Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TƯ VẤN

Người mạo danh chủ tịch huyện xin cứu trợ sẽ bị xử lý ra sao?

Chưa chiếm đoạt được tài sản nhưng theo luật sư, người mạo danh chủ tịch huyện để xin cứu trợ vẫn có thể bị xử lý hình sự.

Ông Đoàn Ngọc Hải mới đây nhận được tin nhắn từ một người tự xưng là chủ tịch UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, xin 10 tấn gạo cứu trợ cho 40 hộ dân bị cô lập vì sạt lở do bão số 5. Tuy nhiên, ông A Viết Sơn (Chủ tịch UBND huyện Nam Giang) khẳng định địa phương không có hộ dân nào bị cô lập, đồng thời đề nghị công an vào cuộc làm rõ sự việc.

Với hành vi mạo danh chủ tịch huyện để xin cứu trợ này, người nhắn tin cho ông Hải sẽ bị xử lý ra sao?

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội

Việc mạo danh chủ tịch huyện để vận động tài trợ là rất đáng lên án, cơ quan chức năng cần nhanh chóng truy tìm để kịp thời xử lý người vi phạm theo quy định. Trường hợp này, người mạo danh chưa chiếm đoạt được tài sản cụ thể nhưng đã thể hiện ý chí muốn chiếm đoạt tài sản của người khác. Do đó, nếu cơ quan điều tra có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội, người liên quan vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1 điều này sẽ bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dựa trên bảng giá thị trường, 10 tấn gạo cứu trợ thời điểm hiện tại có giá trị nằm trong khoảng 50-500 triệu đồng. Do đó, người phạm tội có thể bị xử phạt theo khoản 2 hoặc 3 Điều này với khung hình phạt 2-15 năm tù.

Ngoài ra, do hành vi xảy ra trong thời điểm thiên tai hoành hành, người phạm tội còn có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng "Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh" theo điểm l, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015.

Trong vụ việc này, người mạo danh đưa thông tin sai sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản song chưa chiếm đoạt được. Do đó, người này có thể thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt theo Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015.

Với trường hợp phạm tội chưa đạt, mức án áp dụng với người phạm tội sẽ không quá 3/4 mức án mà tội danh quy định, căn cứ Điều 57 Bộ luật Hình sự 2015. Bởi vậy, trong trường hợp được xác định phạm tội, người mạo danh chủ tịch huyện sẽ đối diện mức án tối đa là 11 năm 3 tháng tù.

Việc có người giả mạo cán bộ để chiếm đoạt tiền không chỉ có dấu hiệu trái pháp luật mà còn làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cơ quan Nhà nước, gây bất ổn tình hình chính trị - xã hội địa phương. Từ vụ việc này, có thể thấy nếu không kịp thời ngăn chặn, những kẻ xấu sẽ tiếp tục lợi dụng lòng tốt của những nhà hảo tâm để chiếm đoạt tiền một cách phi pháp.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và thiên tai đang gây ảnh hưởng lớn, mọi người dân cần nâng nâng cao cảnh giác, tỉnh táo khi quyên góp, ủng hộ tiền từ thiện để số tiền phát huy tối đa hiệu quả, đến đúng nơi đúng chỗ.

Truy tìm người mạo danh chủ tịch huyện xin gạo cứu trợ

Chủ tịch huyện Nam Giang, Quảng Nam, khẳng định không nhắn tin xin gạo cứu trợ do bão số 5 và đề nghị công an truy tìm người mạo danh.

Có được vận động quyên góp từ thiện bằng tài khoản cá nhân?

Theo luật sư, cá nhân sau khi vận động quyên góp không được tự ý sử dụng tiền từ thiện mà cần nộp lại cho các tổ chức có thẩm quyền để họ thực hiện công tác cứu trợ theo quy định.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm