Dù văn phòng công ty đã mở cửa nhưng vì e ngại dịch bệnh, Lan Anh chủ yếu làm ở nhà, thỉnh thoảng tới quán cà phê làm việc để thay đổi không khí.
“Sau thời gian phong tỏa, mình cảm thấy làm việc tại nhà đạt hiệu suất cao hơn, giúp cân bằng trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, ở nhà lâu khá bức bối nên mình ra quán ngồi để dễ thở hơn. Mình thường chọn những quán vắng khách, lựa chỗ ngồi cách xa mọi người để đảm bảo an toàn”, Lan Anh chia sẻ cùng Zing.
Lan Anh ghé quán cà phê để thay đổi không khí làm việc. |
Tận hưởng không gian yên tĩnh
Trước dịch, Lan Anh chủ yếu làm việc tại văn phòng hoặc ra ngoài gặp khách hàng, chỉ cuối tuần mới ngồi ở quán cà phê. Tuy nhiên, hiện tại cô có tâm lý giống nhiều bạn trẻ khác, không còn muốn liên tục lên văn phòng như trước đây.
“Tất nhiên mình không ngại văn phòng, nếu công ty yêu cầu thì mình vẫn sẽ thoải mái với chuyện đi làm thường xuyên. Song mình thích môi trường làm việc linh hoạt như hiện tại, nó giúp mình tiết kiệm chi phí và thời gian di chuyển mỗi ngày”.
Lan Anh cùng bạn tập trung làm việc bên máy tính, điện thoại. |
Cùng thời điểm, tại Là Việt (đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3), Mỹ Nữ (28 tuổi) đang gặp gỡ, bàn bạc công việc cùng đồng nghiệp và đối tác.
Sau giai đoạn giãn cách xã hội, quán cà phê chính là địa điểm làm việc quen thuộc của cô. Nữ nhân viên ngân hàng thường lựa chọn một số quán gần văn phòng, có không gian yên tĩnh cùng quy định phòng dịch chặt chẽ để ngồi lại trong vài giờ.
“Làm việc tại quán cà phê giúp tôi cảm thấy thoải mái, yên tĩnh hơn. Sau giãn cách, mỗi tuần, tôi đến quán cà phê khoảng 3-4 lần để làm việc. Tôi không quá lo về vấn đề dịch bệnh nữa bởi đã tiêm đủ hai mũi vaccine, các quán cũng xếp bàn với khoảng cách cần thiết”, Mỹ Nữ chia sẻ.
Mỹ Nữ (bên trái, ngoài cùng) gặp gỡ đồng nghiệp, đối tác tại quán cà phê. |
Tiền bạc không là vấn đề
Ngồi cách Mỹ Nữ vài dãy bàn, Thùy Trang (33 tuổi) vừa đọc sách, vừa cùng cô bạn nhâm nhi cà phê, thưởng thức bánh ngọt.
Khi quán xá mở cửa phục vụ tại chỗ trở lại, Thùy Trang ghé quán cà phê để làm việc gần như mỗi ngày. Đây cũng là nơi cô kết nối lại những mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp sau nhiều tháng giãn cách xã hội.
“Tôi rất thích không gian yên tĩnh tại những quán cà phê như Là Việt, nơi mọi khách hàng đều chú ý nói chuyện nhỏ nhẹ hoặc tập trung vào máy tính, sách vở của mình. Trước dịch, tôi đã thường xuyên đi cà phê để làm việc. Những ngày phải ở nhà giãn cách, tôi cảm thấy khá bí bách và mong chờ ngày được quay trở lại quán xá thế này”, Thùy Trang tâm sự.
Theo Thùy Trang, mỗi buổi đi cà phê, cô chi tiêu khoảng 50.000 đồng cho một ly nước, thỉnh thoảng gọi thêm bánh ngọt với mức giá tương tự. Số tiền này không là vấn đề đối với Trang bởi cô hài lòng với dịch vụ và giá trị mà không gian quán mang lại cho mình.
“Có lẽ đối với các bạn sinh viên hoặc người trẻ mới đi làm, vài chục nghìn đồng cho một buổi làm việc tại quán cà phê là một số tiền đáng kể. Nhưng bản thân tôi hoàn toàn thấy ổn. Tôi chi tiền ra nhưng nhận được một không gian làm việc thoải mái, hiệu quả”.
Thùy Trang yêu thích không gian yên tĩnh, thoáng đãng tại quán cà phê. |
Đó cũng là tâm sự của Hạnh Nguyên (27 tuổi) khi đến Cheese Coffee làm việc. Tạm rời mắt khỏi laptop, Nguyên cho biết mình ghé quán cà phê nhiều hơn sau giai đoạn giãn cách xã hội bởi lúc này lượng khách đến đây chưa quá đông đúc, đặc biệt vào ngày trong tuần.
“Mỗi lần ngồi cà phê, tôi chi tiêu khoảng vài chục nghìn đồng và đó là số tiền nằm trong khả năng của tôi. Tôi thường lựa chọn bàn ở vị trí khuất, yên tĩnh trong quán để có thể tập trung hơn”, Hạnh Nguyên nói.
Hàng chục bạn trẻ chăm chú làm việc tại quán cà phê, chỉ tháo khẩu trang khi dùng nước, bánh. |
Thay đổi thói quen
Chia sẻ cùng Zing, Linh Trần, Quản lý marketing chuỗi cà phê Cheese Coffee, cho biết sau khi thành phố cho phép cơ sở dịch vụ ăn uống được bán tại chỗ trở lại, quán phải giới hạn số lượng khách tùy theo quy mô của từng cơ sở. Đồng thời, lượng khách cũng giảm do nhiều người còn e ngại dịch bệnh lây lan.
“Hiện tại, khách hàng của chúng tôi đa phần là các bạn sinh viên và nhân viên văn phòng đến để học nhóm hoặc làm việc. Sau giãn cách, thói quen làm việc của các bạn trẻ cũng thay đổi. Trước đây, quán đông từ 9h tới tối. Nhưng hiện tại, phải tới 10h30-11h, quán mới có khách và chiều tối là thời điểm đông đúc nhất”, nói.
Để đảm bảo quy định phòng dịch, các cơ sở của Cheese Coffee chỉ phục vụ 50% công suất nhằm giữ an toàn cho cả khách hàng và nhân viên. Trên các bàn của quán có dán ký hiệu không sử dụng để đảm bảo giãn cách.
Giữa các bàn tại quán cà phê Là Việt có vách ngăn, dán mã QR yêu cầu khách hàng khai báo y tế. |
Còn theo Trần Nhật Quang, người sáng lập chuỗi cà phê Là Việt, các cơ sở của anh tại TP.HCM chủ yếu đón khách là các bạn trẻ, nhân viên văn phòng đến làm việc, đặc biệt vào những ngày trong tuần.
Sau dịch, lượng khách vẫn chưa đông đúc như trước đây do quy định chỉ được hoạt động 50% công suất. Tuy nhiên, khi vừa mở cửa và nhận được sự ủng hộ của nhiều khách quen, anh cảm thấy rất vui mừng.
“Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị khai trương cơ sở mới. Mong rằng dù ở chi nhánh nào, Là Việt vẫn được khách hàng dành tình cảm”, anh cho hay.