Theo TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), điểm đặc biệt ở trường chuyên là sự tự do trong dạy và học.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đa số trường chuyên đang phát triển mà không có triết lý và định hướng, chỉ đối phó thụ động với các mục tiêu mà cấp trên đặt ra.
Tự do nhưng không "thả cửa"
- Gắn bó với Phổ thông năng khiếu đã nhiều năm nay, ông nhận thấy đâu là điểm đặc biệt, nét riêng của trường?
- Nếu chỉ dùng một từ để mô tả điểm đặc biệt của Phổ thông Năng khiếu, tôi sẽ dùng từ tự do.
TS Trần Nam Dũng khẳng định không cho chuyện "thả cửa" với môn không chuyên tại trường Phổ thông Năng khiếu. Ảnh: NVCC. |
Các thầy cô có thể thoải mái triển khai các cách tiếp cận dạy học của mình, vẫn tuân thủ chương trình nhưng không bị bó buộc, khắt khe.
Học sinh cũng khá tự do trong các lựa chọn của mình. Ý kiến cá nhân được tôn trọng. Trường không có những nội quy, quy định dài dòng, chi tiết.
Một câu nói nổi tiếng được truyền miệng qua rất nhiều các thế hệ học sinh là “Ở Năng khiếu không có nội quy - nội quy ở Năng khiếu là lòng tự trọng”.
Sự thành đạt của cựu học sinh là niềm tự hào lớn lao, cũng là động lực to lớn của các thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên trường Phổ thông Năng khiếu.
Chúng tôi có cựu học sinh làm việc và sinh sống ở khắp thế giới, trong khắp các lĩnh vực. Nói một số liệu nhỏ, chỉ riêng ngành Toán, chúng tôi có đến hơn 30 giáo sư.
Trường tự hào về cựu học sinh còn cựu học sinh, phụ huynh, giáo viên cán bộ nhân viên cũng tự hào về trường. Có thể nói không có áo đồng phục nào được yêu thích hơn áo đồng phục thể dục của trường Phổ thông Năng khiếu.
- Trong suy nghĩ của nhiều người, học sinh trường chuyên, năng khiếu thường học lệch, chỉ giỏi môn chuyên. Những môn khác, thầy cô “thả cửa” để cuối năm có điểm tổng kết cao. Điều này có đúng với Phổ thông Năng khiếu?
- Trường Phổ thông Năng khiếu không có khái niệm chính-phụ. Môn học nào cũng được đối xử như nhau.
Tất nhiên, việc thầy cô ưu ái, nương tay và ra những yêu cầu vừa sức học sinh là phổ biến, nhưng không có chuyện “thả cửa”. Giáo viên không bắt ép học sinh học nhiều, chú trọng thái độ và phương pháp.
Học sinh quen chủ động sẽ hưởng lợi từ môi trường tự do ở trường Phổ thông Năng khiếu. Ảnh minh họa: Tiến Tuấn. |
Cần có nghiên cứu nghiêm túc về trường chuyên
- Theo ông, Phổ thông Năng khiếu có những điểm gì ưu việt hơn những trường khác? Và hạn chế hẳn cũng không ít?
- Ưu điểm lớn nhất chính là tinh thần tự do học thuật. Các thầy cô thỉnh giảng đến từ các trường đại học đã đem đến cho học sinh một phong cách dạy và học rất … đại học, khi mà sự chủ động của học sinh đóng vai trò quan trọng.
Ngay cả các thầy cô cơ hữu, do không quá bị bó buộc bởi chương trình, cũng thỏa sức sáng tạo.
Học sinh Phổ thông Năng khiếu được tự do chọn lựa con đường của mình. Học sinh chuyên Văn có thể dự thi học sinh giỏi Toán và ngược lại.
Học sinh cũng không bị ép phải học đội tuyển để lấy thành tích cho trường. Nhiều em học sinh đoạt giải cao ở năm 11, sang năm 12 muốn tập trung cho mục tiêu khác nên không thi nữa. Nhà trường không có ý kiến.
Tất nhiên cũng có nhiều vấn đề. Vấn đề kỷ luật từ cả phía giáo viên lẫn học sinh đều chưa thật tốt.
Một số giáo viên bỏ giờ quá nhiều, có giáo viên dạy không đủ chương trình, việc đi trễ cũng thường xuyên xảy ra.
Tương tự đối với học sinh. Với nhiều phụ huynh vốn quen với các trường THCS có quy củ, điều này khá sốc.
- Vậy học sinh ở trường được lợi và chịu thiệt gì từ chính những điểm tốt và hạn chế của trường? Nếu được thay đổi để trường tốt hơn, ông sẽ đưa ra những thay đổi nào?
- Học sinh quen chủ động sẽ được hưởng lợi. Ngay cả khi giáo viên bỏ giờ, học sinh chủ động vẫn sẽ tìm cách sử dụng thời gian hợp lý.
Học sinh quen thụ động, ỷ lại sẽ gặp khá nhiều khó khăn trong môi trường Phổ thông năng khiếu.
Phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm. Nhưng khắc phục cũng vừa vừa thôi.
- Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có thật sự cần trường chuyên nữa hay không khi vẫn có nhiều học sinh xuất sắc xuất phát từ các trường thường?
- Tôi nghĩ cần có một sự nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này, có số liệu, có đo lường, có phân tích.
Hiện nay, các ý kiến đa số vẫn ở mức độ khai thác một góc nhìn và có định hướng theo “kết luận sẵn có” trong đầu tác giả.
Bản thân tôi cho rằng đa số trường chuyên đang phát triển mà không có triết lý và định hướng, chỉ đối phó thụ động với các mục tiêu mà cấp trên đặt ra. Nếu thế, đúng là nên bỏ.