Nhiều chương trình hẹn hò, phim tình cảm của Hàn Quốc được khán giả quốc tế yêu thích. Ảnh: Netflix. |
Các bộ phim truyền hình, chương trình hẹn hò vẽ nên một Hàn Quốc lãng mạn với những câu chuyện tình yêu nhiều màu sắc. Trong những năm qua, không ít phụ nữ nước ngoài đã đến xứ kim chi với mong muốn tìm được người yêu lý tưởng.
Tuy nhiên, các bài viết trên báo chí, mạng xã hội lại cho thấy bức tranh trái ngược về những con người buồn bã, cô độc và cô đơn. Hàn Quốc qua đó được mô tả như một nơi chỉ dành cho những ai đã hoàn toàn từ bỏ tình yêu, hôn nhân và con cái.
Tình yêu trở thành hàng hóa
Năm 2009, bộ phim truyền hình Boys over Flowers đã trở thành hiện tượng. Phim không sâu sắc cũng không có thông điệp phức tạp, nhưng đã thúc đẩy Hallyu (làn sóng Hàn Quốc).
Lee Min Ho đảm nhận vai nam chính Gu Jun Pyo, "trai hư có trái tim vàng" điển hình của Kdrama. 4 năm sau, Lee chọn vai diễn tương tự trong The Heirs, bộ phim cũng thành công vang dội ở thị trường nước ngoài.
Kể từ những năm 2010 đến nay, phim Hàn đã trải qua một giai đoạn phát triển rất dài, có những thứ đã thay đổi nhưng nhiều điều vẫn được giữ nguyên.
Kdrama có kỹ xảo hiện đại hơn, cách kể chuyện thay đổi, nội dung không chỉ tập trung vào nam chính mà đã có nhiều đất diễn hơn cho nữ. Thế nhưng, nhiều bộ phim vẫn rất thành công với mô típ cũ như What Is Wrong With Secretary Kim, Business Proposal.
Phim tình cảm Hàn Quốc khiến khán giả say mê với những câu chuyện tình yêu lãng mạn. Ảnh: Netflix. |
Johanna Moyano, nhân viên của Rocketship Media Lab Dubai, nói rằng phim truyền hình Hàn Quốc là "vua" của những câu chuyện tình lãng mạn. "Cú chạm tay đầy rung cảm, ánh nhìn chăm chú thân mật..., bạn chỉ biết vỗ tay sung sướng và lấy gối che mặt mỗi khi xem phim Hàn".
Các chương trình hẹn hò cũng đi theo một mô típ riêng. Từ Single's Inferno cho đến Love Catcher, dàn thí sinh luôn được tuyển chọn kỹ càng để đáp ứng các tiêu chuẩn ngoại hình, độ nổi tiếng hoặc thành công trong lĩnh vực riêng. Mọi thứ hoàn hảo đến mức thường tạo cảm giác giả tạo.
Trong bài viết trên The Korea Times, David A. Tizzard, tiến sĩ nghiên cứu Hàn Quốc và giảng dạy tại Đại học Nữ sinh Seoul, Đại học Hanyang, gọi thứ tình yêu xuất hiện trên truyền hình xứ kim chi là "hàng hóa".
"Những câu chuyện về các cặp đôi hạnh phúc bình thường ở Hàn Quốc rất ít khi được đề cập. Các cuộc thảo luận thường chỉ xoay quanh những người giàu có và nổi tiếng đang hẹn hò với ai. Trên truyền hình, tình yêu, sự lãng mạn nhìn chung bị biến thành một sản phẩm tiêu dùng".
Thực tế đối lập
Những bộ phim truyền hình và nội dung truyền thông xã hội ở Hàn Quốc có thể đang tạo ra cái mà nhà xã hội học người Pháp Jean Baudrillard gọi là "hyperreal" (tạm dịch: siêu thực).
Nội dung ban đầu được tạo ra chỉ là sự bắt chước của thực tế, cuối cùng, theo một cách lệch lạc, lại trở thành thước đo, tiêu chuẩn để chúng ta nhìn nhận hiện thực.
"Vì vậy, nếu bạn hỏi ai đó về vụ thảm sát ở Gwangju, họ có thể nghĩ ngay đến bộ phim 'A Taxi Driver' với sự tham gia diễn xuất của Song Kang Ho. Đây là phiên bản siêu thực của thực tế. Và trong thời đại ngày nay, với màn hình luôn ở trước mặt, chúng ta tương tác với những mô tả truyền hình còn nhiều hơn là thực tế", tiến sĩ Tizzard giải thích.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ kết hôn, sinh con thấp nhất thế giới. Ảnh: Reuters. |
Điều này cũng đúng với tình yêu. Thay vì tồn tại trong tất cả những khoảnh khắc đời thường xung quanh chúng ta (với đồng nghiệp đã có gia đình, với người hàng xóm có hai con, với người mẹ đã ly hôn...), mọi người lại nghĩ về tình yêu siêu thực trong các bộ phim truyền hình.
"Tình yêu được nhìn qua lăng kính thụ động. Người ta bắt đầu mơ về cuộc gặp tình cờ trong quán cà phê, một cái nhìn lén lút trong thư viện. Tình yêu được mong đợi sẽ đến vào thời điểm thích hợp. Chúng ta bắt đầu chờ đợi hơn là theo đuổi", tiến sĩ Tizzard viết.
Phim ảnh cũng tạo nên kỳ vọng phi thực tế vào người yêu, bạn đời tương lai.
"Nhiều người sẽ chờ đợi ai đó có làn da hoàn hảo, hàm răng trắng đều, không có tật xấu và sẵn sàng dành 16 tập để tán tỉnh nhưng chỉ yêu cầu một nụ hôn, cái nắm tay thuần khiết như cuối phim.
Không ít người cũng đánh mất ý tưởng rằng tình yêu mà chúng ta nhận được luôn ngang bằng với tình yêu mà mình cho đi. Ai cũng tự hỏi 'Làm thế nào để được yêu?' nhưng không bao giờ bận tâm 'Tôi sẽ yêu như thế nào'", ông Tizzard phân tích.
Trong cuốn Nghệ thuật quyến rũ, tác giả Robert Greene giúp độc giả khám phá và phát huy những lợi điểm vốn có bên trong để tạo ảnh hưởng đối với người khác thông qua một số phương pháp và kỹ năng được hướng dẫn cụ thể. Theo bà, quyến rũ là một trò chơi tâm lí, chứ không phải vẻ đẹp bề ngoài, và trở thành một chuyên gia quyến rũ hoàn toàn nằm trong tầm tay của bất kì ai.