Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới không có trường chuyên, lớp chọn

"Một số chính trị gia Phần Lan từng đề xuất có trường chuyên đào tạo năng khiếu cho học sinh. Tuy nhiên, nhiều người làm giáo dục không ủng hộ ý kiến này", bà Seija Nyholm nói.

truong chuyen lop chon anh 1

Trường chuyên và đào tạo học sinh giỏi không chỉ là câu chuyện tại Việt Nam. Tại quốc gia được đánh giá nền giáo dục phổ thông tốt nhất thế giới như Phần Lan, chủ đề này cũng được nhiều lần nhắc đến.

Bà Seija Nyholm, tốt nghiệp ngành Văn học, ĐH Yale, Mỹ, là chuyên gia giáo dục Phần Lan, đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam (trong vai trò hiệu trưởng trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan) chia sẻ góc nhìn về vấn đề này.

Người lớn đừng bắt con sống cho ước mơ của mình

- Phần Lan có nền giáo dục phổ thông tốt. Những "hạt giống tốt" có được đào tạo trong môi trường chuyên, năng khiếu để tạo nên nền giáo dục tốt?

- Tôi xin trích dẫn ý kiến của GS Kari Uusikylä, chuyên gia nổi tiếng tại Phần Lan với những nghiên cứu về tài năng, năng khiếu, để trả lời cho vấn đề này.

Trong cuốn sách vừa xuất bản, ông viết: “Khi chọn sở thích và hào hứng, trẻ có nhiều khả năng sẽ trở nên đặc biệt tài năng, có thể là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đó. Cha mẹ, giáo viên không nên ép trẻ học khi thiếu sự hứng thú, vì điều này có thể che đậy cảm xúc, sáng tạo và niềm vui”.

Ông cũng cho rằng tài năng phát triển tốt nhất trong môi trường an toàn có thể hỗ trợ cảm giác tích cực về bản thân. Một đứa trẻ tài năng sẽ trở thành người lớn bằng cách học, tập luyện kỹ năng mà mình cảm thấy hứng thú nhất. Điều quan trọng, chúng ta công nhận mỗi đứa trẻ đều khác biệt, xứng đáng với nền giáo dục phù hợp.

GS Uusikylä lấy ví dụ về bóng đá để minh họa cho vấn đề về niềm tin về tài năng. Ông lớn lên và chơi bóng đá vào những năm 1950. Lúc đó, ai cũng được chơi nhưng không có người giám sát để khám phá tài năng trẻ.

Tất nhiên, ai cũng có thể thấy một số cầu thủ có đam mê và chơi tốt hơn, nhưng tất cả đều chơi và phát triển theo cách riêng của mình.

Ngày nay, cầu thủ trẻ phải chịu áp lực rất lớn từ nhỏ. Điều này hủy hoại niềm vui của họ, hạn chế sự phát triển. Nhiều người đã không vượt qua được và bỏ cuộc.

Theo ông Uusikylä, người lớn không hiểu tâm lý, đã đòi hỏi trẻ quá nhiều và sớm. Chỉ vài người trong số chúng ta thực sự tài năng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa mỗi đứa trẻ không thể phát triển trí tuệ và sức mạnh của mình để trở thành người thành công và hạnh phúc trong tương lai.

- Làm thế nào để cha mẹ phát hiện thiên hướng của con sớm để hỗ trợ tối đa?

- Một số học sinh có xu hướng thiên về hoạt động nào đó từ rất sớm. Ví dụ, các em thấy toán học ở khắp nơi, từ việc đếm bậc cầu thang đến nhận diện hình khối các vật thể.

Có thể trẻ thích sáng tác câu chuyện, khi biết viết, các em muốn xây dựng blog, xuất bản tạp chí và sách. Một số rất đam mê âm nhạc, có thể hát cả ngày hoặc chơi nhạc cụ hàng giờ.

Có những em rất hiếu kỳ về các thiết bị điện tử, sẽ gỡ thiết bị trong gia đình ra để tìm hiểu. Có em rất thích hoạt động thể chất, chạy nhảy hoặc chơi thể thao cả ngày.

