Nhiều dân văn phòng tìm đến cà phê, lên văn phòng để sử dụng điều hòa miễn phí trong thời tiết nắng nóng. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Bước vào một quán cà phê 24/7, Minh Hằng (25 tuổi, quận 4, TP.HCM) không cần gọi đồ uống. Các nhân viên trong quán đều biết món “tủ”, thậm chí còn giữ cho cô chỗ ngồi làm việc quen thuộc.
Khoảng 2 tuần qua, từ khi TP.HCM bước vào đợt nắng nóng cao điểm, ngày nào freelancer này cũng đến quán cà phê cùng chiếc laptop. Điều hòa và Wi-Fi miễn phí là ưu tiên của cô khi tìm kiếm địa điểm làm việc trong những ngày này.
“Chỉ cần trả 50.000 đồng cho một ly cà phê, tôi có thể ngồi từ 5-8 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, nếu ở nhà, tôi phải chi trả nhiều hơn cho tiền điện, đặt đồ uống giải nhiệt…”, Minh Hằng giải thích.
Tìm cách tránh nóng
Tại nhà, Minh Hằng tự thiết kế một góc làm việc theo ý thích với bàn rộng và ghế ngồi êm ái. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng kéo dài ở TP.HCM trong thời gian gần đây đã thay đổi thói quen của cô.
Minh Hằng tìm đến các quán cà phê 24/7 để trốn nóng trong những ngày TP.HCM nắng nóng kỷ lục. |
Thay vì ở nhà cả ngày, cô quyết định tìm đến quán cà phê để “hưởng ké” điều hòa, tránh cảm giác oi bức khi quanh quẩn trong căn phòng 25 m2.
Chia sẻ với Zing, Hằng cho biết căn hộ cô thuê không không có ban công, cửa sổ, lại nằm hướng Tây nên đặc biệt nóng sau 13h. Hơn nữa, do hộ kinh doanh gia tăng phí dịch vụ, cô phải trả đến 4.000 đồng/số điện.
“Nếu dùng điều hòa liên tục, tôi phải gồng gánh một khoảng chi phí lớn mỗi tháng. Còn nếu muốn tiết kiệm tiền, không bật điều hòa, tôi không thể chịu mức nhiệt độ xấp xỉ 40 độ C”, Minh Hằng thở dài.
Sau khi so sánh giá điện và tiền đồ uống, freelancer này quyết định chuyển địa điểm làm việc đến các quán cà phê gần nhà. Do đặc thù công việc thường kéo dài sau giờ hành chính, cô ưu tiên lựa chọn những hàng quán mở muộn, thậm chí đón khách 24/7.
Ưu điểm của các quán cà phê này là luôn có sofa, ghế hạt đậu thoải mái phục vụ khách hàng. Đây cũng là những nơi cho phép ngồi lâu, cung cấp điều hòa và Wi-Fi miễn phí, là sự lựa chọn lý tưởng cho freelancer như Hằng.
Tuy nhiên, theo Minh Hằng, khách hàng tại các hàng quán 24/7 tương đối đa dạng. Những người đến để gặp gỡ, tụ tập bạn bè thường làm ồn, ảnh hưởng đến không gian chung.
Dù liên tục đeo tai nghe và bật âm lượng ở mức tối đa, thỉnh thoảng, những âm thanh lớn vẫn lọt vào tai, khiến cô phân tâm trong quá trình làm việc. Đối với cô, đây là nhược điểm phải chấp nhận khi làm việc tại quán cà phê để tránh nóng.
Ngoài ra, do số lượng khách hàng đông, chất lượng Wi-Fi của quán cũng kém ổn định. Hằng thường xuyên phải tự phát 4G từ điện thoại cá nhân để sử dụng trong suốt quá trình làm việc.
Quán cà phê cung cấp đồ uống, điều hòa, Wi-Fi và chỗ ngồi trở thành địa điểm làm việc lý tưởng của nhiều "công dân laptop" trong thời tiết oi bức. Ảnh minh họa: The Workshop Coffee. |
Tương tự Minh Hằng, Duy Vũ (24 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng đau đầu với khoản tiền điện gia tăng trong dịp nắng nóng. Nhận thấy chi phí điện nước tăng lên hơn một triệu đồng trong tháng vừa qua, Duy quyết định trở về quê ở thành phố Vũng Tàu để tránh oi nóng.
“Tôi cảm thấy may mắn vì thời gian làm việc linh hoạt. Nhờ đặc thù này, tôi mới có thể về quê một thời gian vừa để tránh nóng vừa thăm gia đình”, designer này chia sẻ với Zing.
Theo Duy Vũ, nhiệt độ tại thành phố Vũng Tàu không thấp hơn nhiều so với TP.HCM, song gió biển khiến cảm giác oi bức bớt. Hơn nữa, khi trở về nhà với bố mẹ, anh cũng không lo lắng về tiền điện.
Khi ở quê, designer này có thể tiết kiệm 50% chi phí sinh hoạt trong dịp nắng nóng, bao gồm tiền điện, nước, đồ uống giải nhiệt.
Tuy vậy, Duy không thể ở quê lâu dài. Anh chỉ xin làm việc từ xa trong 9 ngày (bao gồm cả 5 ngày nghỉ lễ). Mặc dù công việc linh hoạt thời gian, anh cũng cảm thấy ái ngại khi thường xuyên vắng mặt ở văn phòng.
Thiện Trần chăm chỉ đến công ty để sử dụng điều hòa và Wi-Fi miễn phí. |
Không đến quán cà phê hay về quê, Thiện Trần (26 tuổi, quận 4, TP.HCM) ngày nào cũng đến công ty làm việc từ khi TP.HCM bước vào đợt nóng cao điểm. Căn phòng trọ nằm ở hướng Tây khiến nam nhân viên không thể nào chịu nổi cái nóng, dù đã mua thêm một chiếc quạt máy.
“Giá điện ở nhà thuê quá cao nên tôi không sử dụng máy lạnh thường xuyên. Những ngày tôi không đến công ty, 2 cây quạt máy phải chạy hết công suất cả ngày, không lúc nào tắt”, anh tâm sự.
Thiện hiện là chuyên viên thiết kế, công việc không đòi hỏi anh có mặt tại công ty thường xuyên, song do cái nóng oi bức, anh chấp nhận “vượt lười” chạy xe máy hơn 20 km mỗi ngày chỉ để chạy trốn cái nóng, hưởng ké điều hòa.
Những ngày này, đồng nghiệp của anh cũng đến công ty nhiều hơn, văn phòng trở nên đông đúc lạ thường.
Theo quan sát của Thiện, nhiều người còn đến từ sớm để tránh tình trạng kẹt xe, nắng gắt oi bức và chỉ về nhà khi trời đã tối muộn.
Thiện thú nhận mình làm việc không mấy hiệu quả khi có mặt tại văn phòng. Trước đây, anh thích ngồi ở những quán cà phê nhiều cây xanh, không gian ngoài trời. Tuy nhiên, từ khi nắng nóng đỉnh điểm ở TP.HCM, anh đã phải tạm gác lại thói quen này.
Quán cà phê bật điều hòa công suất lớn, bán thêm đồ ăn
Đón số lượng lớn "công dân laptop" đến làm việc trong giai đoạn thời tiết nắng nóng, nhiều quán cà phê tại TP.HCM có sự điều chỉnh trong hoạt động kinh doanh nhằm phục vụ nhóm khách hàng này.
Theo Thanh Vân, nhân viên The Workshop Coffee, đơn vị này ghi nhận số lượng lớn khách hàng đến quán khi thời tiết TP.HCM trở nên nắng nóng. Theo ước tính của quán, khách ngồi trung bình khoảng 3-4 tiếng, song thời gian này tăng lên khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao.
“Thời tiết oi bức ngoài đường khiến mọi người ngại di chuyển. Khi đến một địa điểm, họ thường ở lại lâu, đợi trời bớt nắng (thường sau 18h) mới rời đi”, Vân nói.
Do không gian rộng, số lượng ổ điện nhiều, bàn cao, rộng, quán thu hút nhiều khách hàng tới để làm việc. Hiện nay, số lượng nhân viên văn phòng đến đây ngồi làm chiếm 80% tổng số khách.
Đặc điểm của họ là thời gian lưu lại quán cà phê kéo dài, thỉnh thoảng lên đến 7-8 tiếng đồng hồ. Mặc dù quán không thu phụ phí hay yêu cầu gọi thêm đồ uống, khách thường chủ động gọi từ 2 món trở lên nếu ngồi lâu.
Do đó, việc các "công dân laptop" tới làm việc, coi hàng quán là văn phòng không ảnh hưởng lớn đến doanh thu. Thậm chí, đội ngũ nhân viên còn dễ dàng hỏi han, chăm sóc khách tận tình bằng cách rót thêm nước lọc, cung cấp giấy ăn khi cần thiết.
Caztus Ice Blended ghi nhận doanh số tăng do đồ uống đá xay bán chạy và khách hàng công sở đến quán đông trong mùa nắng nóng. |
Đồng tình với The Workshop Coffee, Đinh Giang, quản lý quán cà phê Caztus Ice Blended, khẳng định số lượng khách hàng gia tăng mạnh trong mùa nắng nóng. Là một trong những đơn vị tập trung phục vụ đồ uống đá xay tại TP.HCM, Caztus ghi nhận doanh số tăng do nhu cầu sử dụng thức uống giải nhiệt lớn.
Thay vì dùng đồ ăn tại hàng quán không có điều hòa, khách công sở của Đinh Giang thường sử dụng luôn bữa trưa tại đây. Thậm chí, nhận thấy nhu cầu này tăng cao, chuỗi cà phê lập tức phát triển các combo bao gồm 1 đồ ăn và 1 thức uống nhằm thúc đẩy tiêu dùng.
“Trời nắng nóng khiến khách hàng ngại ngồi hàng ăn vỉa hè và di chuyển đến các địa điểm khác nhau. Do đó, chúng tôi tạo môi trường cho họ ăn, uống, làm việc tại một nơi”, Giang chia sẻ với Zing.
Với loạt tiện ích này, nhiều người ngồi từ sáng đến tối tại quán, coi đây là văn phòng thứ 2 trong những ngày oi bức. Không gian quán được chia thành nhiều khu vực như khu phòng lạnh bàn cao thuận lợi cho khách công sở và khu bàn thấp ghế đệm để nghỉ ngơi, thư giãn.
Dành cả ngày tại Caztus, khách được nhân viên hỗ trợ khi muốn đổi chỗ ngồi. Nếu cần ngả lưng sau khi ôm laptop trong thời gian dài, khách hàng hoàn toàn có thể chuyển sang khu vực sofa.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Năm 1990, hàng loạt công ty mới được thành lập ở Việt Nam, trong đó có nhiều công ty tập trung sản xuất cà phê trên quy mô lớn. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.