Tại chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2021 do Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 15/1, chị Đỗ Thị Phương Hoa (Hà Nội) chia sẻ bản thân bắt đầu tham gia hoạt động này từ 8 năm trước.
Đó cũng là khoảng thời gian vợ chồng chị và 2 con gái bắt đầu ăn chay trường. Đến nay, chị có 52 lần hiến máu và tiểu cầu. Chồng chị cũng là một thành viên hiến tiểu cầu nhiệt huyết. Hai con gái bắt đầu hiến tiểu cầu từ năm 18 tuổi.
Chị Đỗ Thị Phương Hoa (áo xám) cùng những người bạn vẫn đều đặn tham gia hiến tiểu cầu. Ảnh: Công Thắng. |
“Chúng tôi ăn chay trường và rất khỏe. Dù ăn chay, chỉ số máu rất tốt nên chúng tôi đều đặn hiến tiểu cầu. Tôi muốn lan tỏa cho mọi người về lối sống xanh, bảo vệ môi trường và nhắn gửi rằng chúng ta hãy trao yêu thương đi khi còn có thể”, chị Hoa chia sẻ.
Điều khiến người phụ nữ này xúc động là sau mỗi lần hiến, chị có thể theo dõi qua hệ thống để thấy tiểu cầu của mình được trao tới mọi người. “Những yêu thương đó đã được đi khắp tỉnh, thành và đến với nhiều người bệnh trong cả nước. Nhìn lại chặng đường đã qua khiến tôi rất xúc động”, chị nói.
Hiện tại, chị Hoa là trưởng một câu lạc bộ thiện nguyện. Không chỉ gia đình, nhiều thành viên khác trong câu lạc bộ của chị cũng đều đặn tham gia hiến tiểu cầu.
Chị Trần Thị Hồng Oanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng có 44 lần hiến máu và tiểu cầu. Riêng năm 2021, chị có 16 lần hiến tiểu cầu.
“Có người thấy tôi hiến tiểu cầu về khỏe mạnh nên rất yên tâm cho con tham gia. Tôi rất vui vì đã truyền cảm hứng làm việc tốt đến cho nhiều người”, chị Oanh tâm sự.
Bên cạnh những người bạn thân thiết, chị Oanh còn được chồng ủng hộ và đồng hành. Anh chia sẻ: “Việc hiến máu, tiểu cầu không chỉ đơn giản là cho người bệnh một phần cơ thể mình. Điều đó còn cho họ hy vọng sống để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật”.
Năm 2021, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được 33.314 đơn vị tiểu cầu gạn tách, trong đó có 65% là hiến tình nguyện.
TS.BS Trần Ngọc Quế, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết với hiến máu thông thường, toàn bộ chế phẩm được lấy vào một túi trữ có đựng sẵn chất chống đông và bảo quản. Sau đó, chúng được điều chế thành các chế phẩm máu khác nhau.
Toàn bộ quá trình lấy máu, ly tâm, tách tiểu cầu và truyền máu trả lại cơ thể là vòng tuần hoàn khép kín trong bộ lọc riêng. Ảnh: Công Thắng. |
Riêng tiểu cầu sử dụng một bộ gạn tách riêng. Toàn bộ quá trình lấy máu, ly tâm, tách tiểu cầu và truyền máu trả lại cơ thể là vòng tuần hoàn khép kín trong bộ lọc riêng. Với tiểu cầu, người cho cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu. Nhưng chỉ sau 2-3 tuần, họ có thể hiến nhắc lại.
“Một năm có 12 tháng nhưng nhiều người đã hiến đến 16, 17 lần tiểu cầu. Đều đặn hàng tháng, thậm chí có tháng 2 lần, họ đã đến viện mà không chờ được gọi hay nhắc lịch. Số lượng người hiến tiểu cầu tình nguyện và thường xuyên ngày càng tăng cho thấy sự quan tâm hưởng ứng của cộng đồng ngày càng lớn”.
TS Quế cho biết chương trình năm nay tri ân gần 200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu. Họ đại diện cho hàng nghìn người hiến tiểu cầu thường xuyên. Nhiều người đã hiến máu và tiểu cầu 60-80, thậm chí hơn 100 lần.