Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Mệt mỏi vì một năm bị sa thải tới 3 lần

Tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp tiến hành cắt giảm nhân sự. Không ít người rơi vào tình cảnh bị sa thải vào đầu năm, sang công ty mới lại tiếp tục bị layoff.

Đây là lần thứ hai Hồng Hạnh (24 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) mất việc trong năm nay. Sau một năm gắng gượng, công ty của cô thông báo giải thể.

Hồi tháng 3, cô nằm trong danh sách sa thải của một công ty công nghệ. Doanh nghiệp này tiến hành cắt giảm nhân sự diện rộng ngay trong quý I. Vì bị buộc phải dừng công tác đột ngột, cô không kịp tìm việc làm mới, phải chịu cảnh thất nghiệp trong 2 tháng.

Đến giữa năm, Hồng Hạnh đầu quân cho một start-up lĩnh vực lưu trú với vị trí nhân viên thử việc, chấp nhận mức lương thấp hơn đơn vị công tác cũ 20%. Dù đãi ngộ không như ý, cô vẫn cảm thấy may mắn vì tìm được “bến đỗ mới” và tưởng rằng có thể gắn bó lâu dài.

Thế nhưng, công ty khởi nghiệp này liên tục báo lỗ trong 2 quý cuối năm, không thể tiếp tục gồng gánh thêm, chứ không nói đến lương tháng thứ 13 hay thưởng Tết cho nhân viên. Cuối cùng, ban lãnh đạo đành tuyên bố đóng cửa.

“Tôi bật khóc ngay tại bàn làm việc. Vậy là tôi mất việc lần 2 chỉ trong một năm”, nhân viên văn phòng 24 tuổi nói với Tri thức - ZNews.

sa thai nhieu lan anh 1

Nhiều nhân sự chịu cảnh thất nghiệp trong thời gian dài, bị sa thải nhiều lần năm nay. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn năm nay, nhiều doanh nghiệp buộc phải đưa ra quyết định sa thải nhân sự hoặc giải thể do không thể duy trì hoạt động kinh doanh.

Người lao động vì thế chịu chung cảnh mất việc làm, bị “đẩy ra đường” ngay trước Tết Nguyên đán. Nhiều nhân sự bị cho thôi việc 2-3 lần trong một năm, loay hoay tìm việc mới rồi lại nghe tin cắt giảm.

Sa thải rồi lại sa thải

Báo cáo của Tổng cục Thống kê về thị trường lao động quý III cho biết đã có hơn 118.000 người lao động bị mất việc. Cơ quan thống kê đánh giá tình trạng hàng trăm nghìn lao động buộc phải nghỉ việc, giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV/2022 và đã giảm nhiệt trong quý này.

Nhưng thực tế, nhiều người lao động ở các ngành nghề vẫn chứng kiến xu hướng ngược lại. Họ tiếp tục bị cắt giảm, thậm chí có người đã bị cho nghỉ Tết sớm, điều mà ngay cả thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất cũng ít xảy ra.

Ngọc Nguyễn (26 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM), nhân viên kinh doanh của một doanh nghiệp bất động sản, bắt đầu thu dọn đồ đạc, bàn giao công việc hồi đầu tháng 12.

sa thai nhieu lan anh 2

Ngọc Nguyễn không nhận được thu nhập ổn định nửa cuối năm nay, bị cho thôi việc trước Tết Âm lịch. Ảnh: NVCC.

Trước đó 5 tháng, cô từng lọt vào danh sách cắt giảm nhân sự đợt 1 của công ty. Nhờ trưởng phòng hết lời nói giúp, lãnh đạo cấp cao chiếu cố cho Ngọc Nguyễn ở lại, tiếp tục công tác với vị trí cộng tác viên.

Điều này đồng nghĩa cô phải từ bỏ hàng loạt quyền lợi, như được đóng bảo hiểm, hưởng thưởng Tết, trợ cấp ăn ở, đi lại.

Ngọc Nguyễn cũng không còn lương cứng, chỉ được nhận thù lao theo đầu việc và dự án đàm phán thành công. Thu nhập của nhân viên kinh doanh này giảm đáng kể, trở nên bấp bênh suốt nửa cuối năm.

“Trong tháng có ít khách hàng, mức lương ‘ba cọc ba đồng’ không đủ trang trải sinh hoạt phí, khiến tôi phải vay mượn từ các chương trình tín dụng để duy trì cuộc sống”, Ngọc Nguyễn chia sẻ.

Tháng 12, công ty cô thông báo tiếp tục cắt giảm nhân sự nhằm tối ưu hoá bộ máy. Vì không đem lại doanh số như kỳ vọng cho doanh nghiệp, Ngọc Nguyễn đã chuẩn bị sẵn tinh thần rời đi. Như dự đoán, tên của cô tiếp tục nằm trong danh sách layoff.

Dù có sự chủ động, cô vẫn cảm thấy mệt mỏi vì quá trình tìm việc làm mới trong giai đoạn cuối năm quá khó khăn. Sau 2 tuần nộp sơ yếu lý lịch và đi phỏng vấn nhiều nơi, Ngọc Nguyễn vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ các doanh nghiệp.

Tương tự, Trung Dũng (27 tuổi, quận 8, TP.HCM), nhân viên thiết kế đồ họa, chính thức rời khỏi công ty thứ 3 trong năm nay.

Sau Tết Nguyên đán 2023, anh nằm trong danh sách cắt giảm của một doanh nghiệp quảng cáo, được điều chuyển đến công ty khác cùng tập đoàn.

Làm việc tại đơn vị mới khoảng 3 tháng, anh và một số đồng nghiệp trong diện chuyển đổi công tác tiếp tục nhận thông tin bị cho thôi việc.

sa thai nhieu lan anh 3

Nhiều người lao động trẻ không giữ được việc làm, loay hoay tìm kiếm vị trí mới trước Tết Nguyên đán sau nhiều lần bị sa thải. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Trung Dũng cho rằng tập đoàn muốn sắp xếp cho các nhân viên công việc không phù hợp để họ có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhờ đó không phải chi trả trợ cấp thất nghiệp.

“Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, chúng tôi đều muốn giữ ‘nồi cơm’ nên không dám nghỉ. Cuối cùng, tổ chức buộc phải ‘lật bài ngửa’, ra quyết định sa thải”, anh nói.

Nhân viên thiết kế này nhanh chóng ứng tuyển vào một công ty trong cùng lĩnh vực, bắt đầu làm việc từ tháng 6. Tuy nhiên, tình trạng cũ lặp lại, Trung Dũng tiếp tục đối mặt với nguy cơ mất việc lần thứ 3 trong năm.

Nhằm tinh giản bộ máy nhân sự, doanh nghiệp mới cắt giảm bộ phận thiết kế của anh và thuê freelancer thực hiện các dự án thời vụ thay thế.

Để lo liệu cho Tết Nguyên đán, anh đăng ký nhận một số đầu việc với tư cách người lao động tự do tại công ty, đồng thời "rải" CV tìm việc mới.

Tổ chức 3 đợt lay-off

Theo báo cáo dựa trên ý kiến ​​của hơn 4.000 ứng viên và 550 doanh nghiệp tại Việt Nam được Navigos Group thực hiện năm 2023, có tới 82,2% công ty tham gia khảo sát cho biết họ bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường năm nay, và hơn 68% lựa chọn cắt giảm nhân sự.

10% đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bất động sản/xây dựng và dịch vụ tư vấn phải sa thải 50-75% người lao động. 100% công ty chứng khoán phải cắt 25-50% nhân sự.

Anh Việt Trung (quận Tây Hồ, Hà Nội), thành viên ban lãnh đạo của một công ty tài chính, cho biết doanh nghiệp đã tổ chức 3 đợt lay-off trong năm nay. Số lượng nhân sự công ty anh giảm từ 144 người xuống còn 82 người, tức gần 50%.

sa thai nhieu lan anh 4

Các doanh nghiệp nỗ lực duy trì hoạt động, buộc phải cắt giảm số lượng lớn nhân sự để vượt qua khó khăn. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Không chỉ nhân viên, nhiều quản lý cấp cao, cấp trung cũng bị cho thôi việc nhằm tối ưu chi phí vận hành. Việt Trung đã phải nói lời chia tay với một thành viên trong ban lãnh đạo.

Sau khi sa thải một số nhân viên chính thức, công ty của Việt Trung tuyển dụng cộng tác viên thay thế các vị trí để tiết kiệm quỹ lương, thưởng eo hẹp.

Anh Việt Trung đánh giá đây là giai đoạn khó khăn và cam go đối với cả doanh nghiệp lẫn nhân sự. Tình trạng người lao động bị sa thải nhiều lần không còn xa lạ trong năm nay.

Theo lãnh đạo cấp cao này, trong giai đoạn kinh tế suy thoái, các tổ chức không thể “nuôi” nhân sự không làm được việc.

"Nhiều trong số những người lao động từng nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự của doanh nghiệp khác trước đó. Lần này, họ lại tiếp tục mất việc vì không đảm nhiệm được công việc ở công ty tôi", anh nói.

Năm ngoái công ty đi du lịch thay YEP, năm nay nhân viên tự nấu lẩu

Từng đưa nhân sự đi du lịch, bar-hopping thay YEP cuối năm 2022, hiện những công ty này chỉ có thể làm một buổi liên hoan nhỏ, hoặc thậm chí cắt hẳn hoạt động đó.

Ăn điểm trong mắt nhà tuyển dụng

‘Nhân tố F’, trong đó F là viết tắt của ‘Fascination’ (Sự cuốn hút) sẽ là yếu tố thu hút nhất trong một buổi tuyến dụng. Theo tác giả Paul Williams của cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại, những cá nhân nắm giữ vị trí lãnh đạo sau này sẽ cần phải kết nối được với các nhân viên của mình, cổ vũ họ và nắm bắt được trí tưởng tượng trong họ. Nhân tố F được xác định như sau: Liệu người này - trong một khoảng thời gian rất ngắn - có thể khiến tôi hứng thú và cuốn hút tôi hay không?

Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm