Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhiều sinh viên Mỹ bán trứng với giá nghìn USD cho người hiếm muộn

Đậu ngôi trường danh giá, nhưng khoản sinh hoạt phí quá lớn khiến Ellie Houghtaling quyết định bán trứng để lấy tiền trang trải. Mỗi lần đều là trải nghiệm đau đớn và sợ hãi.

ban trung de tra tien hoc phi anh 1

Tôi mở mắt và thấy mình ở trong tư thế lộn ngược, xung quanh là 4 y tá đang giữ chân, tay và lắc qua lắc lại. Khi tỉnh lại, tôi tự hỏi: “Điều này có đáng không? Với giá 10.000 USD?”.

7 tháng trước, tôi được nhận vào Đại học Columbia, chuyên ngành Báo chí. Ngôi trường có nền giáo dục được xem là tiêu chuẩn vàng của ngành báo chí sẽ giúp tôi tiếp cận nền tảng tốt nhất. Nhưng số tiền phải đóng khiến tôi thật sự sốc. Riêng học phí đã mất 116.000 USD/năm.

May mắn là phần lớn chi phí đã được học bổng tài trợ. Nhưng khoản tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt đắt đỏ vẫn trở thành vấn đề lớn và tôi phải tìm cách lấp đầy. Vì vậy, tôi chính thức bước chân vào ngành công nghiệp đang phát triển - hiến trứng.

Những dòng tâm sự trên là của Ellie Houghtaling, sinh viên Đại học Columbia, Mỹ, trên Guardian. Giành được học bổng tại ngôi trường danh giá, Ellie vẫn đau đầu vì khoản chi phí khổng lồ. Điều đó khiến cô quyết định tham gia vào công việc mới đó là bán trứng cho một công ty về sức khỏe sinh sản để đổi lấy 10.000 USD/lần. Công việc mang lại cho cô khoản thu lớn nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy.

Do dự

Ellie tình cờ tham gia công việc này vào tháng 3 thông qua lời giới thiệu của một người bạn, trước khi quyết định nhập học Đại học Columbia. Nữ sinh viên đã rất băn khoăn vì không biết mình có thể mạo hiểm vừa học vừa làm không. Chưa kể, nhà trường cũng đã nhắc nhở sinh viên không làm thêm trong quá trình học.

Cô gái bắt đầu tìm kiếm “các đại lý hiến tặng trứng ở New York” và phát hiện từ khóa này rất phổ biến. Mỗi năm, các nhà tài trợ cần hàng nghìn phôi trứng để cung cấp cho những cặp đôi hiếm muộn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính trong hơn một thập kỷ, thụ tinh ống nghiệm sử dụng trứng từ người hiến tặng đã tăng gấp 3 lần, từ khoảng 5.000 ca vào năm 2017 lên hơn 13.000 ca vào năm 2016.

ban trung de tra tien hoc phi anh 2

Nhu cầu tìm người hiến tặng trứng, thụ tinh trong ống nghiệm tăng cao tại Mỹ trong 10 năm. Ảnh: Freepik.

Ellie cũng hỏi hàng chục phụ nữ ở nhiều độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau về kinh nghiệm với việc này. Các thông tin nằm rải rác trên các nhóm Facebook kín hay trong WhasApp và Reddit. Chúng không phổ biến như nội dung về thụ tinh trong ống nghiệm hay mang thai hộ.

Hầu hết phụ nữ tham gia ngành công nghiệp này đều mới trên dưới 20 tuổi và xuất phát từ mục tiêu tài chính. Chi phí mà họ nhận được sau mỗi lần dao động từ 3.000 USD đến 20.000 USD, tùy khu vực. Họ dùng tiền đó để chi trả sinh hoạt phí, trả nợ hay thậm chí đi du lịch.

Một số phòng khám kết hợp với các cặp vợ chồng có nhu cầu và lập nhiều trang quảng cáo với lời mời trả từ 10.000 USD đến 40.000 USD. Điều kiện chủng tộc cũng khá đa dạng như Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Á hay yêu cầu người hiến có chỉ số IQ cao.

Khi liên hệ một phòng khám, giọng phụ nữ trong điện thoại vui vẻ, tỉ mỉ hướng dẫn Ellie từng bước của quá trình bán trứng. Và cô quyết định thử.

Trong 4 tháng, cô đã nói dối gia đình và lén tới các phòng khám, đánh giá tâm lý để hiến trứng. Trên thực tế, hiến trứng là hành động cho đi mà không nhận lại chi phí. Song, khi bước chân vào công việc này, Ellie nhận ra nó là cả một ngành công nghiệp khổng lồ, vận hành liên tục và mang tới cho cô tiền lương cao gấp nhiều lần công việc khác.

Vì vậy, với gia đình, cô thường nói bản thân hiến tặng trứng, nhưng ở bên ngoài, cô coi đó là “bán”, là công việc chính.

Mạo hiểm

Một buổi sáng tháng 6 ở thành phố New York, Ellie mặc chiếc váy satin màu xanh lá cây, vội vã tới phòng khám để làm bài kiểm tra sức khỏe thứ hai, trước khi xét nghiệm nước tiểu.

Ngồi chờ ở phòng khám, Ellie quan sát những bức tường xám, ngửi mùi oải hương thoang thoảng hòa quyện với giọng ca trầm ấm của diva Amy Winehouse. Cô nhanh chóng nhận ra bản thân là phụ nữ duy nhất tới đây một mình. Lác đác vài cặp vợ chồng cười khúc khích. Ellie tự hỏi ai trong số họ là “nhà tài trợ” cho số trứng mà cô sắp bán cho phòng khám này.

Nữ sinh viên biết cô không phải bệnh nhân mà là “sản phẩm”. Sau khi y tá gọi tên, Ellie bước vào phòng riêng. Không gian phủ cảm giác lạnh lẽo và vô trùng. Sự im lặng đến ngột ngạt. Một y tá xuất hiện, cố định tay cô vào ghế.

Ellie được lấy máu, đổ đầy 8 ống nghiệm. Cô hơi chóng mặt và lơ mơ nhận lời xin lỗi lịch sự. Cô được đưa tới phòng khác và nhận một chiếc kẹo mút hương dứa, tựa đầu vào thành ghế lạnh lẽo. Một y tá lại bước vào và thực hiện lấy huyết thanh tương tự.

ban trung de tra tien hoc phi anh 3

Ellie trải qua bài xét nghiệm máu để xác định các bệnh di truyền. Sau đó là bài kiểm tra IQ - quy định bắt buộc của giới chức New York. Ảnh: iStock.

Kết quả xét nghiệm máu của Ellie từ cuộc hẹn đầu tiên được gửi tới cơ sở di truyền Sema4. Nơi này kiểm tra 283 gene của cô nhằm tìm ra các bệnh rối loạn khác. Kết quả cho thấy nữ sinh viên này mắc 3 bệnh di truyền. Đầu tiên là chứng loạn dưỡng epidermolysis bullosa - tình trạng khiến da mỏng manh đến mức dễ bị phồng rộp và vỡ ra, để lại sẹo nghiêm trọng. Thứ hai là loạn dưỡng bạch cầu metachromatic, rối loạn di truyền hiếm gặp. Cuối cùng là mất thính giác không do bệnh.

Ellie cảm thấy sốc và tò mò khi biết kết quả. Dù vậy, phòng khám trấn an cô đây là điều bình thường.

Hội chứng epidermolysis bullosa không có cách chữa trị và những bệnh nhân mắc bệnh này thường có nguy cơ rất cao bị ung thư da. Do đó, chuyên gia của Sema4 khuyến cáo Ellie không nên kết hôn với người Phần Lan vì họ có cùng tình trạng da.

