"Manifest" là từ tiếng Anh, chỉ việc chủ động tư duy và hành động để biến ước mơ thành hiện thực.
Quá trình "manifest" bắt đầu từ việc cụ thể hóa mong muốn thông qua việc viết rõ ràng các mục tiêu, lặp lại những khẳng định tích cực như "tôi có thể làm được" hay "tôi xứng đáng có được" mỗi ngày. Tiếp theo, thực hành lòng biết ơn những điều tốt đẹp trong cuộc sống và bắt tay vào hành động từng chút một để đạt được ước mơ.
Trên mạng xã hội, từ khóa #manifest liên tục xuất hiện với hàng tỷ lượt xem, cho thấy sức hút mãnh liệt của xu hướng này.
Trào lưu này được bắt nguồn từ nước ngoài. Năm 2020, trong thời kỳ đại dịch, lượt tìm kiếm trên Google về "manifest" từ thế hệ Millennials và Gen Z tăng vọt 600%. Hành động cầu mong, biết ơn này nổi lên như một phương pháp giúp nhiều người cảm thấy có thể tự chủ và kiểm soát cuộc sống của mình, theo The Guardian.
Dần dần, thuật ngữ này được du nhập về Việt Nam và trở thành một từ ngữ quen thuộc. Nhiều người trẻ tin rằng mình sẽ đạt được những điều họ mong muốn trong cuộc sống, từ việc học tập, công việc, tình cảm đến tài chính, thông qua phương pháp thực hành thu hút những điều tích cực, thay vì chỉ phụ thuộc vào may mắn hay số phận.
Ngoài ý nghĩa gốc, đôi khi "manifest" được sử dụng từ thay thế cho cảm thán "ước gì", thể hiện sự mong muốn, khao khát có được điều gì đó.
Chẳng hạn, trong thời điểm thị trường lao động đang khó khăn, nhiều Gen Z đăng tải nội dung trên mạng xã hội như "manifest có việc làm" hay "manifest công việc có lương cao". Ở trường hợp này, có thể hiểu những câu nói trên mang nghĩa "ước gì có được việc làm" và "cầu mong có công việc lương cao".
Mạng xã hội dành cho người yêu sách
Các nền tảng dành cho người yêu sách ngày càng phát triển với nhiều tính năng khác nhau như Goodreads, Litsy, LibraryThing. Không chỉ là nơi kết nối, giao lưu, đây còn là nơi có thể giúp người dùng theo dõi thói quen đọc sách, ghi chép lại thời gian đọc hay tạo nên một không gian ảo cùng các tiện ích để người dùng vận dụng những kiến thức trong sách tổng hợp thành một bài viết.