Video quay cảnh Georgia Ball - huấn luyện viên chơi golf chuyên nghiệp được cấp chứng chỉ đến từ Vương quốc Anh - bị "lên mặt dạy đời" ngay trên sân tập ở Liverpool đang viral khắp mạng xã hội.
Trong video, một người đàn ông lạ mặt bất ngờ xuất hiện, lên tiếng hướng dẫn cô chơi sao cho đúng cách. Khi đó, cô đang thực hiện cú swing và ghi lại video để làm tư liệu cho học viên, theo CNN.
Georgia Ball đã nhận được "lời khuyên" không mong muốn trên sân golf. Ảnh: Georgia Ball. |
"Cô không nên làm như vậy. Động tác phải liền mạch. Cô đưa gậy ra sau quá mức rồi đấy", giọng người đàn ông cất lên trong clip.
Ball sau đó nhìn vào camera với ánh mắt như muốn nói: "Bạn có tin được điều anh chàng này đang nói với tôi không?".
Đó chắc hẳn là suy nghĩ thường thấy của nhiều phụ nữ - những người từng phải nghe câu nói “dạy đời" của cánh mày râu: “Chà, thực ra bạn không nên làm thế này…”
Nó làm nhiều người nhớ đến "mansplaining" - thuật ngữ từng làm mưa làm gió trên mạng xã hội khi xuất hiện.
Đàn ông đam mê giải thích
"Mansplaining" là từ ghép giữa “man" (đàn ông) và “explain" (giảng giải) ám chỉ hành động người đàn ông đưa ra lời giảng giải cho người phụ nữ mà không được yêu cầu.
Hành động này đặc trưng bởi sự tự tin của người nói, giọng điệu trịch thượng, chen vào hoặc ngắt lời, đưa ra giả định đối phương không có hiểu biết về vấn đề đó.
Theo New York Times, "mansplaining" là hiện tượng phổ biến. Nó xảy ra trên Twitter. Nó xuất hiện tại nơi làm việc, trong bữa tối, quán bar và cả lớp học...
Cách giải thích về hiện tượng này bắt đầu từ bài luận Men Explain Things to Me (Đàn ông giải thích mọi thứ cho tôi) của Rebecca Solnit vào năm 2008.
Theo đó, bà Solnit mô tả cuộc trò chuyện với một người đàn ông tại bữa tiệc. Ông ta đã cắt ngang lời bà, không ngừng nghỉ, để “lên mặt" nói về một cuốn sách “rất quan trọng” mà ông ta nghĩ bà nên đọc.
Nhưng hóa ra đó, Solnit chính là tác giả cuốn sách. Và trên thực tế, ông ta chưa từng đọc nó. Bạn của bà phải mất 3-4 lần xen vào để giải thích đó là cuốn sách của Solnit, trước khi ông ta cuối cùng cũng nghe ra.
Điều đáng buồn cười hơn, Solnit cũng phải mất thời gian để nhận ra cuốn sách mà người đàn ông đang đề cập đến thực chất là của bà.
"Mansplaining" ám chỉ hành động người đàn ông đưa ra lời giảng giải cho người phụ nữ mà không được yêu cầu. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Thuật ngữ “mansplain” sau đó được lấy cảm hứng từ bài luận này. Nó tiếp tục được dịch ra hàng chục ngôn ngữ khác nhau như tiếng Đức là “herrklären” hay tiếng Pháp là "mecspliquer".
Đối với nhiều người, không chỉ đơn thuần gây phiền toái bởi những cuộc độc thoại trịch thượng, “mansplaining” còn làm sáng tỏ vấn đề sâu sắc khác. Như bà Solnit lưu ý, nó “khiến phụ nữ trẻ phải im lặng” bằng cách nói với họ “rằng đây không phải là thế giới của họ”.
“Nó khiến chúng ta nghi ngờ và giới hạn bản thân, đồng thời rèn luyện sự tự tin thái quá không được ủng hộ của nam giới”, bà nói.
Không xa lạ
“Mansplaining” được đặt tên gần đây, nhưng có thể hiện tượng này đã xuất hiện từ rất lâu.
Trong chế độ phụ hệ xưa, nam giới thường được cho là có quyền lợi ưu tiên đối với những giá trị quan trọng của con người, như tình yêu, sự quan tâm, sự sùng kính, quyền lực và kiến thức.
Khi nói đến kiến thức, đặc biệt là những kiến thức được coi là cao quý, ý niệm rằng đàn ông có quyền ưu tiên trước đối với nó đã tồn tại từ lâu. Đôi khi điều này liên quan đến ý niệm rằng phụ nữ không thể trở thành nhân vật có quyền lực và dẫn đến vấn đề gây tranh cãi.
