Thịt kho hột vịt (hay thịt kho tàu) thường được chế biến sẵn để dùng dần trong các ngày Tết Nguyên đán. Thịt ba chỉ được thái thành miếng vuông vừa ăn, tẩm ướp gia vị rồi đem kho cùng trứng đã luộc sẵn. Phần thịt hình vuông, quả trứng tròn thể hiện sự đoàn viên, gia đình gắn kết và mong ước viên mãn trong năm mới. Khi dùng bữa, bạn có thể dọn món ra ăn ngay với cơm nóng. Ảnh: Quanbuirestaurant. |
Canh khổ qua được các gia đình chuẩn bị trong mâm cơm ngày Tết bởi nó thể hiện niềm hy vọng về một cuộc sống sung túc, mọi khổ cực sẽ dần qua đi. Món ăn này vị hơi đắng nhưng lại tốt cho sức khoẻ. Người chế biến làm sạch ruột khổ qua, sau đó nhồi hỗn hợp thịt băm cùng mộc nhĩ, bún tàu và nêm nếm gia vị rồi đem nấu chín. Ảnh: Rasianbran. |
Củ kiệu ngâm là món ăn bình dị, dễ thực hiện tại nhà và giúp chống ngán. Sau khi phơi khô củ kiệu, bạn đem ngâm vào hỗn hợp nước, giấm, đường từ 7-10 ngày. Món ăn giòn, thơm lại có vị cay, nồng thích hợp để thưởng thức kèm trong bữa cơm đoàn viên. Nhiều người thường ăn củ kiệu cùng tôm khô để cảm nhận trọn vị đậm đà. Củ kiệu ngâm còn tượng trưng cho tiền bạc, sự vinh hoa phú quý trong năm mới. Ảnh: Chef_thuy_pham. |
Bánh tét là một trong những hương vị ẩm thực truyền thống của người dân Nam Bộ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Nguyên liệu cơ bản gồm gạo nếp, đậu xanh, đậu đen, thịt heo hoặc chuối... tùy thuộc loại nhân mặn, ngọt. Bánh được gói bằng lá chuối kèm dây lạt buộc xung quanh. Ảnh: Liêu Lãm. |
Bánh tét có hình trụ với phần nhân được dàn đều bên trong, gợi liên tưởng đến hình ảnh người mẹ bao bọc lấy các con. Do đó, sự xuất hiện của món bánh này trong mâm cỗ ngày đầu năm mang ý nghĩa gợi nhớ về công ơn sinh thành của cha mẹ. Sau khi luộc chín và dâng cúng, người ta đem bánh ra cắt thành từng lát để thưởng thức cùng củ kiệu chua hoặc dưa món. Bánh tét ngày càng có nhiều loại hấp dẫn như nhân chay, mặn, lá dứa, lá cẩm... Ảnh: Lena_trang, Nemnuongvamco, Jin_ng0207, Rasianbran. |
Thịt gà luộc là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của nhiều gia đình Việt. Thông thường gà sẽ được luộc nguyên con để dâng cúng tổ tiên. Gà sau khi cúng được chặt miếng thật đẹp, ăn cùng lá chanh, muối tiêu và xôi. Gà luộc tượng trưng cho cuộc sống ấm no, an khang và cầu gì được nấy. Ảnh: Amthucdelichi. |
Với nhiều gia đình, gà luộc xé phay rau răm là phiên bản ẩm thực quen thuộc cho mâm cơm ngày Tết. Món ăn này có cách làm đơn giản. Người chế biến xé gà thành miếng nhỏ, trộn đều với hỗn hợp nước mắm chua ngọt. Hành tây, giá đỗ, rau răm… cũng được kết hợp mang đến hương vị thanh đạm, giúp bạn chống ngán. Ảnh: Kiethouse. |