Zing trích dịch bài đăng trên CNN, về câu chuyện tầng lớp lắm tiền nhiều của tại Trung Quốc chi bội tiền mua sắm đồ hiệu xa xỉ như một cách để giải tỏa sau thời gian không được đi du lịch, tiệc tùng vì dịch bệnh.
Giới nhà giàu Trung Quốc bắt đầu vung tiền trở lại để mua sắm túi xách, giày dép đồ hiệu và trang sức cao cấp trở lại, giúp ngành công nghiệp hàng hóa xa xỉ này đón những tín hiệu lạc quan trong việc phục hồi kinh doanh.
Hậu đại dịch, thay vì đi du lịch bởi lệnh hạn chế đi lại vẫn đang được áp dụng tại nhiều nơi, người giàu từ đất nước tỷ dân quyết định chi tiêu mua hàng hiệu.
Hành động này được các chuyên gia kinh tế miêu tả bằng cụm từ “revenge spending” (tạm dịch: Mua sắm trả thù) khi nhu cầu mua sắm tăng vọt sau thời gian dài bị kìm nén, bí bách vì ở nhà quá lâu, và các dịch vụ giải trí, kinh doanh đóng cửa.
Người dân Trung Quốc, nhóm khách hàng "chịu chi" nhất cho các mặt hàng xa xỉ, đang quay trở lại các hoạt động mua sắm, giải trí vì dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Công ty trang sức nổi tiếng Tiffany vừa báo cáo tình hình kinh doanh khả quan ở thị trường Trung Quốc khi doanh số đã tăng 30% trong tháng 4 và 90% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, doanh số toàn cầu của công ty vẫn đang chứng kiến mức giảm mạnh, ở mức 40% do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19.
Burberry, thương hiệu thời trang cao cấp đến từ Anh, cũng cho biết doanh số bán quần áo, phụ kiện tại Trung Quốc cũng “đang trên đà đi lên và có phần tăng trưởng nhanh hơn năm ngoái”.
"Các dữ liệu chỉ ra Trung Quốc đang ở thời điểm phục hồi. Nhu cầu mua sắm, nhất là mua sắm hàng hiệu của giới nhà giàu tại quốc gia này, đều đang tăng mạnh trở lại", Luca Solca, nhà phân tích tại công ty phân tích tài chính Bernstein, viết trong báo cáo dự đoán tình hình kinh tế hồi cuối tháng trước.
Phần lớn người dân Trung Quốc có xu hướng mua các mặt hàng xa xỉ ở nước ngoài, thông qua các chuyến du lịch mua sắm. Ảnh: CNN. |
“Gỡ phong tỏa sớm, Trung Quốc có thể là thị trường hàng hiệu đầu tiên chứng kiến sự xoay chuyển tình thế trong năm nay”, Claudia D'Arpizio, nhà phân tích tại công ty tư vấn Bain, đánh giá.
Theo đó, so với trước kia, tầng lớp giàu có ở nước này chủ yếu ra nước ngoài sắm đồ hiệu. Nhưng với tình cảnh hiện tại, họ không còn cách nào khác ngoài chi tiêu nhiều hơn ở thị trường nội địa.
“Thay vì vi vu đi du lịch, giờ đây họ dùng số tiền đó để mua túi Chanel”, Flur Roberts, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hành vi tiêu dùng tại Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor, cho biết.
Ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc cũng là nơi chứng kiến xu hướng tương tự, khi những con người nhiều tiền, cuộc sốn không chịu nhiều tác động của dịch bệnh, vung tiền sắm xế hộp đắt đỏ như xe BMW, Porsche, Lamborghini.
Sự phục hồi trở lại của ngành kinh doanh hàng hiệu tại Trung Quốc đóng vai trò sống còn đối với các công ty sản xuất hàng xa xỉ trên thế giới. Theo ước tính của Bain, khách hàng tại đất nước tỷ dân chiếm đến 35% doanh số đồ hiệu toàn cầu. 5 năm tới, con số được dự báo sẽ lên tới gần 50%.
Sau thời gian chôn chân, không được đi du lịch, nhà giàu Trung Quốc vung tiền vào đồ hiệu như một cách giải khuây. Ảnh: CNN. |
Tuy đón nhận nhiều tín hiệu lạc quan, ngành kinh doanh hàng hiệu vẫn còn đối mặt với hàng loạt “sóng gió” phía trước. Các thương hiệu hàng đầu vẫn đang đối mặt với một chặng đường khó khăn và "đau đầu" tính toán lại chiến lược bán hàng, bởi hành vi tiêu dùng và thói quen mua sắm của khách hàng chắc chắn sẽ thay đổi.
Khi nhiều cửa hàng vẫn ở trong tình trạng đóng cửa, còn người tiêu dùng dành ưu tiên cho những món đồ dùng thiết yếu, việc “ăn nên làm ra” của những thương hiệu cao cấp hàng đầu vẫn là điều gì đó xa vời.
Bain dự đoán doanh số toàn cầu của ngành hàng xa xỉ có thể giảm tới 35% trong năm nay, với doanh thu dự kiến từ 204 - 250 tỉ USD, so với mức 319 tỉ USD vào năm ngoái.
Hiện tại, các thương hiệu lớn đều đang chịu áp lực lớn do đại dịch. Sự tăng vọt gần đây về doanh số bán hàng ở Trung Quốc vẫn chưa thể thấm tháp so với thiệt hại kinh doanh trên toàn cầu. Mặt khác, tổng mức chi tiêu của giới nhà giàu Trung Quốc vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với năm ngoái.
“Làn sóng mua sắm vung tay để giải tỏa bí bách dự kiến sẽ không kéo dài lâu. Chúng tôi thấy đây chỉ là một xu hướng tạm thời, rộ lên rồi sẽ nguội dần”, Claudia D'Arpizio, phân tích.
Để xoay xở tình hình, nhiều nhãn hiệu buộc phải nghĩ ra các phương án thích nghi. Patek Philippe, nhà sản xuất đồng hồ đến từ Thụy Sĩ, lần đầu tiên bán trực tuyến các sản phẩm của mình do chịu tác động của cuộc khủng hoảng sức khỏe.