Gần đây, câu chuyện về chị Tô Thị Quỳnh Giao (ngụ phường 8, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) đến nhiều cơ quan ở Sóc Trăng kêu cứu vì con trai học lớp 6 bị trả về lớp 1 nhận được sự quan tâm của dư luận.
Theo đó, con trai chị tên Lâm (13 tuổi) được xét vào Trường THCS Lê Vĩnh Hòa. Tuy nhiên, theo giáo viên chủ nhiệm, Lâm không biết đọc, viết nên được đưa trở lại trường tiểu học.
Giáo viên cho trò lên lớp không xứng đáng trên bục giảng
Câu chuyện của gia đình ở Sóc Trăng dấy lên dư luận về hiện tượng "ngồi nhầm lớp", bệnh thành tích trong giáo dục tồn tại nhiều năm nay. Không chỉ trường hợp của Lâm, 8 học sinh lớp 3 Trường tiểu học Lê Hồng Phong (phường 3, TP Sóc Trăng) cũng chưa biết đọc, viết.
Huyện Trần Đề của tỉnh này cũng có vài học sinh tiểu học được cha mẹ xin cho con học lại lớp 1 vì các em không đọc thông, viết thạo.
Là người công tác nhiều năm trong ngành giáo dục tiểu học, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết bà không cảm thấy ngạc nhiên, vì hiện tượng "ngồi nhầm lớp" năm nào cũng có ở nhiều nơi.
Trường tiểu học Lý Đạo Thành ở TP Sóc Trăng. Ảnh: Cao Xuân.
|
Theo đánh giá của bà Hương, lỗi xuất phát từ phía gia đình và nhà trường. Nền giáo dục hiện tại đánh giá giáo viên, nhà trường bằng thành tích của học sinh nên khi bị áp lực, họ ép buộc đứa trẻ lên lớp, dù cháu chưa đủ khả năng.
Riêng về phía gia đình, khi con học yếu đến nỗi không thể biết đọc, viết, bố mẹ vẫn để cháu lên lớp 6 thì rất đáng trách.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT cho biết khi còn công tác tại Bộ GD&ĐT, trong lần lên Tuyên Quang khảo sát về tình hình học tập của học sinh dân tộc nội trú, ông thấy có tình trạng học sinh lớp 9 chưa biết đọc, viết. Nguyên nhân là thầy cô ngay từ cấp dưới đã không cương quyết cho học sinh lưu ban.
Theo ông Nhĩ, giáo viên Trường tiểu học Lý Đạo Thành phải chịu trách nhiệm đầu tiên về việc nam sinh lớp 6 phải học lại lớp 1. Những người đã cho học sinh lên lớp không xứng đáng đứng trên bục giảng.
'Ngồi nhầm lớp' là hiện tượng dối trá trong giáo dục
Năm 2006, Bộ GD&ĐT có phong trào "Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục", trong đó khẳng định cần chấm dứt tình trạng học sinh không đạt yêu cầu tối thiểu về kết quả học tập mà vẫn cho lên lớp.
Thực tế, "căn bệnh" này vẫn tồn tại trong ngành giáo dục. TS Vũ Thu Hương cho biết bà từng nghe nhiều câu chuyện về giáo viên tiểu học than thở tình trạng học sinh học không đạt nhưng cha mẹ vẫn "chạy" cho con lên lớp, nhà trường ép học sinh lên lớp.
Lớp học của TS Vũ Thu Hương. Ảnh: NVCC. |
“Tôi từng nghe một cháu nhỏ than thở là đi học mà không hiểu gì. Năm trước, cháu học không tốt nhưng thầy cô không cho lưu ban. Năm nay, cháu học vô cùng khổ sở dẫn đến chán học, ghét trường lớp, thầy cô giáo và bạn bè. Cháu đã có ý định tự tử và bỏ nhà đi”, bà Hương kể.
Theo quan điểm của nữ tiến sĩ, "ngồi nhầm lớp" có nguyên nhân từ đánh giá con người sai lệch.
“Người Việt sống cộng đồng nên hay đánh giá mọi thứ theo con mắt của cộng đồng. Hạnh phúc hay bất hạnh không do chính người đó cảm nhận được mà cũng là để thiên hạ đánh giá. Vì điều này, mọi người khao khát lập thành tích để khoe với cộng đồng. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất của bệnh thành tích trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục”, bà Hương nêu quan điểm.
Điều này dẫn đến việc thầy cô tìm cách ép trẻ học cho... ra thành tích. Nếu thành tích của con chưa tốt, người lớn tìm cách che đậy và hậu quả nghiêm trọng xảy ra.
Ngoài ra, việc đánh giá giáo viên, nhà trường dựa vào thành tích của học sinh là không chính xác và mang nhiều hệ lụy. Giáo viên giỏi không phải dạy toàn học sinh giỏi mà là người trợ giúp hiệu quả để đứa trẻ tiến bộ so với chính các em.
TS Hương thẳng thắn nêu quan điểm hiện tượng "ngồi nhầm lớp" rõ ràng là hậu quả của bệnh dối trá trong trường học.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, bệnh thành tích chưa có hồi kết. Ông đề nghị các cấp lãnh đạo, nhà quản lý cần sát sao hơn với công tác thanh tra, kiểm tra. Việc học sinh "ngồi nhầm lớp" tạo nên sự lãng phí lớn, ảnh hưởng uy tín trong ngành giáo dục.