Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Người đàn ông tại Anh khỏi ung thư giai đoạn cuối sau khi mắc Covid-19

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí British Journal of Haematology, sau khi nhiễm nCoV, các tế bào ung thư hạch giai đoạn cuối của người đàn ông 61 tuổi tại Anh biến mất.

Nam bệnh nhân giấu tên nhập viện vì mắc cùng lúc ung thư hạch giai đoạn cuối và Covid-19. Trong thời gian nằm viện, tình trạng sức khỏe của người đàn ông này được cải thiện và đã xuất viện sau 11 ngày, theo NY Post.

Bốn tháng sau, kết quả xét nghiệm và sinh thiết cho thấy nhiều khối u ác tính đã biến mất khỏi cơ thể người này. Ông cũng đã khỏi Covid-19.

Theo nghiên cứu, bệnh nhân không thể điều trị ung thư hạch giai đoạn cuối trong thời gian nhập viện vì có tiền sử ghép thận thất bại, thể trạng sức khỏe rất yếu. Ông đang được chạy thận nhân tạo vì suy thận giai đoạn cuối thứ phát sau khi mắc bệnh thận IgA. Nam bệnh nhân đã ngừng liệu pháp ức chế miễn dịch trong 3 năm sau khi ghép thận thất bại.

Bên cạnh đó, ông cũng không được điều trị bằng liệu pháp liên quan steroid - vốn là cách có thể giúp tiêu diệt tế bào ung thư.

Đứng trước câu hỏi liệu bệnh nhân trên khỏi ung thư có phải do nhiễm nCoV hay không, TS Jonathan Friedberg, Giám đốc Viện Ung thư James P. Wilmot, thuộc Trung tâm Y tế Đại học Rochester ở New York, trả lời tạp chí Forbes: "Chúng tôi không thể chắc chắn 100%. Với nhiều loại ung thư hạch, một số trường hợp bệnh thoái lui và thuyên giảm một cách tự phát”.

Tuy nhiên, nhóm tác giả từ khoa Huyết học, Bệnh viện Hoàng gia Cornwall, Truro, Anh, cho rằng đây không phải trường hợp các khối u tự triệt tiêu. Bởi tình trạng ung thư bạch huyết của bệnh nhân đang phát triển mạnh. Do đó, họ đánh giá đây là kết quả rất đáng ngạc nhiên.

Ông Friedberg cũng giải thích thêm: “Với ung thư hạch thể nang, có tới 25% bệnh nhân có thể tự thuyên giảm bệnh. Song, trong trường hợp này, tình trạng của bệnh nhân khá nặng và hiếm khi xuất hiện hiện tượng tự thuyên giảm. Đây chắc chắn là ca bệnh gây bất ngờ và tò mò”.

Một số trường hợp ung thư không thể chữa khỏi dường như đã biến mất sau khi vật chủ bị nhiễm bệnh do virus gây ra. Tuy nhiên, các ca bệnh như vậy rất hiếm.

Để lý giải điều này, các tác giả cũng đưa giả thuyết nhiễm nCoV kích hoạt phản ứng miễn dịch chống lại khối u. Cùng quan điểm, TS Friedberg cho rằng phản ứng khổng lồ từ những cơn bão cytokine trước Covid-19 có thể đã kích hoạt khả năng miễn dịch không đặc hiệu khác. Ung thư hạch lại là bệnh liên quan hệ miễn dịch, nên có thể cơ chế này đã phần nào giúp tiêu diệt những tế bào ác tính.

Hiện tại, các tác giả không chắc sự thuyên giảm, biến mất của các tế bào ung thư hạch có tồn tại vĩnh viễn không. Tuy nhiên, phát hiện này được đánh giá là mở ra lĩnh vực nghiên cứu mới, nơi mà các nhà khoa học thể đánh giá phản ứng miễn dịch trước virus với đặc tính chống ung thư.

Bé trai 5 tháng tuổi tại Mỹ suýt mất ngón chân vì một sợi tóc

Sợi tóc nhỏ, mỏng, dính chặt vào ngón chân phải của bé trai khiến nó sưng tấy, tím thâm và có nguy cơ hoại tử nếu không can thiệp kịp thời.

Loại hóa chất gây ung thư thường có trong ghế xe hơi

Theo nghiên cứu, hợp chất này không thể loại bỏ bằng cách lau chùi, dọn rửa thông thường. Tiếp xúc với nó có thể gây ung thư, vô sinh, rối loạn nội tiết.

Dịch Covid-19

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm