Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý do số trẻ mắc sởi tăng đột biến ở TP.HCM

Toàn TP.HCM có tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi không đạt 95%, rất khó ngăn chặn được sự tấn công của dịch sởi.

Phụ huynh đưa con đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Khương Nguyễn.

Đây là nhận định của bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC).

Theo đó, số ca mắc bệnh sởi tại TP.HCM đang tăng liên tục từ tháng 5 đến nay. Cụ thể, thành phố đã ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, 364 ca xét nghiệm dương tính, 50% số ca bệnh là ở TP.HCM, còn lại là các tỉnh khác đến khám bệnh và điều trị.

Địa phương này đã có 9 quận, huyện đã đủ điều kiện công bố dịch sởi vì xuất hiện hơn 2 ca bệnh trở lên. Đáng nói, từ năm 2021 đến 2023, toàn thành phố chỉ có 1 ca bệnh.

dich benh soi anh 1

Số ca bệnh sẽ còn gia tăng

Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết trung bình mỗi ngày, khoa Nhiễm - Thần kinh tiếp nhận 3-5 trường hợp mắc bệnh sởi.

"Hơn một tháng nay, số trẻ mắc bệnh sởi nhập viện bắt đầu tăng. Tuy nhiên, số bệnh nhân tăng đột biến trong khoảng hơn một tuần nay. Các ca bệnh tập trung ở nhóm trẻ chưa tiêm vaccine hoặc chưa đến tuổi tiêm vaccine (dưới 9 tháng)", bác sĩ Dư Tuấn Quy nói.

dich benh soi anh 2

Bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Khương Nguyễn.

Trước tình hình này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, nhấn mạnh sởi là bệnh lây lan bởi virus qua đường hô hấp và chỉ có thể phòng ngừa bằng vaccine. Kể cả khi có vaccine, mức độ phủ rộng vẫn không thể đạt 100%, dẫn đến việc sởi sẽ diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm/lần.

"Chắc chắn trong thời gian tới, số ca mắc sởi sẽ gia tăng. Điều này xảy ra do bản chất tính chu kỳ của các dịch bệnh truyền nhiễm có khả năng tạo miễn dịch bảo vệ", PGS Dũng nói với Tri Thức - Znews.

Vị chuyên gia cho hay để giải thích tính chu kỳ của dịch bệnh, có thể so sánh với bình đun nước tự động giữ nhiệt.

Khi nhiệt độ nước trong bình đun cao, bình sẽ tự ngắt. Nhiệt độ nước giảm theo thời gian, rơ le của bình đun lại cấp điện để bình tiếp tục đun nước. Vì vậy, chúng ta thấy hiện tượng bình đun nước cứ thỉnh thoảng lại đun trở lại.

"Bệnh truyền nhiễm cũng như vậy. Khi tỷ lệ người có miễn dịch cao (giống như khi nhiệt độ cao), thì không có dịch (giống như bình đun ngắt điện). Khi tỷ lệ người có miễn dịch giảm dần (giống như khi nhiệt độ trong bình giảm đi) do có nhiều trẻ được sinh ra mà không được tiêm chủng, bệnh lại lây truyền trở lại (giống như khi bình đun lại kết nối điện và đun nước trở lại)", PGS Dũng phân tích.

Vì vậy, đối với bệnh sởi, ở những năm 2021-2023, số ca mắc sởi ít do miễn dịch cộng đồng cao, tỷ lệ trẻ có miễn dịch trên 95%. Tuy nhiên, sau thời gian, nhiều trẻ được sinh ra nhưng tỷ lệ tiêm chủng của những trẻ này không cao trên 95%, dẫn đến miễn dịch giảm dần. Lúc này, miễn dịch cộng đồng không đủ, khả năng lây truyền của bệnh sẽ gia tăng.

Tỷ lệ bao phủ vaccine phòng sởi hiện nay của TP.HCM vẫn chưa đáp ứng để tạo miễn dịch cộng đồng phòng bùng phát dịch sởi. Tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi mũi 2 cho trẻ sinh năm 2019-2022 chưa đạt 95%.

Trong khi đó, để có bảo vệ cộng đồng trước bệnh sởi, tỷ lệ này phải trên 95%.

Cần lấp lổ hổng miễn dịch cộng đồng

Theo bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, lổ hỏng vaccine sởi xảy ra tại TP.HCM do gián đoạn bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, đa số trẻ nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 không tiêm vaccine phòng sởi. Nguyên nhân từ phụ huynh không biết có nên tiêm hay không, truyền thông chưa nhắc đến.

"Cha mẹ của bệnh nhi đa số là dân nhập cư, lo cơm áo gạo tiền hàng ngày nên không có thời gian để ý đến lịch tiêm chủng của con. Địa phương nơi họ đang tạm trú cũng không nhắc nhở, nên không biết đến ngày tiêm. Lúc con bệnh, nhập viện, phụ huynh mới quan tâm đến lịch tiêm chủng vaccine sởi", Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cho hay.

Bên cạnh đó, một số trẻ hơi sốt nhẹ, ho, sổ mũi đến phòng tiêm chủng thì bị từ chối nên phụ huynh đưa con về và không tiêm lại.. Đáng lưu ý là không ít cha mẹ mang tâm lý "anti vaccine", con bị bệnh nhưng nhất quyết không cho tiêm phòng.

Để lấp lổ hỏng miễn dịch cộng đồng này, bác sĩ Quy cho rằng cần có sự phối hợp giữa ngành y tế, giáo dục và truyền thông.

Ông lấy ví dụ những năm 2014-2015, TP.HCM đã làm rất tốt việc tăng tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh truyền nhiễm bằng cách trẻ nào không tiêm thì không cho đến trường. Thời điểm đó, tỷ lệ tiêm chủng của toàn thành phố đạt hơn 95%.

"Hiện nay, nhiều phụ huynh đã bắt đầu quan tâm để đưa con đi tiêm vaccine sau khi các sở ban ngành và truyền thông vào cuộc tuyên truyền, đây là tín hiệu tốt và cần làm sớm hơn", bác sĩ Quy nói.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh nhiều người không cho con tiêm vaccine sởi vì chưa hiểu rõ nó. Thực chất, vaccine sởi là loại vaccine sống giảm độc lực, không ảnh hưởng đến sức khoẻ hay trí tuệ của trẻ.

Độ an toàn của loại vaccine này có thể lên đến 98%, chỉ một số trường hợp sau tiêm trẻ có sốt, khó chịu, quấy khóc, nhưng chỉ diễn ra trong vòng 24-48h.

Cơ thể phi tuổi tác, tâm trí phi thời gian

Người phải đối diện với trạng thái căng thẳng liên tục sẽ chóng già hơn, cơ thể của họ lão hóa nhanh hơn. Kéo theo đó là nhiều bệnh tật liên quan tới huyết áp, rối loạn chuyển hóa.

Cuốn sách "Cơ thể phi tuổi tác tâm trí phi thời gian" mang đến cho độc giả nhiều kiến thức hữu ích liên quan đến quá trình lão hóa của con người. Chúng ta có thể làm chậm quá trình lão hóa bằng những phương pháp rất đơn giản.

Những điều về công bố dịch bệnh truyền nhiễm

Việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm là hành động thiết thực, giúp cho cộng đồng quan tâm đúng mức đến dịch bệnh và tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Phương Anh - Thuận Nguyễn

Bạn có thể quan tâm