Bánh mì thanh long: Mới đây, phiên bản bánh mì thanh long vừa xuất hiện tại Việt Nam đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của các tín đồ ẩm thực. Những chiếc bánh mì đặc biệt này được sáng tạo ra với mục đích "giải cứu" thanh long không thể xuất khẩu do ảnh hưởng của virus corona. Ảnh: Normaltus. |
Những nguyên liệu cần có để làm ra một ổ bánh mì thanh long bao gồm bột mì, sữa đặc, sữa bột nguyên kem, bơ, đường, men nở và thịt thanh long ruột đỏ. Sau khi nướng chín, bánh mì sẽ có vỏ ngoài lấm tấm hạt đen, bên trong ruột màu hồng đỏ, khi thưởng thức có mùi thơm nhẹ. Ảnh: Diadiemanuong_hn, saigonese1993. |
Bánh mì vỏ cây: Đây là loại bánh mì truyền thống của người Scandinavia, được chế biến từ vỏ cây thông và bạch dương. Vào những năm mùa màng thất bát đầu thế kỷ 19, người dân Bắc Âu đã dùng vỏ cây khô để nghiền thành bột làm bánh. Loại bánh mì này có vị đắng nhẹ, khi ăn sẽ cảm nhận được mùi gỗ thoang thoảng. Ảnh: Villit.juuret. |
Bánh mì đóng hộp: Từ thế kỉ 17, người dân vùng New England (Mỹ) đã sử dụng món bánh mì nâu như nguồn lương thực thiết yếu hàng ngày. Món ăn này được làm từ lúa mạch đen, bột mì, ngô rồi trộn cùng mật mía và rượu rum sau đó đem hấp cách thuỷ hoặc nướng giòn. Vào những năm 1920-1930, một công ty chuyên sản xuất thực phẩm đóng hộp đã cho món bánh mì này vào trong lon để việc thưởng thức chúng được tiện lợi hơn. Ảnh: Bea.boulangerie. |
Bánh mì bện là loại bánh khá phổ biến ở các nước như Thụy Sĩ, Áo, Đức... Món ăn này được làm từ bột mì, sữa, trứng, bơ và men nở. Bột bánh sau khi nhồi xong sẽ được bện lại thành từng thớ trông như tóc phụ nữ. Ngày nay, người Thuỵ Sĩ thường sử dụng bánh mì bện để ăn kèm với bơ, phô mát, thịt nguội hoặc các loại mứt trái cây. Ảnh: Jea.ruh, monikaportner. |
Bánh mì em bé: Ở một số quốc gia Nam Mỹ, người ta thường làm những chiếc bánh cuộn ngọt có tạo hình trông giống em bé để tưởng nhớ những người quá cố trong các dịp lễ hội quan trọng. Món bánh này có nhân bao gồm quế, nho khô vàng, kẹo trái cây và hoa hồ. Ảnh: Thecreativecaterer, capulicakery. |