Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Loạt local brand Việt 'dắt tay nhau' rời cuộc chơi chỉ trong 6 tháng

Chi phí thuê mặt bằng tăng cao, sức mua giảm do kinh tế khó khăn và sự phát triển của thói quen mua sắm online đẩy nhiều thương hiệu thời trang nội địa đến quyết định đóng cửa.

Thị trường thời trang nội địa đối mặt với khó khăn trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Ảnh minh hoạ: Mia Ritta.

Ngày 6/4, thương hiệu thời trang nội địa Mia Ritta (Hà Nội) chính thức tuyên bố đóng cửa cơ sở kinh doanh vật lý, chuyển sang kênh bán online. Tuy không hoàn toàn rời khỏi thị trường thời trang, nhãn hàng này góp phần nối dài “làn sóng” đóng cửa hàng loạt của các local brand Việt, phản ánh bức tranh thị trường cạnh tranh gay gắt.

local brand Viet,  local brand dong cua,  thuong hieu thoi trang,  thuong hieu dong cua anh 1

Các thương hiệu thời trang phải đóng cửa hàng vật lý do chi phí thuê mặt bằng cao. Ảnh: Mia Ritta.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, Thanh Hường, founder của Mia Ritta, cho biết quyết định này đến từ nhiều lý do, bao gồm chi phí thuê mặt bằng cao, chiếm phần lớn ngân sách vận hành của đơn vị kinh doanh thời trang. Ngoài ra, xu hướng mua sắm online của khách hàng cũng đẩy các local brand vào thế khó.

Đồng tình với Thanh Hường, Quý Cao, chủ sở hữu thương hiệu Caostu (TP.HCM), cũng cho rằng sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử với số lượng lớn voucher đi kèm ít nhiều thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng thời trang.

Theo anh, đó là lý do nhiều chuỗi cửa hàng vật lý phải rời cuộc chơi từ năm ngoái. Việc vận hành chuỗi không còn phù hợp với thị trường thời trang hiện tại, gây tốn kém chi phí, dẫn đến quyết định chuyển sang mô hình kinh doanh số hoá.

Quý IV/2024, các hãng thời trang nội địa lâu năm như Lep’, Elpis, Catsa đồng loạt nói lời tạm biệt. Bước sang năm 2025, chỉ trong chưa đầy 3 tháng, thương hiệu giày MỘT, cùng 2 nhãn hàng thời trang The Peachy và Hnoss cũng lần lượt đóng cửa. Điều này phản ánh tình trạng kinh doanh khó khăn của các local brand trong nước.

Tại sao local brand đồng loạt đóng cửa?

Theo Quý Cao, tình trạng kinh tế khó khăn hậu đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Thời trang cũng nằm trong số đó.

Ngoài ra, sự phát triển trong tư duy thời trang và tâm lý mua sắm của người tiêu dùng Gen Z cũng trở thành thử thách đối với nhiều thương hiệu lâu năm trong nước. Khách hàng trẻ ngày càng kỹ tính, chọn lọc cẩn thận hơn.

Việc ra mắt sản phẩm theo mùa, bộ sưu tập hay trào lưu trở thành xu hướng hiện nay, khiến nhiều local brand không bắt kịp, dẫn đến tình trạng kiệt quệ về nguồn lực kinh tế và nhân sự. Một số thương hiệu nội địa không còn lợi thế cạnh tranh, buộc phải rời cuộc chơi.

Founder thương hiệu thời trang Caostu cũng cho biết thời trang thiết kế tại Việt Nam trở nên cởi mở hơn trong khoảng 5 năm gần đây. Thiết kế đa dạng và giá thành thấp hơn so với mặt bằng chung trong khu vực khiến các sản phẩm này được đón nhận.

Tuy nhiên, chiến lược xây dựng câu chuyện, tinh thần, nhận diện và cá tính thương hiệu của nhiều đơn vị hiện nay tương đối giống nhau. Đây có thể trở thành bất lợi cho đơn vị kinh doanh muốn đi đường dài.

“Mở một thương hiệu thời trang ở Việt Nam rất dễ, nhưng việc duy trì hoạt động, vận hành một cách hiệu quả không phải điều đơn giản. Những nhãn hàng không có kế hoạch và sự chuẩn bị về dòng tiền đều có nguy cơ đóng cửa cao”, Quý Cao chia sẻ.

Trong khi đó, Thanh Hường nhận định rằng tình trạng đóng cửa hàng loạt đến từ sức mua giảm do suy thoái kinh tế. Ngoài ra, nhiều đơn vị kinh doanh phải gồng gánh từ đại dịch đến nay, dẫn đến cạn kiệt tài chính và quyết định rời thị trường vào thời điểm này.

Chủ sở hữu local brand đến từ Hà Nội dự đoán rằng “làn sóng” này sẽ kéo dài đến khi tình hình kinh tế thế giới trở nên khả quan hơn.

Tia sáng của bức tranh thời trang nội địa

Có thể thấy, thị trường local brand cạnh tranh khốc liệt hiện nay đòi hỏi các thương hiệu phải thay đổi để tồn tại. Do đó, Thanh Hường quyết định đóng cửa hàng vật lý, tập trung vào phát triển kênh bán hàng online.

Bên cạnh việc thay đổi mô hình kinh doanh, chủ thương hiệu thời trang này cũng tái định vị tệp khách hàng, từ đó phát triển sản phẩm, tìm phương pháp marketing, bán hàng phù hợp.

Nhà sáng lập hãng thời trang cho rằng những nhãn hàng thành công trong bối cảnh khó khăn hiện tại đều phải linh hoạt, thay đổi kịp thời, tập trung vào sáng tạo sản phẩm và tìm ra các phương án tiếp thị mới mẻ, hấp dẫn.

Tương tự, Quý Cao cũng nhận thấy những đốm sáng trong bức tranh local brand tại Việt Nam hiện nay. Song song với những nhãn hàng rời cuộc chơi, nhiều đơn vị kinh doanh mới ra đời, mang đến những sản phẩm thể hiện sự đầu tư về chất lượng, thiết kế và chiến dịch truyền thông.

“Tôi tin tưởng vào câu ‘Hoa sen mọc lên từ bùn’. Dù ở hoàn cảnh nào, các thương hiệu thức thời vẫn đủ sức vươn lên, bứt tốc, gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường”, Quý Cao chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Founder local brand này nhận định rằng tình trạng khó khăn có khả năng kéo dài đến giữa năm 2025, sau đó dần hồi phục. Các phương án hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi sau khủng hoảng, hướng đến phát triển bền vững đã được đưa ra.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang chứng minh vị thế điểm đến mua sắm thời trang lý tưởng của người dân trong khu vực Đông Nam Á, bên cạnh Thái Lan.

Dù trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, Quý Cao chưa từng nghĩ đến việc đóng cửa. Theo anh, một số phương pháp để tồn tại trên thị trường cạnh tranh gay gắt hiện nay bao gồm hoàn thiện quy trình vận hành, bộ máy bán hàng, quy trình sản xuất, phát triển đội ngũ, đảm bảo chất lượng sản phẩm và thiết kế phù hợp thị trường.

Bên cạnh việc mở rộng tệp khách hàng và gia tăng độ phủ thương hiệu, chăm sóc người tiêu dùng cũ để đảm nguồn thu ổn định cũng là ưu tiên hàng đầu.

“Tiềm lực tài chính và đội ngũ kinh doanh giỏi là một phần quan trọng đối với sự phát triển của một local brand. Thương hiệu thời trang về bản chất là đơn vị kinh doanh”, Quý Cao kết luận.

Thêm nhãn hàng xóa ảnh Thùy Tiên sau Dior

Động thái từ phía thương hiệu thời trang Tommy Hilfiger phần nào phản ảnh mức độ nghiêm trọng của sự việc liên quan đến Hoa hậu Thùy Tiên, cho thấy mong muốn rút lui của nhãn hàng.

Tái thương mại trong ngành thời trang

Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.

Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm