Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một bệnh viện tiếp nhận gần 1.000 ca nhiễm giun sán

Nhiều trẻ bị ngứa, nổi mề đay, đau bụng kéo dài nhưng chỉ được điều trị ngoài da. Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm cho thấy các em đã nhiễm giun sán từ thú nuôi.

Giun sán ký sinh gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe trẻ em. Ảnh: Adobe Stock.

Bé N.Q.T. (9 tuổi, trú tại xã Tam Hợp) được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng nổi mẩn ngứa dai dẳng ở tay, bụng và mông, không rõ nguyên nhân. Dù đã thoa thuốc điều trị da liễu hơn hai tuần, triệu chứng vẫn không thuyên giảm, thậm chí, bệnh nhi còn có biểu hiện đau bụng âm ỉ. Gia đình lo lắng nên quyết định đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra.

Tương tự, bé N.Đ.A. (4 tuổi) được người nhà đưa đến bệnh viện vì bị ngứa da, nổi mề đay, mất ngủ ban đêm và đau bụng kéo dài. Các bác sĩ nghi ngờ trẻ nhiễm ký sinh trùng nên đã chỉ định xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu.

Kết quả cho thấy cả hai bệnh nhi đều có chỉ số bạch cầu ái toan tăng cao và dương tính với giun đũa chó mèo (Toxocara spp.) và sán dây chó (Echinococcus granulosus). Trẻ được điều trị bằng thuốc đặc hiệu kết hợp kiểm soát triệu chứng.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã ghi nhận khoảng 900 trường hợp trẻ em dương tính với các loại ký sinh trùng như giun đũa chó mèo và sán dây. Theo bác sĩ chuyên khoa II Vương Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, hầu như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận trẻ đến khám với các biểu hiện như ngứa, nổi mẩn, đau bụng, biếng ăn…

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh còn chủ quan, thường nhầm lẫn các triệu chứng với bệnh ngoài da thông thường nên tự điều trị tại nhà hoặc đưa trẻ đến các phòng khám da liễu. Điều này khiến việc phát hiện và điều trị bệnh bị chậm trễ.

Bác sĩ Nguyệt cho biết giun sán có thể ký sinh không chỉ trong đường ruột mà còn ở nhiều cơ quan khác như phổi, gan, mắt, thậm chí là hệ thần kinh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ký sinh trùng có thể gây tổn thương đa cơ quan và để lại biến chứng lâu dài.

Thống kê từ khoa Huyết học - Vi sinh, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, cho thấy tỷ lệ dương tính với sán dây chó (Echinococcus granulosus) chiếm gần 35%, trong khi giun đũa chó mèo (Toxocara spp.) có tỷ lệ gần 45%. Có thể thấy, nguy cơ nhiễm ký sinh trùng từ môi trường sống và thú nuôi là không nhỏ.

Các bác sĩ khuyến cáo khi trẻ có các biểu hiện như ngứa da, nổi mẩn kéo dài, đau bụng âm ỉ, biếng ăn, chậm tăng cân, rối loạn giấc ngủ, hay có biểu hiện thay đổi hành vi như lo âu, mệt mỏi, thờ ơ… phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xét nghiệm ký sinh trùng kịp thời.

Để phòng ngừa, ba mẹ cần tẩy giun định kỳ cho trẻ và thú cưng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với đất cát không đảm bảo vệ sinh, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi chơi, không để thú nuôi liếm tay, mặt trẻ. Đặc biệt, nên đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là khi có những dấu hiệu nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng.

Bộ sách “Bí ẩn hướng nội” chứa đựng nhiều thông tin và kiến thức rất hữu ích giúp bạn thấu hiểu chính mình, thoát khỏi vòng luẩn quẩn tự nghi ngờ và đánh đồng bản thân với những định kiến rập khuôn của xã hội. Để từ đó bạn học cách yêu thương và trân trọng con người hướng nội của mình.

Người đàn ông bị đỉa chui vào niệu đạo khi đang làm việc ngoài đồng

Khi đang làm việc ngoài đồng, người đàn ông bất ngờ bị một con đỉa chui vào niệu đạo. Anh phải đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.

Số ca liên cầu lợn tăng vọt, bác sĩ chỉ cách ngăn ngừa

Bệnh viện Trung ương Huế đang có 14 bệnh nhân mắc liên cầu lợn. Một trong số đó đang trong tình trạng hôn mê, tiên lượng dè dặt. Trước đó, một người đã không qua khỏi.

5 thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là loại ung thư được chẩn đoán phổ biến thứ năm trên toàn cầu, thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, khi đã di căn và tiên lượng kém...

Kỳ Duyên

Bạn có thể quan tâm