Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ YouTuber rao giảng cách 'kiếm tiền trên Tinder'

Các video rao giảng lối sống độc hại, núp dưới cái mác kể lại trải nghiệm cá nhân hay đưa lời khuyên, bị ví như "liều thuốc độc" ngấm dần vào suy nghĩ của người trẻ.

“Mình nhớ là có một lần hẹn gặp một người ở quán cà phê và người đấy có nhắn tin là ‘Anh ra muộn một lúc, em có thể chờ anh được không’. Mình mới nói là nếu anh ra muộn thì em sẽ tính tiền, cứ 1 phút em tính 100.000 đồng. Cuối cùng, người đấy ra muộn 30 phút và đưa cho mình 3 triệu đồng”.

Những chia sẻ của một nữ YouTuber tên @queen.kimmie trong video có tiêu đề “Những lần mình kiếm tiền trên Tinder” đang gây tranh cãi trên mạng.

Trong clip kéo dài 10 phút, cô gái này lần lượt chia sẻ nhiều cách mình dùng để “bỏ túi” trong những lần đi hẹn hò với nam giới, từ đồ ăn được cung cấp miễn phí, vài trăm nghìn tiền di chuyển bằng xe công nghệ hay "thù lao" tán các cô gái khác hộ bạn hẹn, cho đến vài triệu đồng tiền "phạt" đối phương đến muộn.

kiem tien tu Tinder anh 1

Nữ YouTuber bị chỉ trích vì khẳng định mình đã xoay xở đủ cách để trang trải cho cuộc sống ở thành phố lớn nhờ những mánh khóe khi hẹn hò và để đối phương trả chi phí và cho mình thêm tiền.

“Không có nhan sắc, không có bằng cấp, mình phải dùng đến não thôi. Mình chỉ có thể dùng vận động hết tất cả cái gì mình có khả năng để kiếm tiền. Vì mình phải sống mà đúng không? Mình không thể nào mà không cần tiền được” là lý do mà chủ kênh đưa ra khi chọn "kiếm tiền" theo hình thức này.

Cũng ở kênh này, người xem có thể tìm ra các video khác như "Mình bịa CV để đi xin việc thế nào?", "Mình leo đến vị trí này từ đâu", "Mình không sinh ra để đi làm !!! Bạn cũng thế".

Cổ vũ lối sống độc hại

Trên các nền tảng video như YouTube, TikTok, không khó để bắt gặp các video có nội dung là đưa ra lời khuyên để người xem "có cuộc sống tốt hơn". Các chủ đề vốn rất đa dạng: từ làm giàu và tự chủ tài chính, phương pháp làm đẹp, giữ vóc dáng thon gọn cho đến cải thiện đời sống tình cảm nhờ dạy cách tán tỉnh người khác giới và duy trì mối quan hệ.

Chủ nhân của các clip này thường nói về quan điểm dựa trên suy nghĩ, kinh nghiệm cá nhân từng trải qua, với mục đích kể lại trải nghiệm hoặc truyền cảm hứng cho người theo dõi.

Ví dụ, nếu bạn đang buồn bã chuyện tình cảm hoặc bế tắc sự nghiệp, những clip mà YouTuber, TikToker nói về cách họ vượt qua nỗi đau, từng thất bại ra sao có khả năng xoa dịu hoặc tiếp thêm động lực.

Còn nếu trong trường hợp đang không biết xử lý tình huống hay thực hiện mong muốn, các video nói về 'tip thành công", "mình đã làm được điều đó thế nào" lại là một cách để người theo dõi học hỏi, bắt chước theo.

Tuy nhiên, khi đầy rẫy người dùng làm kiểu nội dung này, các lời khuyên trở nên nhiều vô số và đồng thời, "thượng vàng hạ cám" theo.

Khi hàng loạt luồng thông tin, trào lưu trái ngược nhau xuất hiện liên tục trên YouTube, Instagram và TikTok, người xem bỗng bối rối, không biết đâu là thứ mình nên học theo, hoặc cần chống lại. Trong trường hợp xấu, chúng có thể làm lệch lạc suy nghĩ của người xem, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống ngoài đời thực của họ.

kiem tien tu Tinder anh 2

Cựu võ sĩ kickboxing thu hút người xem và kiếm được nhiều triệu USD nhờ tư tưởng nam giới thống trị, song song là xây dựng hình tượng người đàn ông bóng bẩy, giàu có và nhiều cô gái vây quanh. Ảnh: Insider.

Cựu võ sĩ kickboxing Andrew Tate gắn với biệt danh "kẻ nguy hiểm nhất TikTok" vì truyền bá tư tưởng nam giới độc hại như đàn ông có quyền thống trị tuyệt đối, song song với đó là quan điểm lệch lạc như phụ nữ là tài sản của đàn ông hay các nạn nhân bị hiếp dâm phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Nỗi lo tư tưởng của Andrew Tate tẩy não một thế hệ càng lớn hơn khi ngoài những video ngắn trên nền tảng, Tate còn tiếp tục mở chương trình đăng ký video trả phí và các lớp học ngoài đời thực, nơi Tate gọi là "đại học huấn luyện đàn ông đích thực" và thu hút đông nam thanh, thiếu niên trẻ tuổi đăng ký.

Ở trong trường hợp của nữ YouTuber K., tác hại từ những lời kể của cô nàng không chỉ dừng ở mức khuyến khích lối sống thực dụng, dựa dẫm vào cả người lạ mà còn gây cái nhìn lệch chuẩn về việc chuyện hẹn hò, tình cảm, khi biến động cơ của mỗi buổi gặp mặt là "có một ít tiền mang về", thay vì nhu cầu tìm hiểu ai đó.

Lời khuyên này chỉ là một trong số rất nhiều lời khuyên cổ súy kiểu tình yêu độc hại xuất hiện trên các nền tảng video. Các clip hướng dẫn cách ghosting (quan tâm rồi đột ngột bỏ rơi đối phương) trong mối quan hệ hay gợi ý cách tìm tình một đêm thu về hàng triệu lượt lớn. Xu hướng hẹn hò #staytoxic (tạm dịch: duy trì sự độc hại) còn khuyến khích giới trẻ thu hút sự chú ý của đối phương bằng các hành vi có tính lôi kéo, thao túng tâm lý.

Nội dung đầu độc giới trẻ

Với đối tượng người dùng chủ yếu của các nền tảng mạng xã hội hiện nay là thanh, thiếu niên, mối lo thế hệ trẻ bị nhiễm các tư tưởng xấu khi "lướt" mạng là vốn là điều đã được cảnh báo từ lâu.

Thực tế, những clip đưa ra lời khuyên về học hành, chuyện tình cảm, gây dựng sự nghiệp vốn hướng đến đối tượng người xem là nhóm tuổi trẻ hơn. Họ là những người chưa trải qua hoặc chuẩn bị bước vào giai đoạn đó của cuộc đời, hoặc đã trải qua nhưng còn thiếu kinh nghiệm và muốn tìm đến những ai đi trước để được cố vấn.

kiem tien tu Tinder anh 3

Các lời khuyên "thượng vàng hạ cám" trên TikTok, YouTube kéo theo mối lo người trẻ tuổi dễ bị lệch lạc suy nghĩ, đi theo những quan điểm sống trái đạo đức. Ảnh: Insider.

Theo tiến sĩ Bridianne O'Dea, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Black Dog ở Australia chuyên về sức khỏe tâm thần trong nhiều giai đoạn của cuộc đời, tuổi vị thành niên là thời điểm quan trọng để phát triển các mối quan hệ.

“Những người trẻ tuổi đang ở giai đoạn phát triển và tâm trí dễ bị tổn thương, khi khả năng đánh giá thông tin của nhóm tuổi này khác với những người đã trưởng thành”, O'Dea đánh giá.

Do đó, các bài đăng, hình ảnh hay video trên mạng tán dương hành vi độc hại đặc biệt đáng lo ngại giữa người làm nội dung và người dùng trên mạng xã hội vì mối quan hệ tương tác cận xã hội (parasocial relationship).

“Mối quan hệ cận này là nơi mọi người bắt đầu xây dựng mối liên hệ với những người mà họ đang theo dõi. Nếu những người trẻ tuổi tập trung theo dõi một số người nhất định trên Instagram, TikTok, YouTube, họ sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi nội dung đó hơn vì đã phát triển sợi dây liên kết với người họ hứng thú, dù bên kia không biết họ là ai", nữ tiến sĩ đánh giá.

Còn theo tiến sĩ Caroline Wilson-Barnao, giảng viên Khoa Truyền thông và Nghệ thuật của Đại học Queensland (Australia) nói rằng các clip chia sẻ lối sống, kinh nghiệm độc hại càng đáng lo ngại hơn trong trường hợp sức khỏe tinh thần của người xem ở mức thấp.

“Một trong những lý do khiến vấn đề trở nên rắc rối là do 'các vòng xoắn ốc tăng cường', tức là khi bạn suy nghĩ theo lối tư tưởng nào, bạn có xu hướng tìm kiếm thông tin củng cố suy nghĩ đó. Trong khi đó, thuật toán của nền tảng dễ nắm bắt được 'khẩu vị' của người dùng và mau chóng gợi ý những nội dung tương tự”, cô nói.

Trò đùa quấy rối khi gọi CEO TikTok là 'daddy'

Nam giới trưởng thành, có ngoại hình thường được đặt biệt danh là "daddy". Trong tiếng lóng, từ này mang nghĩa nhạy cảm, liên quan đến hành vi tình dục nhiều hơn.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm