Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mánh khóe làm giàu của các ngôi sao livestream Trung Quốc

Ngoài các buổi phát sóng trực tiếp thu về hàng tỷ nhân dân tệ tiền bán hàng, những cái tên nổi tiếng như Vi Á còn có thêm tiền hoa hồng, cộng với các chiêu luồn lách trốn thuế.

Nhìn từ bên ngoài, 5 tòa nhà tạo nên khu công nghiệp Ali Center ở thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang (phía đông Trung Quốc) trông giống hệt nhau, đánh số từ 1 đến 5, theo SCMP.

Tại tòa số 1, chiếm 10 tầng là trụ sở văn phòng chính của ngôi sao livestream nổi tiếng hàng đầu: Vi Á. Sự thành công và giàu có của Vi Á từng đại diện cho giấc mơ của những người theo đuổi con đường bán lẻ trực tuyến ở đất nước tỷ dân.

Ở tuổi 36, khả năng bán hàng, chốt đơn trong một buổi phát sóng trực tiếp của Vi Á tương đương với doanh thu một năm ở các chuỗi cửa hàng bách hóa.

Chieu lam giau cua ngoi sao livestream Trung Quoc anh 1

Vi Á nổi tiếng với những buổi bán hàng kéo dài, thu về số tiền theo đơn vị tỷ nhân dân tệ. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, sau án phạt 210 triệu USD vì trốn thuế, cái tên Vi Á hoàn toàn bị xóa sổ khỏi các trang mạng Trung Quốc.

Án phạt nhắm vào Vi Á là đòn giáng vào ngành công nghiệp bán hàng livestream khổng lồ của Trung Quốc. Nỗ lực bịt các lỗ hổng pháp lý của Bắc Kinh khiến ngành công nghiệp vốn nổi tiếng là trốn thuế thường xuyên đứng trước khó khăn chưa từng có.

Trước Vi Á, hai ngôi sao livestream trên Taobao là Zhu Chenhui trên Taobao cũng bị phạt vì cáo buộc trốn thuế. Hình ảnh, thông tin liên quan đến cả hai nhanh chóng biến mất trên mạng.

Những buổi phát sóng tiền tỷ

Livestream từng là cơ hội kinh doanh mới mẻ, thú vị ở Trung Quốc và thu hút hàng triệu chàng trai, cô gái tham gia các khóa đào tạo học cách bán hàng trước ống kính.

Theo báo cáo của cơ quan thuộc Hiệp hội Nghệ thuật biểu diễn Trung Quốc vào tháng 5/2021, có hơn 130 triệu tài khoản phát trực tiếp trên 23 nền tảng tính đến cuối năm 2020. Không có số liệu chính xác cho thấy bao nhiêu trong số đó tham gia bán hàng hóa, dịch vụ.

Một báo cáo do công ty nghiên cứu iResearch công bố vào tháng 9 cho thấy thị trường thương mại điện tử phát trực tiếp của Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần giá trị từ năm 2019, lên hơn 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (188 tỷ USD) vào năm 2020, với ít nhất 1,23 triệu máy chủ phát trực tiếp chuyên nghiệp.

Chieu lam giau cua ngoi sao livestream Trung Quoc anh 2

Ngành công nghiệp khổng lồ livestream bán hàng tại Trung Quốc vốn đầy rẫy các mánh khóe trốn thuế. Tranh: SCMP.

Trước năm 2019, mô hình kinh doanh này hầu như không tồn tại và chương trình phát trực tiếp đầu tiên của Vi Á chỉ bắt đầu vào năm 2016.

Alibaba Group Holding, tập đoàn sở hữu nền tảng thương mại điện tử Taobao và Tmall, trở thành “ông lớn” trong lĩnh vực này nhờ cộng tác với Vi Á và “ông hoàng son môi” Lý Giai Kỳ.

Bộ đôi này cùng nhau bán số hàng hóa có tổng trị giá 20 tỷ nhân dân tệ trong ngày 20/10 năm ngoái, giúp củng cố vị thế của Alibaba trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến.

Ngoài khu công nghiệp nơi đặt văn phòng của Vi Á, có hàng chục cho đến hàng trăm công ty chuyên về livestream bán hàng tương tự ở tỉnh Chiết Giang.

Nhờ danh tiếng hàng đầu, Vi Á có thể tính phí hoa hồng từ 20% trở lên cho mọi thứ cô bán. Một buổi phát trực tiếp kéo dài 14 giờ từng đạt doanh thu 8 tỷ nhân dân tệ, có nghĩa là cô có thể bỏ túi hơn 1 tỷ nhân dân tệ tiền hoa hồng.

Ngược lại, 600 triệu người dân ở Trung Quốc vẫn sống với thu nhập hàng tháng dưới 1.000 nhân dân tệ.

Năm 2020, Vi Á được vinh danh với giải thưởng quốc gia vì các hoạt động chống lại đói nghèo. Cô cũng là thành viên của Liên đoàn Thanh niên Trung Quốc, một hiệp hội được nhà nước hậu thuẫn và từng nhận huân chương ngày 8/3, một vinh dự hàng đầu dành cho phụ nữ Trung Quốc.

Tuy nhiên, giải thưởng không bảo vệ cô khỏi những lời chỉ trích gay gắt từ truyền thông nhà nước Trung Quốc sau bê bối.

Xiao Lin, sinh viên đại học 21 tuổi ở thành phố Đại Liên, bày tỏ: “Trốn thuế là hành động tôi không thể tha thứ. Ngay cả khi Vi Á và những người khác đã nộp phạt, họ vẫn không nên được phép quay trở lại kinh doanh”.

Chieu lam giau cua ngoi sao livestream Trung Quoc anh 3

Vi Á (trái) và Lý Giai Kỳ (phải) là hai cái tên nổi tiếng nhất trong ngành livestream bán hàng tại Trung Quốc. Ảnh: Weibo.

"Cắt đầu rắn"

Sau hình phạt áp dụng đối với Vi Á, các cơ quan thuế trên khắp Trung Quốc ra lệnh yêu cầu các tổ chức phát trực tiếp báo cáo các khoản tiền chưa nộp vào cuối tháng 12, nếu không sẽ chịu hình phạt nghiêm khắc.

Vụ việc còn phơi bày tình trạng chính quyền cấp tỉnh ở nhiều nơi dung túng cho hành vi trốn thuế bằng cách thành lập các tổ chức vỏ bọc giúp tận dụng mức thuế thấp hơn.

Theo cơ quan thuế ở Hàng Châu, Vi Á mở một số công ty độc quyền, đủ điều kiện hưởng mức thuế thấp hơn, một chiến lược tránh thuế phổ biến trong ngành giải trí và phát trực tiếp.

Các công ty hoặc cá nhân thường thương lượng với cục thuế địa phương từ đầu năm. Còn chính quyền địa phương ở các khu vực kém phát triển ở Trung Quốc thường thu hút các đơn vị kinh doanh với lời hứa hẹn về mức thuế thấp.

You Yunting, đối tác cấp cao tại văn phòng luật sư DeBund Thượng Hải, cho biết các ưu đãi thuế do chính quyền địa phương đưa ra càng làm phức tạp tình hình.

Chieu lam giau cua ngoi sao livestream Trung Quoc anh 4

Các văn phòng do Vi Á đăng ký nằm ở chốn hẻo lánh, ít người lui tới tại Thượng Hải. Ảnh: SCMP.

Ví dụ, Vi Á đã đăng ký ít nhất 7 văn phòng tại một thị trấn xa xôi và hoang vắng nằm trên đảo Chongming của Thượng Hải.

Một số cư dân địa phương được phóng viên SCMP tiếp cận nói họ không biết địa chỉ đăng ký có tồn tại hay không, cho biết việc sử dụng các địa chỉ ma để đăng ký địa chỉ công ty là thực tế phổ biến.

Elijah Whaley, cựu giám đốc tiếp thị của PARKLU, một nền tảng tiếp thị dành cho những người bán hàng livestream có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Tôi không nghi ngờ gì ngành công nghiệp này đầy rẫy các mánh khóe trốn thuế”.

Các thương hiệu và người bán cũng có thể cần phải suy tính lại bài toán dựa vào nhóm người có ảnh hưởng để thúc đẩy doanh số bán hàng.

Michael Norris, giám đốc nghiên cứu tại AgencyChina, cho biết các công ty được hưởng lợi từ sự bùng nổ của bán hàng livestream cần phải tìm ra “kế hoạch B” sau bê bối của Vi Á, hoặc đánh giá lại hiệu quả của việc kinh doanh qua hình thức này.

Tuy nhiên, trong khi vụ việc của Vi Á vẫn chưa lắng xuống, các nhà phân tích cho rằng hình phạt nghiêm khắc được đưa ra nhằm răn đe chứ không phải để giết chết doanh nghiệp, người bán hàng.

Triển vọng bán hàng livestream dự kiến tiếp tục phát triển vì cuộc đàn áp của giới chức chủ yếu nhắm vào những người có ảnh hưởng hàng đầu.

"Cách Trung Quốc trấn áp là nhắm vào những người đứng đầu, 'cắt đầu con rắn' đi và khiến số còn lại sợ hãi. Họ sẽ đóng phạt, biến mất một thời gian rồi quay trở lại, giống trường hợp Phạm Băng Băng. Vì vậy, tôi khá tin tưởng chúng ta sẽ gặp lại Vi Á trong tương lai", Whaley đánh giá.

Anh cấm việc chụp hình phụ nữ cho con bú ở nơi công cộng

Hành vi ghi hình, quay video lại cảnh mẹ cho con bú ngoài nơi công cộng mà không có sự cho phép bị coi là vi phạm pháp luật tại Anh và xứ Wales, theo BBC.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm