- Chuyên gia tâm lý, Giám đốc chương trình Trí tuệ cảm xúc Capokids
- Chuyên gia tại Bác sĩ Tâm lý - trang tư vấn và điều trị tâm lý online
“Chữa rách vết thương lành” là nhận xét của nhiều học viên sau khi tham gia một số khóa học, chương trình chữa lành. Tôi nhận thấy nhiều cá nhân, đơn vị đang thổi phồng các vấn đề tâm lý, tung chiêu trò, thu hút khách hàng có nhu cầu hàn gắn tổn thương tinh thần.
Trước những chiêu thức tiếp thị, quảng cáo ngày càng tinh vi, bạn cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về các chương trình chữa lành, tránh tiền mất tật mang, “chữa lợn lành thành lợn què”. Bên cạnh tổn thất về tài chính, học viên cũng phải đối mặt với tổn hại tinh thần, mất niềm tin vào cuộc sống nếu tham dự các khóa học thiếu uy tín.
Chiêu trò Marketing
Trong cuốn Flow (dịch: “Dòng chảy”), tác giả Mihaly Csikszentmihalyi chỉ ra rằng: “Chúng ta chẳng hiểu biết gì nhiều hơn về hạnh phúc so với những gì Aristotle đã biết và khi nói về việc học cách đạt được trạng thái tốt đẹp đó, người ta có thể chỉ ra rõ rằng chúng ta chẳng tiến bộ chút nào”.
Tôi đồng tình với quan điểm này, nhận thấy đời sống tinh thần kém phát triển hơn so với đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, khi cụm từ “chữa lành” xuất hiện, tôi cho rằng đây là tín hiệu tốt, lời cảnh tỉnh, giúp mỗi người bớt thờ ơ, chú trọng hơn đến các vấn đề tâm lý.
Tuy nhiên, công tác truyền thông về sức khỏe tinh thần cũng được xem là con dao 2 lưỡi. Khi chủ đề này được thổi phồng quá mức, nhiều cá nhân nhanh chóng vơ vào, làm quá vấn đề của bản thân, phát sinh nhu cầu tham gia các khóa chữa lành.
Nhiều đơn vị kinh doanh bổ sung từ “chữa lành” vào các gói dịch vụ để gia tăng giá cả, tạo doanh thu từ xu hướng này. Ảnh minh hoạ: Mikhail Nilov/Pexels. |
Một số đơn vị kinh doanh lập tức lợi dụng xu hướng này, thể hiện sự nhạy bén trong việc nắm bắt thị hiếu, cung cấp các dịch vụ liên quan đến chữa lành. Các gói dịch vụ tôi thường thấy là yoga chữa lành, du lịch chữa lành, vẽ tranh chữa lành...
Khi bổ sung thêm cụm từ “chữa lành”, các đơn vị này thường gia tăng phí tham dự, tạo doanh thu từ hoạt động kinh doanh trên. Trong tình huống này, tôi nhận thấy thiệt hại của người này trở thành lợi ích của người khác.
Giống với lĩnh vực thực phẩm chức năng, ngành công nghiệp chữa lành hoạt động giữa trên nguyên lý trầm trọng hoá hậu quả để bán hàng, gia tăng doanh số.
Ban đầu, các khóa chữa lành được tổ chức bởi cá nhân, đơn vị tâm huyết, đáp ứng nhu cầu thực của những cá nhân cần sự giúp đỡ, hỗ trợ. Song, khi các vấn đề tâm lý vốn luôn tồn tại bị truyền thông “mổ xẻ” quá mức, nhiều tổ chức nhanh chóng coi đây là một ván bài làm ăn.
Trong kỷ nguyên số, công chúng cần xây dựng bộ lọc thông tin, tránh bị điều hướng bởi những luồng thông tin sai lệch trên Internet, dẫn đến hành động đăng ký tham gia các chương trình chữa lành thiếu uy tín.
Dấu hiệu chương trình chữa lành lừa đảo
Chuyên gia tư vấn tâm lý phải được đào tạo bài bản, trải qua quá trình thực hành tham vấn nhiều năm mới có đủ điều kiện hướng dẫn người khác. Quy trình trị liệu, cải thiện đời sống tinh thần cũng tốn nhiều thời gian, công sức, không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Vì vậy, những chương trình kéo dài 3-6 buổi không thể đáp ứng nhu cầu hàn gắn tổn thương tâm lý của người tham dự. Các khóa học này chỉ có thể cung cấp lý thuyết, khó hướng dẫn thực hành, giải quyết bề nổi của tảng băng chìm, dễ khiến người tham gia hoang mang khi chương trình kết thúc.
Bên cạnh thời gian ngắn, người giảng dạy thiếu kỹ năng, chuyên môn cũng là dấu hiệu của những khóa học chữa lành không hiệu quả. Nhiều cá nhân tham gia chương trình đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài, về nước tự xưng là chuyên gia tâm lý, khoe chứng chỉ được cấp bởi các tổ chức quốc tế nhưng thiếu kinh nghiệm thực hành tại Việt Nam.
Theo tôi, tâm lý là một lĩnh vực đặc thù, phụ thuộc nhiều vào bối cảnh văn hoá và đặc điểm địa lý từng khu vực.
