“Tôi: Nhập viện vì chảy máu dạ dày trong đêm.
Sếp: Em có mang laptop vào viện không? Sửa hộ chị cái file”.
Dòng trạng thái ngắn ngủi trên mạng xã hội Threads của Thúy Hằng (23 tuổi, quận 8, TP.HCM) thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng thời gian gần đây. Bên dưới mục bình luận, nhiều người bất bình trước hành động thiếu tế nhị của cấp trên được nhắc trong bài đăng.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Thúy Hằng cho biết cô rất bất ngờ khi nhận được tin nhắn thúc giục làm việc từ sếp mình. Trước đó, cô đã xin nghỉ phép và đã được thông qua.
Do tình hình sức khỏe không đảm bảo, nhân viên sinh năm 2001 đã từ chối yêu cầu này và sếp cô phản hồi rằng sẽ giao công việc cho người khác. Dựa trên đoạn hội thoại bằng tin nhắn, Thúy Hằng nghĩ rằng cấp trên thể hiện sự không hài lòng trước thái độ làm việc này của cô.
Hiểu rằng bản thân còn thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing, luôn sẵn sàng học hỏi, Thuý Hằng không ngại làm việc ngoài giờ hành chính, trực điện thoại 24/7. Cô nhiều lần phải xử lý công việc gấp trong cuối tuần, dịp nghỉ lễ.
Thúy Hằng đã nhận ra bài học về việc đặt ra giới hạn và sẵn sàng nói "không". |
Đáng chú ý, Thúy Hằng không phải trường hợp hy hữu. Tình trạng làm việc "luôn luôn trực tuyến" đang ngày càng trở nên phổ biến, đẩy nhiều nhân viên vào tình trạng áp lực phải phản hồi tin nhắn công việc ngay lập tức, bất kể thời gian hay hoàn cảnh. Dù ốm đau hay thậm chí nhập viện, nhiều nhân viên văn phòng vẫn không thể "thoát" khỏi vòng xoáy công việc.
Theo khảo sát do YouGov thực hiện cho Business in the Community năm 2022, 55% trên 4.225 người lao động cảm thấy áp lực phải trả lời cuộc gọi hoặc kiểm tra email sau giờ làm việc. Chỉ có 45% cho biết họ có thể "tắt" công việc hoàn toàn.
Một nghiên cứu khác được công bố vào tháng 4/2024 đã làm sáng tỏ thêm về vấn đề này. Theo đó, phần lớn nhân viên cảm thấy bị mắc kẹt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả lời tin nhắn công việc ngay lập tức, vì lo sợ bị đánh giá là thiếu tận tụy hoặc bỏ lỡ thông tin quan trọng.
Nghiên cứu của Clarify Capital, với sự tham gia của 800 nhân viên và 200 lãnh đạo doanh nghiệp, cho thấy 58% nhân viên cảm thấy bắt buộc phải trả lời tin nhắn công việc ngoài giờ làm việc, mặc dù có tới 59% lãnh đạo doanh nghiệp và sếp cho biết họ không mong đợi nhân viên phản hồi ngay.
Nhân sự giận dữ
Việc mang theo laptop trong mọi tình huống, bao gồm khi đi du lịch biển cùng bạn bè, trên xe di chuyển trong các chuyến nghỉ dưỡng hay lúc về quê ăn Tết, dần trở thành thói quen của Thúy Hằng.
“Đó có lẽ là lý do sếp nghĩ tôi có thể làm việc cả khi nhập viện”, nhân viên văn phòng thở dài nói.
Sau sự việc này, Hằng dự định trao đổi thẳng thắn với cấp trên về khả năng làm việc ngoài giờ hành chính. Cô quyết định hạn chế tiếp nhận các tác vụ vào buổi tối, cuối tuần, mong sếp tôn trọng không gian riêng tư của nhân viên.
Cô sẽ chỉ giải quyết các vấn đề khẩn cấp, không ôm đồm thêm những đầu việc khác, xử lý vào ngày làm việc tiếp theo.
“Đây cũng là bài học lớn đối với tôi. Tôi cần học cách nói ‘Không’ để đi đường dài với công việc này. Nếu sếp không chấp nhận, tôi sẵn sàng xin nghỉ, tìm kiếm môi trường lành mạnh hơn”, Hằng nói.
Áp lực phải luôn sẵn sàng trả lời tin nhắn, email ngay cả khi đang nghỉ ngơi khiến nhiều nhân viên văn phòng kiệt sức. Ảnh minh họa: Vecteezy. |
Không riêng Thúy Hằng, Trần Trúc (25 tuổi, quận 11, TP.HCM) cũng gặp phải tình trạng bức xúc về văn hóa làm việc tại một số văn phòng hiện nay.
Tháng 4, em gái của Trúc phải trải qua ca phẫu thuật ruột thừa. Là chị cả và cũng là người thân duy nhất bên cạnh em gái tại TP.HCM, nhân viên quản lý sàn TMĐT đã gửi email xin sếp nghỉ phép 1 ngày để chăm sóc em gái.
Tuy nhiên, ngay cả trong lúc nghỉ phép, sếp vẫn nhắn tin nhờ cô trả lời khách hàng một số vấn đề.