Dù là sở thích gì, phụ huynh đều cần khuyến khích học sinh. Thông thường, các em thay đổi sở thích theo thời gian, nhưng một số sẽ trở thành niềm đam mê và sự nghiệp cả đời.

Người lớn đừng bắt con cái sống những giấc mơ của bạn. Hãy để trẻ khám phá và lớn lên như một cá thể độc đáo và duy nhất.

truong chuyen lop chon anh 2

Phần Lan không có trường chuyên, lớp chọn, môi trường giáo dục hướng đến giúp học sinh phát triển tối đa khả năng của mình. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh.

Giáo dục Phần Lan có quên học sinh giỏi?

- Tại sao Phần Lan lại không có trường chuyên lớp chọn như nhiều nước trên thế giới?

- Một số chính trị gia tại Phần Lan từng chỉ trích rằng giáo dục đang quên mất học sinh giỏi, chỉ tập trung hỗ trợ học sinh yếu, phát triển thành những thành viên hạnh phúc và hiệu quả của xã hội.

Họ từng đề xuất nên có trường chuyên đào tạo năng khiếu cho học sinh. Tuy nhiên, nhiều người làm giáo dục tại Phần Lan không ủng hộ ý kiến này.

- Mô hình đó liệu có bỏ qua cơ hội giúp những "hạt giống tốt" trở thành tài năng không?

Không có mô hình trường chuyên, lớp chọn, không có nghĩa chúng tôi phớt lờ nhu cầu học tập chuyên sâu và đặc biệt của học sinh.

Tại Phần Lan, giáo dục chuyên thường diễn ra vào lớp 9 hoặc lớp 10, khi học sinh quyết định tiếp tục học chữ hay chuyển sang học nghề.

Một số trường, đặc biệt tại các thành phố lớn như thủ đô Helsinki, thu hút học sinh bằng cách dạy chuyên sâu một số môn học nào đó, như âm nhạc, thể chất, toán, khoa học, nghệ thuật, xã hội hoặc ngoại ngữ.

Có những trường dạy Chương trình Tú tài Quốc tế (IB) vào năm 11 và 12, rất hấp dẫn đối với học sinh giỏi.

Trường dạy nghề thu hút, là sự lựa chọn phổ biến đối với những học sinh có mong muốn khởi nghiệp từ tuổi 15, khi đã biết chắc nghề nghiệp mình theo đuổi.

Hệ thống giáo dục linh hoạt, có thể chuyển đổi từ học nghề qua học thuật hoặc ngược lại một cách đơn giản. Thậm chí, học sinh có thể tốt nghiệp phổ thông với cả bằng học nghề lẫn học thuật.

Bộ giáo dục và Văn hóa Phần Lan cho phép một trường trung học phổ thông dạy chuyên sâu một số môn cụ thể bằng cách tăng giờ học bắt buộc.

Rất nhiều trong số trường trung học phổ thông này có hai hay thậm chí ba chương trình bình thường và chuyên biệt. Học sinh cả hai chương trình có thể học chung cùng lớp ở một số khóa học nhưng tiêu chuẩn tốt nghiệp khác nhau.

Tại trường trung học phổ thông, học sinh có nhiều sự lựa chọn môn học bên cạnh các môn bắt buộc.

Một trong những giá trị cốt lõi của trường học là bình đẳng, điều này bao gồm cả học sinh tài năng trong các lớp học. Giáo viên có thể chăm sóc những năng lực và sở thích khác nhau của mỗi học sinh trong mỗi lớp.

Xin đừng quên rằng học sinh học hỏi từ nhau chứ không chỉ từ giáo viên. Trách nhiệm của giáo viên là thiết kế bài học để các loại hình và mức độ học tập khác nhau diễn ra.

Thành công đòi hỏi sự chăm chỉ. Việc chúng ta nhấn mạnh quá nhiều về sự cạnh tranh không có lợi cho sự phát triển năng khiếu của mỗi học sinh.

TS Trần Nam Dũng: 'Nếu không có triết lý, nên bỏ trường chuyên'

TS Trần Nam Dũng nhận định đa số trường chuyên đang phát triển mà không có triết lý và định hướng, chỉ đối phó thụ động với các mục tiêu cấp trên đặt ra.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm