![]() |
Viêm dạ dày là tình trạng bệnh lý liên quan dạ dày phổ biến rất nhiều người gặp phải. Ảnh minh họa: DigestivehealthUK. |
Viêm dạ dày, tình trạng đặc trưng bởi tình trạng viêm niêm mạc dạ dày, là vấn đề phổ biến về đường tiêu hóa ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn cầu. Mặc dù thường bị coi là tình trạng khó chịu ở dạ dày, viêm dạ dày không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm loét và các vấn đề tiêu hóa mạn tính.
Nguyên nhân phổ biến
Chia sẻ với OnlyMyHealth, TS Roohi Pirzada, bác sĩ tư vấn, chuyên khoa tiêu hóa ở Mumbai (Ấn Độ), cho biết viêm dạ dày có thể xuất phát từ nhiều yếu tố. Trong số các nguyên nhân hàng đầu là việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, naproxen và aspirin.
"Thuốc NSAID chỉ nên dùng trong trường hợp khẩn cấp. Sử dụng kéo dài các loại thuốc này có thể làm mòn niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm và khó chịu", TS Pirzada khuyên.
Một tác nhân quan trọng khác là vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori). "Nhiễm trùng H. pylori chủ yếu là nguyên nhân gây loét dạ dày và tá tràng", TS Pirzada lưu ý. Nhiễm trùng do vi khuẩn này thường không được phát hiện và có thể dẫn đến viêm dạ dày mạn tính nếu không được điều trị.
Các yếu tố lối sống và thói quen ăn uống cũng đóng vai trò then chốt. Tiêu thụ quá nhiều rượu là một tác nhân phổ biến dẫn đến viêm dạ dày do rượu. Căng thẳng, đặc biệt là sau một căn bệnh mạn tính hoặc phẫu thuật, là yếu tố khác có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm dạ dày.
"Căng thẳng, đặc biệt là sau một căn bệnh mạn tính hoặc phẫu thuật, có thể dẫn đến viêm dạ dày", chuyên gia tiêu hóa nói thêm.
Bên cạnh đó, thói quen ăn uống đóng vai trò quan trọng trong quá trình khởi phát viêm dạ dày. Thực phẩm có nhiều gia vị, dầu hoặc axit, chẳng hạn cam quýt và thực phẩm chua, có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày.
Viêm dạ dày mạn tính cũng phát triển do các bệnh tự miễn hoặc rối loạn viêm, làm suy yếu khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày của cơ thể.
Mẹo phòng ngừa viêm dạ dày
Việc áp dụng những thay đổi về lối sống và điều chỉnh chế độ ăn uống làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày. TS Pirzada nêu bật một số mẹo phòng ngừa hữu ích:
- Kiểm soát căng thẳng: Kết hợp các hoạt động giải tỏa căng thẳng như yoga và tập thể dục thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa viêm dạ dày.
- Tránh các tác nhân gây bệnh: Tránh xa caffeine, rượu, thuốc lá và đồ ăn vặt là điều cần thiết. Thực phẩm nhiều gia vị và nhiều dầu mỡ cũng nên hạn chế.
- Giữ đủ nước: Uống đủ nước rất quan trọng cho quá trình tiêu hóa và giảm axit, duy trì sức khỏe dạ dày.
- Ăn nhiều bữa nhỏ, thường xuyên: Ăn các bữa nhỏ hơn theo khoảng thời gian đều đặn giúp dạ dày không bị quá chua.
- Chế độ ăn nhiều chất xơ: Bao gồm thực phẩm giàu chất xơ trong chế độ ăn uống giúp tiêu hóa và giữ cho niêm mạc dạ dày khỏe mạnh. Duy trì khoảng cách 3 giờ giữa bữa tối và giờ đi ngủ cũng thúc đẩy tiêu hóa tốt hơn và giảm thiểu các triệu chứng viêm dạ dày.
- Sử dụng NSAID hạn chế: Hạn chế sử dụng NSAID trong trường hợp khẩn cấp.
Bệnh của thời thức ăn tiện lợi
Qua 400 trang sách, bác sĩ Robert H.Lustig đã chỉ ra nguy cơ các bệnh con người có thể mắc phải trong bối cảnh thực ăn nhanh, đồ đóng hộp lên ngôi. Trong đó, Lustig nhấn mạnh rằng, thực phẩm tiện lợi được sản xuất hàng loạt chính là sát thủ âm thầm.
Cuốn sách Bệnh của thời thức ăn tiện lợi giải thích nguyên nhân gây ra tất cả bệnh mạn tính, cách thực phẩm tiện lợi đã tác động đến chúng dẫn đến tổn hại cho sức khỏe, nền kinh tế và môi trường, từ đó đề xuất giải pháp để chữa lành cho con người.