Sau khi VKS đề nghị HĐXX tuyên Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba) tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiều 19/12, luật sư bào chữa cho bị cáo đã trình bày luận cứ tranh luận với kiểm sát viên.
"Sai phạm kéo dài một phần do địa phương chậm xử lý"
Bào chữa cho Nguyễn Thái Luyện, luật sư cho rằng đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ý thức chiếm đoạt tài sản phải xuất hiện trước và sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, trong trường hợp này, trước khi nhận tiền của khách hàng Nguyễn Thái Luyện đã lập hợp đồng, thỏa thuận chuyển nhượng. Nội dung thỏa thuận trong hợp đồng được 2 bên ký kết là ý chí tự nguyện. Ngoài ra, rất nhiều bị hại đã được trả tiền lời theo như đúng cam kết.
Luật sư cho rằng nội dung VKS cáo buộc Nguyễn Thái Luyện có mục đích chiếm đoạt tài sản trước khi nhận tiền theo hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử đất theo là chưa phù hợp với kết quả điều tra và thực tế đã xảy ra.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại tòa. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo luật sư, quá trình chỉ đạo các cá nhân đứng tên và nhận chuyển nhượng đất, bị cáo Luyện đều xem xét cẩn thận về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương, từng vị trí, từng phần đất theo quy hoạch đã công bố. Đây chính là điều kiện cần thiết để các cá nhân đứng tên nhận chuyển nhượng tiến hành các thủ tục hành chính tiếp theo.
"Những dự án mà bị cáo Luyện tự lập nên chỉ là chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư và cấp phép thực hiện. VKS cho rằng dự án không có thật là chưa thuyết phục và không đúng với thực tế, không phù hợp với kết quả điều tra vụ án", luật sư nêu quan điểm.
Cũng theo luật sư, hành vi vi phạm của Nguyễn Thái Luyện như thi công làm đường trên đất nông nghiệp, tổ chức quảng cáo, tham quan, giới thiệu mua bán đất nền nhưng chưa xây dựng, thi công hạ tầng và chưa thay đổi mục đích sử dụng đất đều được quy định trong các văn bản về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Người bào chữa cho rằng có cơ sở và căn cứ pháp lý để xác định hành vi của bị cáo Nguyễn Thái Luyện và các bị cáo khác có dấu hiệu của tội Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai.
Ngoài ra, luật sư cũng đề cập đến trách nhiệm của địa phương trong việc chậm xử lý các sai phạm của các bị cáo. "Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các sai phạm kéo dài, ngày càng mở rộng quy mô diện trên đất, làm tăng số lượng người liên quan đến sai phạm", luật sư nói.
Đề nghị tuyên vợ Nguyễn Thái Luyện không phạm tội rửa tiền
Luật sư bào chữa cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện, bị VKS đề nghị mức án 30 năm tù) cũng không đồng ý với đối với 2 tội danh mà VKS đã buộc tội thân chủ. Luật sư cũng đề nghị đổi tội danh áp dụng bị cáo Mai từ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thành Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất đai, với vai trò giúp sức cho bị cáo Luyện.
Theo luật sư, bị cáo Mai từ đầu không giữ chức giám đốc tài chính Công ty Alibaba. Năm 2017, khi kế toán nghỉ việc, Luyện mới đề nghị vợ tham gia.
"Bị cáo Mai làm việc trong tâm thế miễn cưỡng, không thích công việc nhưng do chồng cần và nhờ nên mới làm. Từ khi vào làm tại Alibaba bị cáo không nắm rõ cấu trúc, tổ chức, quy trình của công ty", luật sư trình bày và cho rằng thân chủ không phải là người ra kế hoạch tài chính vĩ mô về dòng tiền ra vào công ty, cũng không phải là người hoạch định chiến lược dòng tiền trong hoạt động kinh doanh.
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai, vợ của Nguyễn Thái Luyện. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đối với hành vi Rửa tiền, luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Mai không phạm tội. Theo luật sư, một ngày sau khi Nguyễn Thái Luyện bị bắt, do áp lực cần tiền trả nợ và chi trả cho khách hàng có hoàn cảnh khó khăn nên Mai đã nhờ Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) chở đến ngân hàng rút tiền. Do bị cáo Mai đang mang thai, khách gọi quá nhiều nên kiệt sức, bị cáo đã dùng ủy nhiệm chi để nhờ Lực rút tiền. "Điều này, thể hiện Mai không cố ý chuyển tiền cho Lực, không có ý thức che giấu, chuyển quyền sở hữu tiền phạm tội mà có", luật sư lập luận.
Trước đó, đại diện VKS nhận định bị cáo Luyện rao bán cái mình không có, lừa dối người mua hàng bằng thủ đoạn lập hệ thống các tổ chức công ty để che giấu hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 2.400 tỷ đồng của hơn 4.500 bị hại. Đại diện VKSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện mức án tù chung thân; đề nghị phạt bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh năm tù 16-18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo là đồng phạm của Luyện bị VKS đề nghị từ mức án từ 12-20 năm tù về cùng tội danh trên. Bị cáo Võ Thị Thanh Mai và Nguyễn Thái Lực bị VKS đề nghị mức án 30 năm tù về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị đề nghị phạt từ 5-6 năm tù về tội Rửa tiền.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về phạt tiền, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.