Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều phụ nữ Ấn Độ bị xem là mắc bệnh vì sống độc thân

Phụ nữ độc thân có nhiều quyền tự do trong học hành, theo đuổi sự nghiệp nhưng họ phải đối mặt những định kiến, áp lực từ gia đình và xã hội.

Debbie Paul bị gọi là cứng đầu, bướng bỉnh và ích kỷ vì không có chồng. Ở tuổi 47, nữ chuyên gia người Ấn Độ sống một mình tại New Delhi. Bà là một trong số hàng triệu phụ nữ hiện đại trên 30 tuổi tại quốc gia này chọn lối sống độc thân, bất chấp kỳ vọng của xã hội.

Bị tước nhiều quyền vì độc thân

Theo SCMP, đây là giai đoạn số phụ nữ độc thân tại Ấn Độ cao kỷ lục trong lịch sử. Số góa phụ, người ly hôn, chưa kết hôn và bị bỏ rơi chiếm khoảng 21% dân số nữ tại đây.

Dữ liệu điều tra dân số từ năm 2001 cho thấy cả nước có khoảng 51 triệu phụ nữ độc thân. Vào năm 2011, con số này tăng gần 40%, đạt 71,4 triệu người. Phụ nữ độc thân có nhiều quyền tự do hơn trong học hành, theo đuổi sự nghiệp và sống như những gì họ muốn, không bị bó buộc con cái.

Họ cũng tránh được khả năng trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Tuy nhiên, số phụ nữ độc thân tăng lên không tỷ lệ thuận với nhân quyền của họ.

Theo nhà xã hội học Patricia Uberoi ở Delhi, xã hội Ấn Độ chủ yếu vẫn bắt nguồn từ chế độ phụ hệ và bất bình đẳng giới. Phụ nữ độc thân thường chịu định kiến kén chọn, buông thả về mặt đạo đức hoặc cứng đầu.

bi xem la mac 'benh' vi song doc than anh 1

Tác giả Sreemoyee Piu Kundu. Ảnh: SCMP.

Nhà báo Sreemoyee Piu Kundu, đồng thời là tác giả cuốn Status Single: The Truth about Being a Single Woman in India, tiết lộ gần 3.000 phụ nữ mà bà thường nói chuyện phải đối mặt định kiến và sự cô lập của xã hội. “Một số phụ nữ mà tôi phỏng vấn cho cuốn sách ngỏ ý từ chối vì sợ bị gia đình phát hiện cảm xúc thật. Những người khác đa phần đều không muốn tiết lộ danh tính. Tôi nhận ra rằng họ không thật sự tự hào về lối sống độc thân của mình”, nữ tác giả nói.

Những người phụ nữ độc thân thường xuyên cảm thấy cô đơn, sức khỏe tinh thần không đảm bảo. Họ còn bị từ chối khi mua nhà, vay ngân hàng hay không được chấp thuận phá thai.

Nhiều phụ nữ Ấn Độ độc thân bị kỳ thị như người mắc bệnh. Họ bị tước đi nhiều quyền lợi và chịu đựng sự bất công đến từ những người xung quanh.

Hôn nhân thường được coi là tấm vé an toàn cho phụ nữ tại Ấn Độ. Vì vậy, những người độc thân, từ chối kết hôn thường xuyên phải đối diện cảm xúc, thái độ tiêu cực từ người thân, bạn bè và thậm chí là hàng xóm. “Họ không chấp nhận độc thân như là một sự lựa chọn. Họ luôn muốn tìm hiểu xem tôi mắc bệnh gì hay ai đó đã làm tôi tổn thương hay không”, một bác sĩ ở Bangalore chia sẻ.

Theo Giáo sư Renu Addlakha, Trung tâm nghiên cứu và vận động phát triển phụ nữ ở Delhi, mong muốn được học, tự do và mục tiêu sự nghiệp khiến nhiều phụ nữ Ấn Độ muốn kết hôn muộn. Hầu hết nữ giới tại đây đều đặt tiêu chuẩn cao về nhiều mặt. Khi không tìm thấy điều đó ở đối phương, họ quyết định sống độc thân hơn là thỏa hiệp, lấy bừa một người chồng.

Tại Ấn Độ, hiếm có gia đình nào chấp nhận con gái, nữ giới trong nhà không kết hôn. Phụ nữ sẽ trở thành đối tượng khiến nhiều người thương hại, công kích hoặc không muốn giao thiệp. Họ trở thành mẫu người cứng đầu, đôi khi không được tôn trọng trong chính gia đình.

bi xem la mac 'benh' vi song doc than anh 2

Nhiều phụ nữ Ấn Độ bị tước quyền cơ bản khi lựa chọn sống độc thân, không kết hôn. Ảnh: Reuters.

Hành trình khẳng định bản thân không dễ dàng

Ngay cả ở những thành phố lớn, phụ nữ độc thân cũng gặp nhiều khó khăn khác. Họ phải đối mặt nguy cơ bị quấy rối. Những người đàn ông áp định kiến đó là những phụ nữ “mang bệnh”, lăng nhăng trong chuyện chăn gối.

Chủ doanh nghiệp, người cho thuê nhà cũng không có cái nhìn thiện cảm với phụ nữ độc thân. Cuộc sống thậm chí còn khó khăn hơn ở các vùng nông thôn, nơi phụ nữ độc thân “phải liên tục chiến đấu với định kiến ​​xã hội và đấu tranh để tồn tại”.

Trước đây, ngay cả những phụ nữ độc thân giàu có, nổi tiếng cũng phải vật lộn trong hành trình khẳng định bản thân. Nữ diễn viên kiêm người mẫu Sushmita Sen, 44 tuổi, phải đợi 2 năm mới được tòa án cho phép nhận nuôi con gái đầu lòng vào năm 2000.

Lối sống độc thân không phải trào lưu mới mẻ trong xã hội. Tại Hàn Quốc, trào lưu sống suốt đời không kết hôn, tình dục cũng gây tranh cãi. Theo quan điểm của những người ủng hộ "no sex, no baies", hôn nhân khiến phụ nữ Hàn Quốc trở thành nô lệ. Họ chỉ trích cách suy nghĩ của nhiều ông bố, cho rằng con gái theo nhà chồng là “bỏ đi”.

bi xem la mac 'benh' vi song doc than anh 3

Se-young (trái) và Baeck Ha-na, hai cô gái tẩy chay kết hôn, sinh con tại Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Jung Se-young là một trong những YouTuber thường xuyên chia sẻ về lối sống "no sex, no baies". Cô cho hay bản thân chán cảnh phải chăm sóc con cái, gia đình nội ngoại - những điều nhen nhóm trong suy nghĩ của nhiều phụ nữ Hàn Quốc từ lâu.

Jung là một giáo viên. Trước đây, cô cũng thử một vài mối quan hệ nhưng “phát chán” với cách suy nghĩ của đàn ông Hàn Quốc. Cô thậm chí phải phẫu thuật thẩm mỹ từ nhỏ để làm hài lòng gia đình, sau này là bạn trai.

Những người ủng hộ không kết hôn lại cho rằng họ đơn giản không muốn bị coi là “chiếc máy đẻ” và hầu hạ người khác trong gia đình. Tuy nhiên, lối sống này cũng vấp phải một số phản đối. Nhiều đàn ông kêu gọi phụ nữ Hàn Quốc không từ bỏ hôn nhân và làm mẹ.

Bí ẩn đằng sau nhóm máu hiếm nhất thế giới

Năm 1961, các nhà khoa học tại Australia phát hiện người đầu tiên mang dòng máu lạ. Từ đó đến nay, nhân loại mới có 43 trường hợp sở hữu loại huyết thanh này.

Người phụ nữ ở Trung Quốc mang 'khuôn mặt voi'

Chứng bệnh u sợi thần kinh khiến người phụ nữ 50 tuổi, ở Liêu Ninh, Trung Quốc, có khuôn mặt dài tới ngực và bị cộng đồng xa lánh.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm