Theo PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ, người có hơn 60 năm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ, Tết Nguyên đán là dịp nghỉ lễ lớn và quan trọng nhất trong năm của người Việt ta. Đây là khoảng thời gian các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau.
Đây cũng là dịp để mọi người thăm hỏi người thân, thầy cô, bạn bè. Vì vậy, dân gian mới có câu "mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy".
PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ. Ảnh: VTC News. |
Trong quan niệm của nhiều người, "cha" là đại diện của "họ hàng bên nội". Do đó, "mùng 1 Tết cha" có nghĩa là sáng ngày mồng 1 Tết, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ tập trung bên nội để cúng bái gia tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ tỏ lòng thành kính.
Đến mùng 2 Tết, theo thông lệ, vợ chồng con cái sẽ "khởi hành" sang thăm hỏi và chúc Tết bên nhà ngoại. Các nghi thức "Tết mẹ" cũng trang trọng và thành kính như bên nhà nội. Con cháu chúc Tết ông bà và nhận "lì xì" may mắn đầu năm.
Có những bạn chỉ hiểu cha và mẹ theo nghĩa đen, thậm chí còn nói "Ngày của Mẹ" còn thêm ngày mùng 2 Tết.
Mùng 3 Tết, người Việt, mọi người thường rủ nhau đến chúc Tết thầy cô giáo. Đây vừa là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô, vừa là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chúc tụng nhau gặp nhiều điều may.
PGS Hỷ cho hay ngày xưa cho dù làm quan đến tể tướng thì ngày Tết học trò đến thăm thầy cũng vẫn một lòng tôn sư trọng đạo như thế. Thường thì ngày mồng 3 Tết, người đứng đầu hàng môn sinh - những người cùng học, không phân biệt tuổi tác, chức vị, vị trí xã hội, thường tụ họp ở gia đình thầy giáo, chúc Tết thầy.
Người cao tuổi nhất hoặc người được các bạn đồng môn tín nhiệm nhất thay mặt mọi người đứng lên trịnh trọng thưa với thầy về sự có mặt của học trò lớp mình và chúc thầy trường thọ cùng những điều tốt lành.
Mùng 3 Tết, người Việt thường dành riêng đi lễ Tết thầy giáo. Không chỉ các học trò học chữ đến với thầy dạy chữ, mà thầy được người Việt mở rộng nghĩa là những bậc có công dạy chữ lẫn dạy nghề, dạy cả những bộ môn nghệ thuật như dạy đàn, dạy hát…
Người Việt thường nói "Không thầy đố mày làm nên". Công dưỡng dục thuộc về cha mẹ nhưng công lao dạy dỗ thành người hiểu biết, thành người có nghề nghiệp để sau này sinh sống và định vị cuộc đời mình trước nhân quần xã hội là người thầy.
Với tinh thần tôn sư trọng đạo, người Việt quan niệm "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", nghĩa là dạy một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy - để tỏ lòng tri ân người có công khai tâm cho con người bằng trí thức, bằng chữ, PGS Hỷ cho hay.
Phong tục "Mùng 3 tết Thầy" là một trong những nét đẹp truyền thống đáng trân trọng. Trong tâm thức người Việt, dù trong hoàn cảnh nào thì nhớ về thầy trong những ngày vui của tết là điều không bao giờ mất đi.
Tết thầy cốt ở tấm lòng, đi tết thầy, người ta có thể đơn giản chỉ dùng đến những dòng tin nhắn, những cuộc điện thoại đầy tôn kính hay đến thăm thầy, chúc tết thầy với một tình cảm trìu mến... chỉ ngần ấy thôi cũng đủ để làm nên một cái tết thầy đầy ấm áp, yêu thương, vị PGS này chia sẻ.