Rạng sáng 9/10, mạng xã hội lan truyền câu chuyện về đôi vợ chồng sinh năm 1972 chở theo 15 con chó và một con mèo đến Cà Mau. Sau khi họ được đưa vào bệnh viện để điều trị Covid-19, đàn chó, mèo đã được lực lượng phòng chống dịch Covid-19 xã Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời) mang đi tiêu hủy.
Dưới góc độ khoa học, chưa có bằng chứng rõ ràng về việc chó, mèo là vật chủ trung gian truyền bệnh Covid-19 cho người.
Vật nuôi trong nhà có thể lây bệnh từ chủ
Theo SCMP, ngày 4/3/2020, Hong Kong ghi nhận chú chó đầu tiên nhiễm nCoV. Chú chó phốc sóc (pomeranian) bị "dương tính nhẹ" với nCoV khi xét nghiệm bằng dịch trên mũi, miệng. Sau đó, chú chó được cách ly, kiểm tra thêm tại Cơ quan Nông, Ngư nghiệp và Bảo tồn Hong Kong (Trung Quốc).
Theo Reuters, các chuyên gia y tế Hong Kong cho rằng đây có thể là trường hợp động vật đầu tiên bị lây nCoV từ chủ, song, các kết luận được đưa ra rất thận trọng.
Trong hai xét nghiệm ngày 12 và 13/3/2020, chú chó đã âm tính và được phép về nhà. Song, đến 17/3, vật nuôi này đã chết.
Nữ doanh nhân 60 tuổi Yvonne Chow, là chủ sở hữu của chú chó. Bà cũng có kết quả mắc Covid-19 vào cuối tháng 2/2020 và phải nhập viện. Ngày 8/3, nữ bệnh nhân được xuất viện, sức khỏe ổn định.
Phốc sóc (pomeranian) của bà Yvonne Chow được xem là vật nuôi đầu tiên trên thế giới nhiễm nCoV từ chủ. Ảnh: SCMP. |
Cơ quan Nông, Ngư nghiệp và Bảo tồn Hong Kong cho biết cấu trúc di truyền của virus được tìm thấy ở bà Chow và chú chó rất giống nhau. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định đây có thể là cá thể chó duy nhất được biết đến đã mắc Covid-19 tại thời điểm đó.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), không phải tất cả vật nuôi tiếp xúc F0 đều bị lây virus. Hiện nay, các động vật được ghi nhận nhiễm nCoV gồm: chó, mèo, chồn nuôi trong nhà, động vật trong vườn thú, khu bảo tồn (gồm một số loài mèo lớn, rái cá, động vật linh trưởng), chồn hương, hươu đuôi trắng hoang dã tại một số bang ở Mỹ…
Đầu tháng 7, nhóm chuyên gia của Đại học Utrecht, Hà Lan, công bố kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 20% vật nuôi sẽ bị lây bệnh từ chủ nhân. Song, chưa có trường hợp nào cho thấy chiều lây nhiễm ngược lại - vật nuôi mắc Covid-19 truyền virus cho chủ.
Chính vì vậy, TS Els Broens, Đại học Utrecht, tác giả chính của nghiên cứu, khuyến cáo nếu đang nghi ngờ nhiễm nCoV, tốt nhất chúng ta nên tránh xa thú cưng của mình. Nghiên cứu của bà được trình bày tại Đại hội Vi sinh vật và Bệnh truyền nhiễm châu Âu, phân tích trên 156 chú chó, 154 chú mèo của 196 hộ gia đình có người mắc Covid-19.
Kết quả cho thấy khoảng 17% động vật (31 chú mèo, 23 chú chó) có kháng thể với nCoV, cho thấy chúng đã bị nhiễm virus. Ngoài ra, 6 chú mèo, 7 con chó (chiếm 4,2%) có kết quả xét nghiệm rRT-PCR là dương tính.
Đặc biệt, các con vật bị nhiễm nCoV từ chủ đều không bị ốm nặng. Chúng hồi phục nhanh chóng và không truyền virus cho vật nuôi khác trong cùng hộ gia đình.
Nguyên nhân khiến vật nuôi bị lây virus theo TS Broens là chủ nhà mắc Covid-19, người chăm sóc tiếp xúc gần, chơi đùa, ngủ cùng chó, mèo.
Chó, mèo, vật nuôi trong nhà có thể bị lây nhiễm nCoV khi tiếp xúc gần chủ mắc Covid-19. Ảnh: Freepik. |
Chó, mèo lây nCoV từ chủ có cần tiêu hủy?
Vụ việc tiêu hủy vật nuôi của bệnh nhân Covid-19 trong thời gian họ điều trị từng dấy lên tranh cãi mạnh mẽ ở Trung Quốc. SCMP đưa tin ngày 29/9, vụ việc xảy ra ở Cáp Nhĩ Tân, 3 chú mèo đã bị tiêu hủy sau khi chúng có kết quả xét nghiệm axit nucleic dương tính với nCoV.
Ba chú mèo thuộc quyền sở hữu của cô Liu - người có kết quả mắc Covid-19 vào ngày 21/9. Sau đó, cô được yêu cầu nhập viện điều trị. Theo The Beijing News, trước khi tới viện, người phụ nữ này đã chuẩn bị thức ăn, nước uống và liên hệ nhân viên cộng đồng chăm sóc cho thú cưng.
Tuy nhiên, ngày 27/9, Liu nhận được thông báo về việc 3 chú mèo nhiễm nCoV và họ quyết định tiêu hủy. “Không có tiền lệ cho việc chữa trị mèo mắc Covid-19 nên họ muốn giết chết chúng. Họ gọi cho tôi để yêu cầu ký vào đơn ủy quyền xử lý. Tôi đã không đồng ý”, Liu bức xúc.
Song, bất chấp sự phản đối từ chủ vật nuôi, 3 chú mèo đã bị tiêu hủy vào ngày 28/9. Các nhân viên cộng đồng trả lời The Beijing News về việc không có phương pháp điều trị cho vật nuôi bị nhiễm nCoV.
“Chủ sở hữu lại đang phải nằm viện điều trị Covid-19, cả khu dân không thể di dời chỉ vì 3 con mèo nhiễm bệnh. Nếu không xử lý, dịch bệnh sẽ không bao giờ chấm dứt”, đại diện đơn vị chăm sóc nói.
Nhiều chủ nuôi chuẩn bị khẩu trang cho chó, mèo, thú cưng để phòng lây nhiễm nCoV. Ảnh: Shutter Stock. |
Trước đó, theo Independent, giới chức một tỉnh ở phía Bắc Trung Quốc đã tiêu hủy 3 chú chó vì có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Những hành động này khiến nhiều người phẫn nộ, chỉ trích vì sự cực đoan, độc ác.
"Tôi hoàn toàn phản đối cách làm này. Nó cho thấy sự nhẫn tâm, lười biếng, thậm chí nhằm trốn tránh trách nhiệm của người quản lý”, một tài khoản Weibo viết.
Năm 2020, tờ Life Times của Trung Quốc từng kêu gọi người dân không nên hoảng sợ về khả năng vật nuôi nhiễm nCoV. Bởi ngay cả khi chó, mèo dương tính với nCoV, khả năng chúng lây lan là rất thấp. “Trong một đại dịch, vật nuôi cũng là nạn nhân của virus như con người”, tờ báo viết.
Dưới góc độ chuyên gia, các nhà nghiên cứu cũng phản đối hành động của giới chức trách khi tiêu hủy vật nuôi của người chủ mắc Covid-19. GS.TS Vanessa Barrs, Đại học Thành phố Hong Kong (Trung Quốc) cho hay thế giới chưa ghi nhận báo cáo nào về việc mèo nhiễm nCoV lây sang người. Vị chuyên gia đánh giá đây là tín hiệu rất đáng mừng vì châu Âu từng ghi nhận chồn mắc Covid-19 lây virus sang người.
Theo GS Wang Linfa của Chương trình bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y khoa Duke thuộc Đại học Quốc gia Singapore, một vài nghiên cứu đã báo cáo về việc vật nuôi nhiễm nCoV từ chủ. Song, không có bằng chứng cho thấy chiều vật nuôi nhiễm nCoV lây theo chiều ngược lại – lây bệnh cho con người.
Thông tin này được vị chuyên gia Hội nghị Bộ trưởng Đặc biệt về Y tế Công cộng Kỹ thuật số ASEAN hôm 6/10. Bên cạnh đó, GS Wang bày tỏ: “Sẽ rất đáng lo nếu con người có thể lây nhiễm virus cho vật chủ mới, ví dụ dơi ở lục địa Mỹ, vốn không phải ổ chứa virus tự nhiên”.
Theo tài liệu của CDC, bản cập nhật ngày 5/10, các thông tin hiện có cho thấy nguy cơ động vật lây lan nCoV cho con người là rất thấp. Một số virus trong nhánh corona lây nhiễm cho động vật có thể lây sang người. Sau đó, nó tạo thành dịch khi người mang trùng lây cho người lành. Song, CDC khẳng định hiện tượng này cũng rất hiếm.
Đến nay, với Covid-19, giả thuyết hiện có về nguồn gốc của SARS-CoV-2 là có thể bắt nguồn từ dơi. CDC cũng nhấn mạnh cần thêm nhiều nghiên cứu để biết liệu Covid-19 có thể bị ảnh hưởng bởi các vật chủ khác là động vật hay không và nếu có chúng sẽ khác nhau như thế nào.
Khuyến cáo hiện tại của CDC cũng tương tự Bộ Y tế: Người nghi mắc/mắc Covid-19 cần tránh tiếp xúc động vật (vật nuôi trong nhà, động vật hoang dã).
Ngoài ra, hiện nay chưa có vaccine Covid-19 cho vật nuôi, động vật. Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới nghiên cứu vaccine thử nghiệm cho động vật để phòng Covid-19. Vaccine này có tên Carnivac-Cov hay Karnivak-Kov, được thiết kế cho động vật ăn thịt.
Trong tài liệu Hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà ban hành kèm theo quyết định số 4156 ngày 29/8, Bộ Y tế khuyến cáo người cùng nhà F0 không nên tiếp xúc gần vật nuôi; không để vật nuôi tiếp xúc người và các động vật khác ngoài gia đình.
Nguyên nhân là đã có bằng chứng cho thấy nCoV lây lan sang động vật.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.