Y sĩ Phan Dân Phương lách chiếc xe wave cũ vào sâu bên trong con hẻm trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh.
Con đường "hẻm chồng hẻm" dài hơn một km dẫn đến khoảng sân nhỏ, nơi có hàng chục nhà trọ.
"Xin hỏi nhà này có ai tên Nguyễn Tấn Đ., đang là F0 hay không. Tôi là nhân viên trạm y tế phường!", anh Phương chào hỏi khi đứng trước căn nhà có dán biển đỏ "Gia đình đang có người cách ly y tế".
"Ghé thăm" hàng chục F0 mỗi ngày
Anh Phan Dân Phương là y sĩ thuộc Trạm y tế phường 11, quận Bình Thạnh (TP.HCM). Công việc mỗi ngày của anh làm thống kê danh sách những người đã khai báo dương tính cách 7 ngày để đến test nhanh và xác nhận hoàn thành cách ly.
"Tưởng chừng công việc đơn giản, nhưng chúng tôi không ai có thể làm liên tục một tháng, phải thay phiên nhau. Tôi cố lắm cũng chỉ đi liên tục hơn 20 ngày vì đuối", y sĩ Phương nói.
Gia đình có F0 đang cách ly tại nhà nơi anh Phương đến nằm sâu trong một con hẻm. Để tìm được địa chỉ, anh phải băng qua nhiều hẻm khác. F0 tại đây là bé trai 11 tuổi, bị lây nhiễm từ người cậu học lớp 12.
Y sĩ Phan Dân Phương đến nhà xét nghiệm Covid-19 để quyết định hoàn thành cách ly cho người dân tại phường. Ảnh: Bích Huệ. |
Khi y sĩ Phương đến nhà, bé trai và ba mẹ lần lượt được test nhanh. Sau 10 phút, kết quả của bé trai hiển thị 2 vạch đỏ mờ. Ba mẹ bé vẫn âm tính. Anh Phương viết giấy xác nhận hoàn thành cách ly cho F1.
Ngoài ra, nam sinh lớp 12 là cậu của bé trai cũng có xét nghiệm âm tính trở lại khi gia đình tự test nhanh vào sáng 26/2.
Y sĩ Phương lo lắng và dặn dò đầu giờ chiều, gia đình đưa nam sinh đến trạm y tế để xét nghiệm, kiểm tra kết quả.
Cao điểm, có ngày đội của anh Phương đi đến gần 100 hộ gia đình để test nhanh kết thúc cách ly.
"Nhiều người gọi trách trạm y tế phường sao đến chậm quá. Họ thông báo đủ 7 ngày cách ly nhưng chưa ai đến xét nghiệm. Những lúc như thế, chỉ mong bà con thông cảm", y sĩ Phương nói.
Cùng lúc này, một y sĩ khác cũng mang hàng chục túi thuốc đến từng nhà F0 vừa thông báo dương tính để kiểm tra sức khỏe, phát thuốc và test nhanh cho F1.
Áp lực ở giai đoạn "bình thường mới"
Cử nhân điều dưỡng Đinh Nho Tài, Trưởng trạm y tế phường 11, cho biết mỗi ngày, phường 11, quận Bình Thạnh, phát hiện trung bình 70 F0. Tổng số ca dương tính đang được quản lý trên địa bàn là 500.
Hiện Trạm y tế phường 11 có 6 nhân viên y tế phụ trách và 3 tình nguyện viên. Như vậy, với tổng cộng 9 nhân sự, mỗi nhân viên phải "gánh" gần 56 F0.
So với giai đoạn dịch cao điểm tháng 7-9/2021 ở TP.HCM, số lượng ca F0 hiện tại ở mức tương đương. Tuy nhiên, bối cảnh của 2 giai đoạn khác biệt hoàn toàn.
"Ngày trước, F0 trở nặng, điện thoại xin cấp cứu nhiều vô kể, anh em trạm y tế thay nhau chạy, có khi chỉ ngủ 2-3 giờ mỗi ngày. Áp lực công việc khiến nhiều người bị stress và bế tắc. May mắn là tất cả đau thương đã qua, F0 hiện tại ít trở nặng, khỏe hơn do đã được tiêm vaccine nhiều", anh Tài kể.
Anh Tài nhớ như in đêm đầu tháng 9/2021, khi nhận được điện thoại cầu cứu từ một gia đình có bệnh nhân bị hen, phổi tắc nghẽn mạn tính. Khi đến nơi, người đàn ông lên cơn khó thở, test nhanh âm tính nhưng suy hô hấp cũng ập đến ngay sau đó.
Ba ngày sau khi anh Tài đưa người đàn ông đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định, gia đình thông báo ông đã mất do nhồi máu cơ tim, hen suyễn.
"Những cái chết đến quá nhanh, trong tình cảnh éo le khiến chúng tôi bàng hoàng", anh ngậm ngùi chia sẻ.
Cử nhân điều dưỡng Đinh Nho Tài, Trưởng trạm y tế phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trưởng trạm y tế cũng kể nhiều trường hợp F0 không biết bị mắc Covid-19, đến khi trở nặng mới gọi y tế phường. Trong đêm đầu tháng 9, một F0 chuyển biến rất nặng, điều dưỡng Tài và y sĩ Trinh khiêng bà cụ từ tầng 5 đi cấp cứu trong đêm. Sau lần này, trạm y tế phường 11 có thêm 2 nhân viên dương tính.
Trong giai đoạn TP.HCM "bình thường mới", cán bộ trạm y tế phường không chỉ áp lực chăm sóc, quản lý F0 mà còn triển khai nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn, bao gồm tổ chức tiêm chủng, khám chữa bệnh thông thường, kiểm soát và quản lý người nguy cơ cao.
Hiện, trên địa bàn phường 11, quận Bình Thạnh, có khoảng 4.000 người nguy cơ cao. Điều dưỡng Đinh Nho Tài cho biết vẫn còn một số người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vaccine.
"Họ không tiếp cán bộ y tế, đưa ra nhiều lý do để trì hoãn vì không muốn tiêm vaccine. Có những hộ gia đình chúng tôi đã đi đến 4-5 lần nhưng không thành", anh Tài chia sẻ.
Với anh Tài, những ngày "không ăn nổi cơm, nằm vật ra hành lang để nằm nghỉ" hay "uống tăng lực nhiều hơn ăn cơm" là ký ức khó quên trong suốt đời làm nghề y.
"Khi chúng ta mạnh mẽ vì người bệnh để vượt qua những giai đoạn tưởng chừng khó khăn nhất, tất cả những áp lực sau này cũng không còn là vấn đề lớn nữa", anh chia sẻ.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.