Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Làm gì khi bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt hậu Covid-19?

Suy nghĩ tích cực, thiền, chế độ dinh dưỡng lành mạnh có thể kiểm soát và ổn định lại chu kỳ kinh nguyệt cho nữ giới trong thời gian hồi phục hậu Covid-19.

Theo Medical News Today, Covid-19 ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản của phụ nữ. Nhiều phụ nữ đã khỏi Covid-19 phàn nàn về những bất thường gặp phải trong chu kỳ kinh nguyệt và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ.

Nếu bạn từng mắc Covid-19 và gặp vấn đề về kinh nguyệt, đó không phải là điều đáng lo ngại. Những thay đổi này có thể là do căng thẳng, lo lắng, hoặc thay đổi thói quen sống trong thời kỳ đại dịch.

Theo Indian Express, tiến sĩ Renu Gupta, chuyên gia tư vấn cao cấp về sản phụ khoa, Viện Y tế Hành động Sri Balaji (Ấn Độ), gợi ý một số biện pháp có thể kiểm soát và ổn định lại chu kỳ kinh nguyệt cho nữ giới trong thời gian hồi phục hậu Covid-19:

- Suy nghĩ tích cực: Thông thường căng thẳng là lý do gây rối loạn nội tiết tố ở nữ giới, có thể ảnh hưởng chu kỳ kinh nguyệt. Vì vậy, người bệnh cần giữ tâm lý thoải mái, suy nghĩ tích cực. Giữ sức khỏe tinh thần tốt nhất có liên quan đến sức khỏe tổng thể của một người.

- Thiền: Hãy dành một chút thời gian yên bình ra khỏi lịch trình hàng ngày để tĩnh tâm lại. Thiền giúp trẻ hóa tâm trí. Một số bài tập thở có thể hữu ích.

- Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Thiếu dinh dưỡng có thể khiến bạn bị thiếu máu, điều này ảnh hưởng đến lượng máu trong kỳ kinh nguyệt. Bạn cũng nên tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất sắt và canxi.

- Tập thể dục: Do lối sống ít vận động đã phần nào hạn chế chuyển động của cơ thể, bạn cần cân bằng nó với các bài tập. Bạn có thể đi bộ nhẹ nhàng, tập yoga dưới sự giám sát thích hợp của chuyên gia.

Theo Trung tâm Điều trị hậu Covid-19 Dallas, Texas (Mỹ), nhiều nghiên cứu cho thấy chu kỳ kinh nguyệt có thể trở lại bình thường sau 1-2 chu kỳ. Tuy nhiên, bạn không nên bỏ qua bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong chu kỳ kinh nguyệt. Nếu bạn bị ra máu nhiều, dài ngày, mệt mỏi không cần thiết hoặc chậm kinh bất thường, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ và bắt đầu điều trị theo chỉ định ngay lập tức.

Một số bệnh lý sản phụ khoa hay nguyên nhân khác cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt như u xơ, rối loạn cân bằng nội tiết tố nữ, lạc nội mạc tử cung, bệnh tuyến giáp,...

Hai tình trạng hậu Covid-19 phổ biến có thể xảy ra ở nữ giới

Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, giảm ham muốn tình dục là những vấn đề có thể xảy ra ở nữ giới sau khi khỏi Covid-19.

Dịch Covid-19

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm