1. Món bún nào vào top ngon nhất châu Á?
Bún riêu được trang CNN (Mỹ) liệt kê trong danh sách các món làm từ sợi mì gạo có sức hút nhất châu Á. Đặc sản này giúp bạn chống ngấy hiệu quả bởi sự kết hợp hài hòa của gạch cua, ốc, đậu rán, cà chua, thịt bò, giò tai... kèm rau sống. Ảnh: Chihoacuisine. |
2. Trong hình là kiểu hủ tiếu nào?
Hủ tiếu gõ có mức giá bình dân, song lại chinh phục nhiều người nhờ hương vị thanh mát. Những ngày đầu năm, bạn có thể ghé ra một góc phố, ngồi xì xụp tô hủ tiếu nóng sốt với vài lát thịt mỏng, giá, hành khô và tóp mỡ bùi thơm. Ảnh: Kaiwaii.food. |
3. Món tré có ý nghĩa gì trong ngày Tết cổ truyền?
Tré có hương vị hài hòa, không quá chua như nem hay dễ ngán như các loại chả. Đây là đặc sản của miền Trung được nhiều bạn trẻ ưa thích nhâm nhi vào đêm muộn. Người ta quan niệm rằng ăn tré trong ngày Tết sẽ tạo bầu không khí ấm cúng, sum vầy trong gia đình. Tại TP.HCM, bạn có thể đổi vị với món tré trộn. Phần ăn thường gồm tré, chả, nem, rau răm, xoài, dưa leo... trộn với các loại gia vị. Ảnh: Citastyfood. |
4. Kiểu bánh tráng nào phổ biến ở TP.HCM?
Bánh tráng trộn là món đường phố lý tưởng để giới trẻ Sài thành giải ngán ngày Tết. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được độ bùi béo của đậu phộng, mằn mặn từ muối tôm, chua chua bởi tắc, xoài. Ngoài nước sốt đậm đà hòa quyện các nguyên liệu trên, khô bò và rau răm cũng góp phần tạo vị cay nồng khiến nhiều người tan chảy vị giác. Ảnh: Citastyfood. |
5. Món cuốn nào xuất hiện trong hình?
Những chiếc xe đẩy, gánh hàng rong bán bò bía mặn là hình ảnh quen thuộc với tín đồ ẩm thực ở TP.HCM. Món ăn này được làm từ bánh tráng cuộn với lạp xưởng, rau xà lách, củ đậu, tôm khô, rau thơm... Khi thưởng thức, bạn chấm cuốn bò bía với phần tương đậu nành (tương hột) nấu lên, thêm đậu phộng rang, đồ chua. Hương vị thanh mát của món này sẽ đánh thức vị giác thực khách bên cạnh loạt món dầu mỡ ngày Tết. Ảnh: Samlacareview. |
6. Nguyên liệu chính của phở cuốn là gì?
Phở cuốn xuất hiện lần đầu tiên tại một quán ăn ở ngã tư phố Ngũ Xã và đường Nguyễn Khắc Hiếu ở Hà Nội. Người Hà thành tạo ra đặc sản này với các nguyên liệu quen thuộc như bánh phở, xà lách, rau thơm, thịt bò tái, trứng, đồ chua. Khi ăn, bạn chấm ngập phở cuốn trong nước mắm pha để cảm nhận vị cay nồng, thanh mát hòa quyện. Ảnh: Bababunbonambo. |
7. Món bánh nào thường được ăn kèm lòng gà?
Bánh ướt lòng gà được xem là đặc sản của phố núi Đà Lạt (Lâm Đồng). Đây cũng là món lý tưởng để tín đồ ẩm thực Sài thành đổi vị sau Tết. Người chế biến dùng thịt gà, trứng non và bánh ướt trộn chua ngọt, rồi thêm giá, rau thơm, hành tây, hành phi. Sự kết hợp hài hòa của các nguyên liệu giúp thực khách ngon miệng hơn. Ảnh: Momentoffood. |