Chẳng hạn, theo nghiên cứu kinh điển John Vs. Jennifer: A Battle of the Sexes, cả nam giới và nữ giới tham gia khảo sát đều mang thành kiến phụ nữ có năng lực kém hơn.
"Mansplaining" là hiện tượng phổ biến, chỉ cuộc độc thoại của đàn ông khi người phụ nữ bị “tắt tiếng” và coi thường về tri thức. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Đây là một phần thiết yếu của “mansplaining” - giả định phụ nữ ít hiểu biết hơn, kém năng lực hơn và bằng cách nào đó cần một người đàn ông giải thích mọi việc cho cô ấy.
Tương tự, sửa lỗi cho ai đó là một hành động có tính phân cấp ngầm, đó là cách nói "Bạn sai, tôi đúng".
“Bố tôi đang giải thích việc nấu ăn cho mẹ tôi, người đảm nhiệm phần lớn việc nấu ăn”.
“Anh ấy giải thích cho tôi: Làm thế nào để tôi - một phụ nữ - trở thành nhà nữ quyền 'đúng nghĩa'”.
Những câu chuyện này nằm trong số hơn 200 phản hồi mà Lily - ấn phẩm của Washington Post - nhận được sau khi kêu gọi người theo dõi chia sẻ trường hợp “mansplaining" họ từng gặp phải.
Một bức tượng ở Texas (Mỹ), thực chất mô tả hai người bạn đang nói chuyện, nhưng bị nhiều người ví như meme “mansplaining". Ảnh: Ash Hernandez. |
Một người phụ nữ thậm chí còn từng phải nghe đàn ông “lên mặt dạy đời" về cơ chế sinh học của cô. Một người khác nghe đàn ông nói rằng “phụ nữ thực sự thích bị huýt sáo và quấy rối trên đường phố”.
Theo cây bút Mary Katharine Tramontana, một số đàn ông thích “lên mặt dạy đời" ngay cả khi họ biết trình độ của người phụ nữ, bởi anh ta muốn chứng tỏ mình là người có thẩm quyền.
Ngược lại, các cô gái thường được xã hội hóa để giữ vai trò làm mọi người hài lòng và lịch sự, không làm xấu mặt đàn ông.
“Mansplaining” gắn liền với cảm giác được trở thành người có đặc quyền hiểu biết và giải thích cho người khác trong cuộc trao đổi.
Cảm giác đặc quyền đó khiến một số nam giới cảm thấy tự nhiên khi nói át người khác hay giành quyền phát biểu. Nó cũng tăng sự tự tin, khiến họ sẵn sàng đưa ra ý kiến hoặc quan điểm của mình trong các tình huống.
Nghiên cứu năm 2004 về sinh viên trường Luật Harvard cho thấy so với nữ giới, nam giới có xu hướng đưa ra ít nhất một bình luận trong lớp cao hơn 50%. Trong khi đó, khả năng tự nguyện phát biểu 3 lần trở lên cao hơn gần 150%.
Theo Mary, để tránh trở thành kẻ hay "lên mặt dạy đời" trong mắt người khác, đàn ông nên tự vấn bản thân một số câu hỏi.
"Cô ấy có thực sự quan tâm đến điều mình nói không? Có phải cô ấy muốn mình truyền đạt thông tin này? Mình có biết điều này không? Cô ấy có chuyên môn hơn mình không? Có phải đó chỉ là câu hỏi tu từ?", Mary gợi ý.
Video trên kênh TikTok của Georgia Ball hiện có hơn 12 triệu lượt xem. Một tài khoản X (Twitter) đã chia sẻ lại và đến nay có hơn 57 triệu lượt xem cùng 29.000 lượt chia sẻ.
Ngoài phản ứng phẫn nộ với sự "Mansplaining", nhiều người xem bày tỏ sự ngưỡng mộ khi Ball có thể giữ được sự điềm tĩnh trước màn dạy dỗ kém duyên.
Cô cho biết bản thân chỉ nhẹ nhàng đáp trả vì không muốn khiến ai khó xử, tin rằng người đàn ông cũng chỉ muốn giúp đỡ.
"Tình huống đó thật khó xử, nhưng giờ nhìn lại, tôi thấy vui vì khía cạnh hài hước thôi", cô nói trong chương trình "This Morning" của kênh ITN.
Để có một cuộc sống chất lượng vượt trội
Trong cuốn sách Đầu tư thông minh của Anthony Robbins, tác giả cho rằng sự giàu có đích thực không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà nằm ở cảm xúc, tâm lý và tâm hồn. Nếu bạn không hạnh phúc, bạn không thể có một cuộc sống tuyệt vời, bất kể ví tiền của bạn dày như thế nào.