Càng cận kề những ngày thi, chị Lê Nguyễn Ngân Hà (35 tuổi, quận Bình Thạnh) gấp rút tìm kiếm một gia sư về kèm thêm cho con gái lớp 4. Gần một nửa thời gian của 3 năm học qua, con chị Hà phải học trực tuyến khiến việc tiếp thu kiến thức của cô bé có phần khó khăn hơn.
Khối lượng kiến thức và bài tập của học sinh cấp 1 không quá nặng, nhưng bé Chip (con chị Hà) vẫn mất khá nhiều thời gian để theo kịp. Việc thay đổi hình thức học liên tục cũng khiến tâm trạng của bé lên xuống thất thường.
“Chip thích đi học lắm, con vẫn mê được gặp bạn bè. Tôi cũng muốn con được đến trường đều đặn, có cô giáo kèm cặp, câu hỏi khó là được giải đáp luôn. Học online dù quen đi chăng nữa thì cũng không có không khí học tập”, chị Hà bày tỏ.
Học online tưởng chừng đã trở nên quá quen thuộc với hầu hết học sinh sau khi phải đối mặt với những đợt dịch căng thẳng, song với các phụ huynh việc con đến trường mới là phương án tốt nhất.
Nhiều người gặp khó khi phải giúp con theo kịp bài vở, chưa kể các cha mẹ cũng không an tâm khi con dành quá nhiều thời gian với máy tính, điện thoại, dù là phục vụ việc học.
Mệt mỏi vì phải “rượt đuổi” kiến thức
Bé Chip, con chị Ngân Hà, đang gặp khó vì những bài toán phân số. Các phép tính nhân chia phân số thì đơn giản nhưng bài tập cộng trừ, quy đồng phân số lúc nào cũng khiến Chip "đau đầu". Sau mỗi bài học có hàng loạt tiết ôn tập, đôi lúc, bé vẫn gặp khó khăn khi thực hiện.
Bé Chip (con chị Hà) không theo kịp bài vở trên lớp vì khi học online. Ảnh: NVCC. |
Chị Hà và chồng sau nhiều lần giúp con nhưng bé không hiểu đã phải “đầu hàng”. Chị tìm đến gia sư để mong con rèn luyện tính toán, ôn tập một số kiến thức còn thiếu hụt do những ngày học trực tuyến chưa theo kịp.
“Dạy con học đúng là công việc rất căng thẳng, nhiều lúc giảng đi giảng lại cháu vẫn không hiểu. Chồng tôi bảo do chúng tôi không có kỹ năng sư phạm, thế là phải nhờ đến gia sư”, chị Hà cho hay.
Người phụ nữ này rất trông đợi đến ngày học sinh cấp 1 được tiêm vaccine. Điều này đồng nghĩa các lớp sẽ trở lại bình thường, không phải liên tục thay đổi hình thức như hiện nay.
Chị Vũ Quỳnh (43 tuổi, quận 7) phải tìm thêm chỗ học thêm Hóa cho con gái lớp 8. Vì lần đầu tiên tiếp xúc với môn học này, lại phải học trực tuyến đến sau Tết, con gái chị Quỳnh gặp nhiều khó khăn.
“Việc học thuộc lòng tính chất thì dễ, nhưng khi làm bài tập thì con chia sẻ vẫn còn lơ mơ. Con rất sợ năm sau là cuối cấp, không theo kịp bạn bè thì lại không đậu vào trường mong muốn”, chị Quỳnh bày tỏ.
Bà mẹ một con chia sẻ vì e ngại dịch bệnh, cô giáo dạy thêm cũng muốn duy trì lớp online. Tuy nhiên, các con lại xin được đến học, vừa có thể gặp gỡ bạn bè và việc tiếp thu cũng dễ dàng hơn.
“Các con năn nỉ cha mẹ xin cô giáo cho đến nhà học. Con nói học online ở trường đã khó hiểu, giờ học thêm cũng online thì đâu khác gì, tôi thấy cũng hợp lý. An tâm là vì dịch nên cô giáo nhận lớp chỉ khoảng 4-5 đứa, không quá đông hay chen chúc dù tiền học chắc chắn đắt hơn”.
Những nỗi lo vô hình
Thời gian học online kéo dài, con trai học lớp 7 của chị Đoàn Trúc Linh (39 tuổi, TP Thủ Đức) trở nên lười và có phần mê chơi games hơn trước. Chị Linh không muốn con thiếu hụt vận động đã đăng ký cho cậu bé vào lớp bơi và học võ vào dịp cuối tuần.
“Từ lúc chuyển qua học online là con ôm máy tính bảng suốt ngày. Lớp phải học trực tuyến vì có bạn F0 thì con tôi hào hứng lắm vì mỗi sáng sẽ ngủ nướng thêm được 45 phút”, chị Linh phàn nàn.
Tuy biết để con ở nhà học với laptop hay máy tính bảng, cậu bé sẽ dành nhiều thời giờ để chơi điện tử, song vì bận rộn công việc, đi làm đến chiều tối mới về, chị Linh và chồng không thể theo sát mọi hoạt động học tập của con.
Trẻ dành quá nhiều thời gian lên mạng khiến bố mẹ lo lắng. Ảnh: The Straits Times. |
Ngoài giờ học chị yêu cầu con ra phòng khách ngồi vì khu vực có camera, còn mỗi khi hết tiết, con trai chị sẽ vào phòng để chơi hay “làm gì chẳng biết”. Người phụ nữ này lo lắng hình thức học không ổn định sẽ khiến trẻ mệt mỏi, khó duy trì được thói quen học tập lành mạnh.
Đưa con đi bơi và học võ cuối tuần cũng chỉ là phương pháp chị Linh “chữa cháy” tạm thời tách cậu bé ra khỏi màn hình máy tính. Chị băn khoăn nếu ép quá mức, sẽ đến lúc con hình thành tư duy phản kháng hoặc tệ hơn là nói dối cha mẹ.
Việc con trẻ dành thời gian lên Internet quá nhiều cũng khiến cha mẹ chúng lo lắng con sẽ tìm đến các kênh độc hại. Tính tò mò vốn có của trẻ có thể đưa chúng tiếp xúc những thông tin thiếu lành mạnh mà không cha mẹ nào mong muốn.
Chia sẻ cách giới hạn thời gian cho con chơi máy tính, anh Brian Nguyễn (37 tuổi, TP Thủ Đức) cho hay bản thân mình đã giúp con lên thời gian biểu để làm các việc trong ngày. Trong đó, ngoài lúc học, con gái của anh sẽ chỉ dành một giờ để chơi máy tính, còn lại thời gian sẽ để đọc sách, trồng cây và vui chơi ngoài trời.
“Tôi khá nghiêm khắc, mẹ của bé cũng đồng ý với phương pháp quy củ này nên con cũng tuân thủ theo. Tất nhiên là đứa trẻ nào cũng háo hức với công nghệ nhưng nếu cha mẹ tạo được hứng thú cho con với sách vở hay thể thao cũng là cách hay kéo các con ra khỏi máy tính, điện thoại”, ông bố này bày tỏ.