Phòng khám không chỉ đánh giá khuynh hướng rối loạn di truyền của nữ sinh mà còn cân nhắc nhiều đặc điểm khác như mái tóc vàng, đôi mắt xanh, làn da trắng của cô. Cô phải làm bài kiểm tra IQ - đây là quy định bắt buộc của bang New York khi muốn hiến tặng trứng. Cũng nhờ đó, cô được đánh giá cao về trí tuệ và tính cách.

Đánh đổi

Vào mùa hè, Ellie bắt đầu thực hiện các biện pháp tránh thai mà phòng khám đưa ra. Một buổi sáng, họ đưa cho cô những viên thuốc màu be. Chỉ còn vài ngày là đến lịch hẹn lấy trứng, nhưng phòng khám chưa tìm được gia đình phù hợp để ghép đôi với Ellie.

Điều này khiến cô khá bất an. Cô bắt đầu suy nghĩ về việc có nên đánh đổi điều này hay không. Nhưng rồi, cô vẫn quyết định sử dụng thuốc như khuyến cáo. Cô tiêm hai ống hormone Ganirelix 250 microgram đều đặn hai lần/ngày. Vào buổi sáng, cô dùng 225 ml Follistim màu vàng và xanh lam. Buổi tối sẽ là một lọ Menopur. Hai loại thuốc này kết hợp với nhau có tác dụng kích thích các nang trứng rụng trong chu kỳ nhiều hơn.

Càng gần ngày hiến trứng, các loại thuốc khiến Ellie cảm thấy khá căng thẳng và kiệt quệ. Quá trình tiêm thuốc, siêu âm vào lúc 7h khiến nữ sinh viên suy sụp, mệt mỏi. Trên bụng, những chỗ kim châm mềm bắt đầu phồng lên và cô không ít lần muốn quay ngược thời gian. Nhưng đã quá muộn.

Sau đó, Ellie bị ngất xỉu và cuộc sống, tâm trí có nhiều xáo trộn. Ca phẫu thuật lấy trứng chỉ kéo dài 7 phút nhưng là trải nghiệm khó quên. Nữ sinh viên nằm bẹp giường gần hai ngày sau, bụng đau thắt. Phòng khám không cho cô thuốc giảm đau vì vậy cô uống Tylenol và Advil.

ban trung de tra tien hoc phi anh 4

Bán trứng là trải nghiệm tồi tệ nhưng Ellie quyết định vẫn sẽ làm tiếp để trang trải chi phí. Ảnh minh họa: Freepik.

May mắn là cơn đau không quá nặng. Và cô vẫn quyết định làm tiếp công việc này. Bên cạnh khoản tiền lương hấp dẫn, Ellie cảm thấy thoải mái và hạnh phúc khi biết mình giúp được nhiều cặp vợ chồng đạt được mơ ước.

Dù vậy, công việc này khiến cô gặp nhiều vấn đề hơn thế. Phòng khám hẹn lịch nhiều lần nhưng không thành công. Mỗi lần đó cô lại phải tiêm, uống đủ các loại hormone và sức khỏe, tâm lý bị ảnh hưởng. Cô viết trong nhật ký: “Tôi thực sự như bị bỏ rơi trong bóng tối và không muốn tiếp tục với phòng khám nữa. Tôi tự hỏi những phụ nữ nhận trứng của tôi có phải chịu cảm giác này không?”.

Mỗi lần suy nghĩ như vậy, khoản phí 10.000 USD lại kéo cô trở về thực tại. Cuộc sống ở New York đắt đỏ, cô cần nó cho 4 năm đại học.

“Tôi sẽ cân nhắc làm lại công việc này. Tôi vẫn lo lắng nó ảnh hưởng thế nào tới cơ thể. Nhưng điều ảnh hưởng nhất đang hiện hữu đó là cuộc sống không đủ tiền trang trải. Tôi không biết mình có thể phủ nhận điều đó để lo lắng vấn đề khác không”, cô viết trong nhật ký.

Căn bệnh khiến 100.000 trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm

Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề tới phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra vaccine phòng bệnh này.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm