Sau khi Toyota công bố loạt concept xe điện vào cuối năm 2021, các nhà sản xuất Nhật Bản khác lần lượt tiến hành các động thái quan trọng để chuẩn bị cho quá trình khai tử ôtô dùng động cơ đốt trong. Đơn cử có Honda cùng Nissan vừa công bố việc tái cơ cấu hoạt động để dồn lực cho ôtô chạy pin.
Honda cắt giảm mạnh sản xuất tại nội địa
Theo Nikkei, Honda sẽ điều chỉnh sản lượng tại Nhật Bản giảm 40% so với mức cao nhất cách đây 2 thập kỷ, dự kiến còn khoảng 800.000 chiếc trong năm nay. Động thái này đến từ việc hãng xe Nhật Bản ngừng lắp ráp ôtô tại nhà máy ở Sayama, thuộc tỉnh Saitama nằm về phía Tây Bắc của Tokyo.
Tháng 12 năm trước, Honda đã tổ chức một buổi lễ kỷ niệm để chào tạm biệt những model cuối cùng rời dây chuyền sản xuất tại nhà máy Sayama. Chủ tịch kiêm CEO Toshihiro Mibe của Honda Motor cũng có mặt tại sự kiện này. Dù vậy, nơi đây vẫn duy trì hoạt động để sản xuất linh kiện, phụ tùng trong khoảng 2-3 năm tới trước khi bị đóng cửa hoàn toàn.
Dự kiến, các bộ phận và dây chuyền sản xuất ở nhà máy Sayama được chuyển đến một cơ sở sản xuất khác cũng thuộc tỉnh Saitama là nhà máy Yorii. Khi đó, nhân sự tại Sayama có thể được điều chuyển đến Yorii và những cơ sở khác. Honda chưa cho biết kế hoạch chuyển đổi với địa điểm đặt nhà máy Sayama từ năm 1964.
Các dây chuyền lắp ráp ôtô tại nhà máy Sayama của Honda đã dừng hoạt động vào cuối năm 2021. Ảnh: Kotaro Abe. |
Động thái này được xác nhận nhằm giúp Honda cắt giảm chi phí cố định và tối ưu hiệu quả sản xuất, bên cạnh việc áp dụng lộ trình nghiên cứu sản phẩm mới và điều chỉnh mức đầu tư cho đội đua Công thức Một.
Đi vào hoạt động cách đây gần 60 năm, nhà máy Sayama được xem là một trong những cơ sở sản xuất quan trọng nhất của Honda trên thế giới. Không chỉ là nơi xuất xưởng nhiều sản phẩm then chốt như Civic hay Accord, đây còn là nơi đào tạo những chuyên gia sản xuất toàn cầu của Honda.
Không chỉ cắt giảm hoạt động ở thị trường nội địa, năm qua Honda còn đóng cửa các nhà máy tại Anh và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tái cơ cấu hoạt động kinh doanh ôtô với trọng tâm là chuyển đổi thành một hãng xe thuần điện vào năm 2040. Hãng xe Nhật Bản dự báo sản lượng toàn cầu có thể đạt 5,14 triệu xe trong năm tài chính 2021 (kết thúc vào tháng 3/2022), thấp hơn mức 5,59 triệu chiếc so với năm trước.
Những thay đổi kể trên được cho là cần thiết để Honda có thể tạo được lợi thế cạnh tranh và đầu tư hiệu quả cho mảng xe điện trong 2 thập kỷ tới, nhất là trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận của Honda trong năm tài chính 2020 chỉ là 1%, theo Nikkei.
Mẫu xe điện cỡ nhỏ Honda e được sản xuất tại nhà máy Yorii và xuất khẩu sang các thị trường khác. Ảnh: Honda. |
Thực tế, việc rút nhà máy Sayama khỏi chuỗi sản xuất ôtô sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến Honda khi mà thị trường Nhật Bản chiếm tỷ lệ không đáng kể trong doanh số toàn cầu của hãng. Nguồn cung cho Mỹ và Trung Quốc, 2 thị trường chiếm gần 60% doanh số của Honda (số liệu năm 2018), vẫn được đảm bảo nhờ các cơ sở sản xuất khác.
Trong khi đó, nhà máy Yorii sẽ được tập trung đầu tư trong tương lai gần khi đây là nơi sản xuất Honda e, mẫu xe điện thương mại đầu tiên của hãng. Vào một cuộc họp hồi tháng 4/2021, ông Toshihiro Mibe xác nhận toàn bộ dòng ôtô Honda bán ra tại Nhật Bản vào năm 2030.
Nissan chuẩn bị “chia tay” động cơ đốt trong
Hãng xe Nhật Bản mới nhất có động thái dồn sức cho ôtô điện là Nissan với thông báo ngừng nghiên cứu động cơ đốt trong mới ở hầu hết thị trường lớn, ngoại trừ một vài sản phẩm ở Mỹ.
Trước đây, chưa có nhà sản xuất ôtô lớn nào của Nhật Bản có động thái chuẩn bị khai tử động cơ đốt trong như Nissan.
Hãng xe này đặt mục tiêu vào năm 2030 có 75% lượng xe bán ra ở châu Âu được điện khí hóa (dùng động cơ hybrid hoặc chạy pin). Con số tương ứng đối với thị trường Nhật Bản là 55% và cùng là 40% ở Mỹ, Trung Quốc. Tổng mức đầu tư cho kế hoạch này là 2.000 tỷ yen, tức gần 18 tỷ USD, theo Forbes.
Xe điện Nissan Ariya chuẩn bị được giới thiệu tại khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Nissan. |
Con số đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm của Nissan trong thời gian qua là khoảng 500 tỷ yen mỗi năm, tương đương 4,3 tỷ USD. Phần lớn số tiền này sẽ được chuyển hướng sang cho xe điện và những công nghệ mới.
Nissan xác định rằng quy định khí thải mới, chẳng hạn chuẩn Euro 7 sẽ có hiệu lực năm 2025 ở châu Âu, sẽ khiến chi phí phát triển động cơ đốt trong tăng cao đến ngưỡng mất cân bằng và không bền vững.
Dù vậy, những dòng động cơ đốt trong sẵn có sẽ được nhà sản xuất này cải tiến và hỗ trợ cập nhật đến hết vòng đời sản phẩm, chẳng hạn như máy V6 3.0L tăng áp kép trên mẫu xe thể thao cỡ nhỏ Nissan Z.
Hãng ôtô Nhật Bản cho biết sẽ từng bước dừng phát triển động cơ xăng cho các dòng xe bán ra ở Trung Quốc và Nhật Bản trong tương lai gần, tuy nhiên Nissan vẫn đầu tư cho công nghệ hybrid ở mức phù hợp với nhu cầu thị trường.
Các dòng bán tải Nissan tại Mỹ vẫn có thể được phát triển động cơ đốt trong mới. Ảnh: Takashi Sugimoto. |
Còn ở Mỹ, Nissan để ngỏ khả năng duy trì các dòng động cơ cho xe bán tải để thu hút nhóm khách hàng chưa quá hào hứng với xe điện, nhất là khi công nghệ hiện nay chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu chở hàng nặng hay đi xa đặc trưng của người dùng pick-up ở xứ cờ hoa.
Tại Nhật Bản, Nissan phân bổ các nhóm nghiên cứu và phát triển động cơ tại nhiều địa điểm, trong đó có trụ sở ở Atsugi gần Tokyo. Trong khi đó, ở các thị trường lớn như Mỹ hay châu Âu, nơi sản xuất động cơ thường tọa lạc gần với các nhà máy có dây chuyền lắp ráp xe.
Trong tương lai, nhân sự phát triển và sản xuất động cơ đốt trong sẽ được điều chuyển sang phụ trách nghiên cứu động cơ EV, động cơ hybrid và các bộ phận truyền động khác.
Cuộc đua xe điện ở đất nước Mặt Trời mọc
Sau nhiều năm liền lạnh nhạt với ôtô điện và muốn tìm lối đi riêng với công nghệ xe chạy nhiên liệu hydro, Toyota đã thay đổi thái độ vào cuối năm 2021 bằng việc công bố một kế hoạch đầy tham vọng trị giá 2.000 tỷ yen, tương đương số tiền Nissan bỏ ra.
Cụ thể, hãng xe lớn nhất Nhật Bản cho biết sẽ tung ra 30 mẫu ôtô thuần điện vào năm 2030, thay vì chỉ 15 model trình làng vào năm 2025 như tuyên bố trước đó. Đồng thời, Toyota đặt mục tiêu bán ra 3,5 triệu chiếc ôtô chạy pin trên toàn cầu vào năm 2030 và định hướng Lexus thành một thương hiệu xe điện hoàn toàn vào năm 2035.
Toyota công bố loạt 14 mẫu xe điện mới hồi cuối năm 2021. Ảnh: Toyota. |
Trong khi đó, Mitsubishi cùng với 2 thành viên trong liên minh là Nissan và Renault đang ấp ủ dự định đầu tư lớn vào xe điện để cạnh tranh với những nhà sản xuất khác. Hồi tháng 1, nguồn tin của Reuters xác nhận rằng ba hãng xe có dự định rót hơn 20 tỷ euro, tương đương 23 tỷ USD trong 5 năm tới vào việc phát triển xe điện.
Con số này nằm ngoài 10 tỷ euro mà Nissan-Renault-Mitsubishi đã bỏ ra cho công cuộc điện khí hóa trong vài năm qua. Liên minh ôtô hàng đầu thế giới đã phát triển được 4 nền tảng xe điện chung, trong khi nền tảng thứ 5 dành cho các mẫu ôtô cỡ nhỏ đang được hoàn thiện.
Nhanh chân hơn Toyota hay Mitsubishi, Mazda hiện đã tung ra thị trường mẫu xe điện đầu tiên là MX-30. Từ nay đến năm 2025, Mazda dự kiến ra mắt thêm 3 dòng ôtô thuần điện mới, cùng với đó là một nền tảng xe điện riêng có tên Skyactiv EV Scalable Architecture.
Dù vậy, kỳ vọng vào doanh số xe điện của Mazda đặt ra không quá cao khi hãng đưa ra mục tiêu 25% lượng xe bán ra vào năm 2030 là ôtô chạy pin. Hãng cũng đặt thời hạn đạt mức trung hòa carbon trong sản xuất vào năm 2050.