"Tôi có nhắc khéo sếp là tôi đang xin nghỉ phép hôm nay, nhưng vẫn nhận được lời năn nỉ 'ráng trả lời chỉ 5 phút thôi' của sếp", Trúc chia sẻ.
Cảm thấy bất bình trước tình huống này, nhân viên 25 tuổi đã nhắn tin vào nhóm chung có cả khách hàng và sếp, thông báo hôm nay cô nghỉ phép nên xin phép được phản hồi vào hôm sau.
Ngay lập tức, thay vì nhận được sự cảm thông, Trúc lại nhận được loạt tin nhắn khiển trách từ quản lý.
"Lúc đó tôi cảm thấy thật sự thất vọng. Tôi không nhận được một lời hỏi thăm về em gái, song lại toàn đề cập về công việc và trách móc", cô ngậm ngùi.
Trước tình cảnh trên, dù biết thị trường lao động đang khó khăn, Trúc vẫn quyết định nộp đơn nghỉ việc vào cuối tháng 4.
Quản lý bất đắc dĩ
Từng phải nhắn tin cho nhân viên đã cáo ốm, xin nghỉ phép, trưởng phòng hành chính - nhân sự Ly Trần (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Đó là trường hợp bất khả kháng”.
Cụ thể, nhân sự vắng mặt nắm quyền sở hữu một số tài liệu công việc, chưa kịp mở quyền truy cập, gửi cho quản lý. Trong khi đó, lãnh đạo cấp cao yêu cầu kiểm tra các thông tin trong file gấp.
Ly đành nhắn tin nhờ cấp dưới gửi file cho cô và mở quyền truy cập. Trước khi đưa ra yêu cầu cho nhân sự, cô cũng xin lỗi vì làm phiền và cảm ơn nhân viên hỗ trợ tình huống khẩn cấp.
Đây là lần duy nhất Ly Trần phải chủ động liên lạc khi cấp dưới xin nghỉ vì việc gia đình, sức khỏe không đảm bảo. Là trưởng phòng nhân sự, cô ưu tiên bảo vệ quyền lợi của cấp dưới, làm gương cho quản lý các phòng ban khác.
“Về bản chất, công ty không trả lương cho các bạn trong những ngày nghỉ phép, vì thế không có quyền can thiệp vào đời sống cá nhân của cấp dưới. Hơn nữa, tôi cũng không muốn tự tạo thêm việc cho mình”, Ly khẳng định.
Tuy nhiên, để tránh gián đoạn công việc chung, trưởng phòng này cũng thường xuyên yêu cầu, nhắc nhở nhân viên giao nộp phần việc của mình trước khi nghỉ phép. Điều này không tốn nhiều thời gian, đồng thời giúp đôi bên tránh mâu thuẫn, xích mích sau này.
Nguyễn Mai cho rằng việc ghi nhận và đền đáp sự đóng góp của nhân viên là rất quan trọng. |
Cùng quan điểm với Ly Trần, Nguyễn Mai (quận 5, TP.HCM) cho rằng việc thường xuyên nhắn tin hay gửi email cho nhân viên ngoài giờ làm việc thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với thời gian cá nhân của họ và có thể cho thấy sự thiếu tinh tế trong giao tiếp.
"Tôi luôn sẵn lòng hỗ trợ đồng nghiệp và sếp, ngay cả khi ngoài giờ làm việc chính thức từ 9h đến 18h. Tuy nhiên, sự nhiệt tình đó không nên bị xem là điều hiển nhiên hay bị lợi dụng", cựu quản lý dự án tại công ty truyền thông quận 4 (TP.HCM) chia sẻ.
Mai kể lại những lần cô cảm thấy không thoải mái khi cấp trên liên tục nhắn tin, hối thúc công việc sau giờ làm, thậm chí có những đêm muộn 0-1h vẫn nhận được tin nhắn. Dù đã nhiều lần chia sẻ với lãnh đạo cấp cao, cô chỉ nhận được câu trả lời rằng "do thấy cô thường xuyên phản hồi rất nhanh ngoài giờ làm việc, nên sếp cứ nghĩ cô vẫn ổn với chuyện đó".
Từ trải nghiệm này, Mai luôn tâm niệm về việc tôn trọng thời gian cá nhân của cấp dưới và đồng nghiệp. Quản lý luôn cố gắng sắp xếp công việc hợp lý trong giờ hành chính, hạn chế việc làm phiền nhân viên ngoài giờ.
Tuy nhiên, cô cũng hiểu rằng trong công việc không thể tránh khỏi những tình huống khẩn cấp phát sinh. Trong những trường hợp như vậy, Mai ưu tiên tìm kiếm giải pháp từ các nguồn lực sẵn có trước khi liên hệ với nhân viên. Nếu bắt buộc phải nhờ đến sự hỗ trợ của họ, quản lý sẽ nói rõ tính cấp bách của vấn đề.
"Là một nhà quản lý, tôi tin rằng việc thể hiện sự cảm kích và hỗ trợ đối với nhân viên đã hy sinh thời gian cá nhân để giải quyết công việc là rất quan trọng. Một lời cảm ơn chân thành, một phần thưởng nhỏ, hay sắp xếp cho nhân viên nghỉ bù... đều là những cách để thể hiện sự trân trọng và tạo động lực cho họ", Mai chia sẻ.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.