Các nhà trị liệu, tham vấn tại Việt Nam cần có hiểu biết, gắn bó mật thiết với quốc gia này. Như vậy, kinh nghiệm thực hành, điều trị của các chuyên gia quan trọng hơn nguồn gốc tấm bằng.
Các chương trình chữa lành có dấu hiệu lừa đảo thường bán thêm sách, thực phẩm chức năng, tìm mọi cách lôi kéo người tham gia. Ảnh minh hoạ: Cup of Couple/Pexels. |
Để đánh giá chất lượng của một chương trình chữa lành, bạn cần xem xét các yếu tố sau đây trước khi “xuống tiền”, quyết định tham gia.
Thông tin về người giảng dạy, hướng dẫn là yếu tố đầu tiên cần xác minh. Bên cạnh bằng cấp, chứng chỉ, bạn cũng cần quan tâm đến kinh nghiệm trị liệu, thực hành của họ tại thị trường Việt Nam.
Kết quả thực hành của các tổ chức cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. Tuy nhiên, bạn cần cảnh giác trước những con số ảo, thiếu trung thực, tìm cách kiểm nghiệm số lượng trường hợp được giúp đỡ thực tế.
Phản hồi của khách hàng trước là một nguồn tham khảo đáng tin cậy. Song, bạn vẫn cần cảnh giác trước các trường hợp “cò mồi”, dùng mọi chiêu trò câu kéo người tham gia.
Tránh các chương trình bán thêm sách, thực phẩm chức năng giúp bạn thoát khỏi những khóa học lừa đảo ngày càng tràn lan.
Bạn cũng có thể thăm dò trước bằng cách đưa ra một số vấn đề tâm lý cá nhân, xem xét cách xử lý của các đơn vị cung cấp dịch vụ. Cá nhân, đơn vị uy tín sẽ tư vấn bằng chuyên môn, lập tức hỗ trợ, hoạt động dựa trên nguyên lý “khách hàng đến sau”. Tuy nhiên, những tổ chức đề cao lợi nhuận thường nóng lòng thuyết phục khách hàng tiềm năng đăng ký.
Hiểu đúng về 'chữa lành'
Theo tôi, “chữa lành” có thể được hiểu là khâu vết thương, hàn gắn những tổn thương tâm lý. Đây là nhu cầu tự nhiên, chính đáng của mỗi người.
Khi nâng cao tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần trong đời sống con người, truyền thông cũng cần cung cấp giải pháp cải thiện thay vì bỏ lửng, tạo kẽ hở cho nhiều bên trục lợi.
2 bước tiên quyết mà mọi phương pháp chữa lành cần tuân thủ là:
- Khai thông nhận thức (lý thuyết)
- Thay đổi hành vi, sắp xếp tư duy (thực hành)
Hiện nay, phần lớn các chương trình, khóa học mới chỉ thực hiện được bước đầu do thời gian tham dự ngắn, trình độ của người giảng dạy, hướng dẫn không đủ đáp ứng nhu cầu học viên.
Ngoài ra, tôi cũng đề cao châm ngôn “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Trước khi bước vào giai đoạn nhạy cảm như vị thành niên, sinh đẻ, đổ vỡ tình cảm, nghỉ hưu, bạn nên chuẩn bị tâm lý, bồi dưỡng sức khỏe tinh thần, tăng cường chia sẻ kết nối.
Mỗi cá nhân cần tự trang bị kiến thức để phòng và trị liệu các vấn đề tâm lý. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Để phòng tránh những vấn đề tinh thần nghiêm trọng, các phương án sau có thể được áp dụng.
- Xây dựng nếp sống, thói quen sinh hoạt lành mạnh như chăm chỉ tập luyện thể thao, phát triển các kết nối, kết bạn với những người có suy nghĩ tích cực.
- Chuẩn bị kỹ năng ứng phó với biến cố từ các tài liệu trên Internet, tận dụng nguồn thông tin miễn phí.
- Chia sẻ kinh nghiệm bản thân trong việc cải thiện đời sống tinh thần, giúp đỡ những người xung quanh.
Nếu gặp vấn đề tâm lý không thể phòng tránh, bạn lại cần những giải pháp trị liệu chuyên nghiệp hơn.
- Tìm kiếm chuyên gia, địa chỉ uy tín là thao tác đầu tiên. Bên cạnh việc kiểm tra chứng chỉ, thông tin về quá trình điều trị thực tế, bạn cũng có thể đưa ra lựa chọn dựa trên lời khuyên, giới thiệu của những người gặp vấn đề tương tự xung quanh.
- Nếu vấn đề không quá nặng nề, bạn có thể tìm kiếm lời khuyên, giải pháp tại các diễn đàn chính thống. Tuy nhiên, nếu thực hành phương pháp này, bạn cần có kỹ năng sàng lọc, chỉ thu nhận các thông tin phù hợp.
- Chọn người đồng hành tin cậy cũng là việc cần làm. Đôi khi, bản thân người gặp vấn đề không tự nhận thức được mức độ nghiêm trọng, cần sự giúp đỡ, chỉ ra của người thân, bạn bè.
Nguyên tắc của tư vấn tâm lý là không đưa ra lời khuyên, để các cá nhân tự tìm cách giải quyết vấn đề của bản thân, chỉ đề cập đến những kết quả có thể xảy ra. Vì vậy, quá trình cải thiện sức khỏe tinh thần vẫn phụ thuộc phần lớn vào chính bạn.
Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước
Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.