyết định.
Dù vậy, ông khẳng định tính bền vững chưa đủ sức đẩy doanh số tăng vọt.
"Tôi nghĩ sẽ còn rất lâu nữa mới có người bước vào cửa hàng của chúng tôi và hỏi: ‘Anh chị có thể giới thiệu cho tôi dòng sản phẩm bền vững không?’ Điều đó không nằm trong tâm trí khách hàng khi họ mua sắm ở phân khúc này", CEO Pandora nói.
Sự trỗi dậy của 'mọt sách' Hàn Quốc
Phong cách thời trang "geek chic" lấy cảm hứng từ hình ảnh "mọt sách" đang trở nên phổ biến tại Hàn Quốc, đặc biệt trong giới trẻ. Trước đây, "mọt sách" thường bị coi là nhàm chán và lập dị. Nhưng hiện nay, hình ảnh này được tôn vinh như biểu tượng của trí tuệ và sự quyến rũ độc đáo.