“Hậu Covid-19” là thời điểm lĩnh vực du lịch phục hồi, dần ổn định trở lại, kèm theo đó là cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn cho sinh viên nhóm ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn.
Trong giai đoạn thị trường phục hồi, nguồn nhân lực chất lượng cao về du lịch - nhà hàng - khách sạn được kỳ vọng đón đầu làn sóng tăng trưởng, tạo đà để “ngành công nghiệp không khói” lấy lại vị thế vốn có.
Covid-19 lan rộng đến 215 quốc gia và vùng lãnh thổ khiến ngành du lịch toàn cầu tổn thất nặng nề, gián tiếp ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác như khách sạn, nhà hàng. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung của toàn cầu, nhưng cuối năm 2020, thị trường ghi nhận một số dấu hiệu tích cực, cho thấy ngành du lịch có khả năng sớm phục hồi.
Điều này phần nào được thể hiện ở báo cáo những chặng bay nhộn nhịp nhất thế giới hồi tháng 11/2020, do tổ chức cung cấp số liệu về du lịch, hàng không toàn cầu OAG công bố. Theo thống kê, tuyến Hà Nội - TP.HCM là đường bay đông khách thứ hai thế giới với gần 893.000 khách, chỉ sau chặng Jeju - Seoul (Hàn Quốc) có hơn 1,3 triệu khách.
Với 92,12 điểm, độc giả tạp chí du lịch Mỹ Condé Nast Traveler (CNTraveler) bình chọn Việt Nam ở vị trí thứ 9 trong 20 quốc gia là điểm đến yêu thích năm 2020. CNTraveler cũng xếp hạng nước ta ở vị trí thứ 13 trong 21 điểm đến tốt nhất năm 2021, dựa trên đánh giá về kiểm soát tốt đại dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, để nhanh chóng lấy lại lợi thế cũng như đón đầu làn sóng mới, ngành du lịch Việt Nam cần đầu tư vào nhân lực, bên cạnh phát triển sản phẩm. Và thế hệ sinh viên chính là nguồn nhân lực được kỳ vọng mang đến hơi thở mới cho thị trường tiềm năng này.
Nhận định về tình hình du lịch, nguồn nhân lực Việt Nam tại sự kiện “Đối thoại cùng CEO”, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) - cho rằng nước ta cần thực hiện chiến lược kép từ quý III năm nay, đảm bảo an toàn song song với phục hồi và phát triển du lịch. “Du lịch được dự báo bật mạnh như chiếc lò xo bị nén sau Covid-19. Cú bật này tạo ra thị trường lao động dồi dào - là cơ hội để các bạn sinh viên trẻ, cũng chính là đồng nghiệp tương lai của chúng tôi chinh phục”, ông nhận định.
Cùng quan điểm, TS. Phan Thanh Long - Tổng giám đốc Khách sạn Rex Saigon - khẳng định: “Dịch bệnh chỉ là nhất thời, nhóm ngành này sẽ phát triển trở lại với tốc độ nhanh hơn. Và tất nhiên, cơ hội luôn sẵn có, chỉ là các bạn sinh viên có đủ kỹ năng, tâm huyết để giành về mình hay không”.
Theo các chuyên gia, bên cạnh cơ hội là số lượng việc làm dồi dào, nhiều hạng mục công việc mới, thì thách thức lớn là cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là một trong những bài toán tồn tại từ lâu nhưng chưa có lời giải hợp lý.
Nhìn từ góc độ thị trường, theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó, hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Nằm trong 9 ngành kinh tế trọng điểm của thành phố, riêng tại TP.HCM có hơn 50 trường đào tạo các chuyên ngành về du lịch - nhà hàng - khách sạn nhưng chỉ đáp ứng được 60% so với nhu cầu.
Không chỉ thiếu nhân lực, thị trường lao động ngành du lịch còn “khát” nhân sự chất lượng cao. Báo cáo về thực trạng nguồn nhân lực du lịch của Tổng cục Du lịch chỉ ra tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ hiện nay khá thấp, chỉ chiếm 43% tổng số, trong đó hơn một nửa không biết ngoại ngữ.
Nhiều hướng dẫn viên du lịch, nhân viên nhà hàng và khách sạn tốt nghiệp đại học, cao đẳng… nhưng vẫn cần đào tạo lại hoặc bổ sung kỹ năng ngoại ngữ sau tuyển dụng. Trình độ ngoại ngữ và kỹ năng nghiệp vụ còn hạn chế của người lao động khiến các đơn vị du lịch chưa khai thác hết nguồn lợi du lịch.
“Chương trình đào tạo tại nhiều trường còn chú trọng lý thuyết mà chưa có điều kiện tổ chức nâng cao thực hành. Vì vậy, sinh viên, học viên ra trường thường thiếu kỹ năng. Trong khi đó nhân lực ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn phải được học từ thực tế để biết cách tổ chức, xử lý tình huống, thông thuộc địa bàn du lịch”, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - trăn trở.
Không giống một số lĩnh vực, nhóm ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn yêu cầu trải nghiệm thực tế cao, bên cạnh chương trình đào tạo lý thuyết. Do vậy, đơn vị nào tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm thực tế sẽ nắm lợi thế. Là đơn vị tiên phong ứng dụng mô hình đào tạo thực tiễn nhiều năm qua, Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech) hiện là một trong những trường thu hút nhiều thí sinh đăng ký nhóm ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn.
Trung Tính (sinh viên năm 2) chia sẻ: “Mình chọn ngành Quản trị khách sạn ở Hutech vì ấn tượng với hệ thống thực hành hiện đại theo tiêu chuẩn 5 sao, có đầy đủ dụng cụ và trang thiết bị tiện nghi. Khi vào học rồi, mình cảm thấy thầy cô giảng dạy rất chuyên nghiệp và tận tình”.
Cũng như Trung Tính, lý do Bảo Ngọc (sinh viên năm 3 ngành Quản trị nhà hàng) thêm gắn bó, thấu hiểu chuyên ngành này phần lớn nhờ những giờ học thực tiễn tại trường.
“Theo mình tìm hiểu, hệ thống tích hợp các phòng thực hành của Hutech thuộc top đầu tại Việt Nam. Để đảm bảo trải nghiệm học tập tối ưu cho sinh viên, trường xây dựng theo tiêu chuẩn của Đại học CY Cergy-Paris (Pháp)”, Bảo Ngọc cho hay.
Với mô hình “đại học ứng dụng” - lấy người học làm trung tâm, sinh viên Hutech được trải nghiệm hệ thống phòng thực hành chuyên biệt cho nghiệp vụ lữ hành, khách sạn, buồng phòng, nhà hàng, bartender, bếp... Mỗi phòng thực hành đều được thiết kế, trang bị đầy đủ tiện nghi dựa trên tiêu chuẩn 5 sao, tạo không gian học tập chất lượng cho người học.
PGS.TS. Nguyễn Quyết Thắng (Trưởng Khoa Quản trị du lịch - nhà hàng - khách sạn Hutech, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam) cho biết: “Để sớm làm quen với môi trường làm việc, sinh viên phải được chuẩn bị ngay từ khi học tập tại trường. Đây là mục tiêu chúng tôi đặt ra khi đầu tư hệ thống thực hành chuẩn 5 sao cũng như chú trọng các học kỳ doanh nghiệp”.
Không chỉ trang bị tốt hệ thống cơ sở vật chất phục vụ quá trình học tập của sinh viên, trường còn có nhiều sáng kiến giáo dục thực tiễn, nổi bật là “Học kỳ doanh nghiệp”. Chương trình thực hành này dành riêng cho sinh viên từ năm 2, kéo dài 3-6 tháng trong thời gian đào tạo chính khóa.
Theo đó, sinh viên được học tập tại các khách sạn 5 sao như Intercontinental Asia, Majestic, nhiều trung tâm hội nghị như Gem Center, Metropole, The Adora... để nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng, cách thức phục vụ, giám sát trong tất cả bộ phận buồng (phòng), bếp, tiền sảnh...
Điểm cộng của chương trình trải nghiệm là sinh viên được cấp giấy chứng nhận tham gia khóa học, có hiệu lực tại hệ thống nhà hàng khách sạn trên cả nước. Điều này góp phần mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên tại các tập đoàn khách sạn cao cấp, sau khi tốt nghiệp.
Trung Tính đã có trải nghiệm học tập đáng nhớ trong chuyến kiến tập tại Khách sạn Rex Saigon, khi có cơ hội làm quen với môi trường khách sạn chuẩn quốc tế và hoàn thiện bản thân. “Dù chỉ mới vào đầu năm hai và chưa có dịp trải nghiệm học kỳ doanh nghiệp tại khách sạn, mình đã học hỏi được rất nhiều về cách giao tiếp ứng xử với khách hàng, làm quen trước áp lực công việc, cũng như tạo mối quan hệ để có thể làm việc tại đây”, Trung Tính bày tỏ.
Với sinh viên năm 3 nhóm ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành như Thế Sang, đi tour thực tế là một phần của chương trình học. Trong chuyến đi từ TP.HCM đến miền tây, Thế Sang được tạo cơ hội để rèn luyện nghiệp vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn cũng như hoàn thiện các kỹ năng cần thiết bổ trợ cho công việc tương lai.
Học và thực hành trong môi trường hiện đại, trải nghiệm học kỳ doanh nghiệp thú vị… là những ưu thế góp phần tạo nên một chương trình đào tạo thực tiễn và toàn diện tại Hutech.
Chia sẻ về mô hình đào tạo của trường, TS. Nguyễn Quốc Anh - Phó hiệu trưởng Hutech - khẳng định: “Để thích nghi tốt với những biến động, trước hết, sinh viên cần có đủ trải nghiệm và hiểu biết thực tế nghề nghiệp. Nhất là với một nhóm ngành dịch vụ, liên quan nhiều đến cảm xúc con người như du lịch - nhà hàng - khách sạn. Đây cũng là mục tiêu quan trọng mà chương trình đào tạo của trường hướng tới, thông qua thời lượng thực hành lớn hay các Học kỳ doanh nghiệp”.
Cũng theo phó hiệu trưởng, theo thống kê của nhà trường, tỷ lệ thực hành trung bình của ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn đạt trên 50%. Nhờ những trải nghiệm thực tế, sinh viên nhóm ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn được nâng cao kỹ năng, tự tin làm việc tại doanh nghiệp uy tín.
“Khảo sát hai khóa tốt nghiệp gần đây nhất về tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp với khối ngành VII (trong đó có dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn) là 95% năm 2020, 96% năm 2019”, phó hiệu trưởng chia sẻ thêm.
Để tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm môi trường học tập năng động, trường có nhiều câu lạc bộ, hoạt động thú vị như CLB Hospi - nơi các bạn trở thành hướng dẫn viên part-time cho công ty đối tác của trường, hay sự kiện/chương trình văn hóa - nghệ thuật - thể thao giúp người học phát triển năng khiếu, giao lưu và kết nối…
“Từ mô hình đào tạo hiện đại, sinh viên được định hướng nghề nghiệp và phát triển bản thân toàn diện. Điều chúng tôi hướng tới là khơi gợi ước mơ nghề nghiệp và trang bị khả năng hiện thực hóa hoài bão cho sinh viên, ngay từ giảng đường”, TS Nguyễn Quốc Anh chia sẻ.
Bình luận