Kiêng hoàn toàn chất béo không phải lựa chọn thông minh với bệnh nhân tiểu đường. Ảnh: US Med. |
Không thể phủ định các món ăn chứa nhiều chất béo có nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, nhất là với người bệnh được chẩn đoán đái tháo đường. Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn những nhóm thực phẩm này không phải lựa chọn thông minh. Song song với đó, chế độ dinh dưỡng cân bằng là điều nên được quan tâm hơn cả.
Chất béo vẫn cần thiết
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Yên, chuyên khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), chất béo có nhiều trong dầu, mỡ, các loại thịt và đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể.
Vị chuyên gia khẳng định: “Chất béo cung cấp năng lượng cho tế bào, giúp vận chuyển vitamin tan trong chất béo (A, D, E và K), mang lại cho cơ thể lớp bảo vệ xung quanh những cơ quan quan trọng”.
Mặt khác, chất béo cũng là yếu tố cần thiết trong quá trình sản xuất hormone. Vì vậy, BS Yên nhấn mạnh cơ thể rất cần chất béo được bổ sung trong chế độ ăn uống.
Tuy nhiên, do có tình trạng rối loạn mỡ máu, các bệnh nhân đái tháo đường thường được khuyên hạn chế chất béo xấu như chất béo bão hòa (mỡ bò; mỡ lợn; da gà; sản phẩm từ sữa như bơ, phô mai, kem; các loại dầu dừa, dầu cọ...) và chất béo chuyển hóa (thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chiên, thức ăn nhanh, đồ nướng, bánh ngọt…).
Ngược lại, người bệnh đái tháo đường nên ăn những loại chất béo có lợi, bao gồm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa.
“Nhóm chất béo này giúp cải thiện mức cholesterol trong máu, điều chỉnh lượng đường trong máu, tốt cho hệ tim mạch và bệnh đái tháo đường”, BS Yên cho hay.
Vị chuyên gia nhấn mạnh với những người bệnh đái tháo đường không bị thừa cân, việc kiêng hoàn toàn chất béo sẽ không có lợi cho sức khỏe.
Lựa chọn nguồn chất béo phù hợp
Cũng theo BS Nguyễn Thu Yên, một số nghiên cứu cho thấy hàm lượng chất béo lành mạnh có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách cung cấp các lợi ích chống viêm và chống oxy hóa, từ đó giúp điều chỉnh sự trao đổi chất và phản ứng của cơ thể với insulin.
“Đây là tác động rất có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường”, vị chuyên gia khẳng định.
BS Yên nêu ra một số nguồn thực phẩm chứa chất béo lành mạnh và đã được chứng minh tốt cho người bệnh đái tháo đường bao gồm:
- Các loại cá giàu axit béo omega-3 như: Cá hồi, cá thu, cá tuyết, cá trích, cá mòi… giúp giảm tình trạng viêm và stress oxy hóa, ngăn ngừa sự gián đoạn lượng đường trong máu và kháng insulin.
- Các loại hạt, đặc biệt là hạnh nhân và quả óc chó: Giúp kiểm soát đường huyết bằng cách cải thiện con đường truyền tín hiệu insulin, giải phóng insulin từ các tế bào tuyến tụy để đáp ứng với sự gia tăng glucose trong máu, đồng thời vận chuyển glucose vào cơ bắp.
Hạt hạnh nhân là một trong những nguồn chất béo tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Ảnh minh hoạ: juan_jose_valencia_antia. |
“Các loại hạt cũng là một nguồn cung cấp magie - khoáng chất giúp điều chỉnh khả năng insulin hấp thụ glucose từ máu để giảm lượng đường trong máu”, BS Yên giải thích.
- Quả bơ: Thực phẩm giàu axit béo không bão hòa đơn tương tự các loại hạt, có lợi ích tương tự là cải thiện độ nhạy insulin và hấp thụ glucose để giảm lượng đường trong máu.
Ngoài ra, vị chuyên gia cho hay sữa cũng là nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất và protein thường bị người bệnh đái tháo đường bỏ qua.
Theo đó, người tiểu đường vẫn có thể uống sữa nhưng cần kiểm soát để giữ ổn định đường huyết.
"Một khẩu phần sữa nguyên chất không đường là 250 ml, thường chứa 12 g carbohydrate. Người bệnh đái tháo đường chỉ nên uống 1-2 khẩu phần sữa mỗi ngày", BS Yên chia sẻ.
Vị chuyên gia cũng lưu ý sữa chỉ là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, không có tác dụng chữa bệnh. Người bệnh không cần thiết phải uống sữa nếu chế độ ăn đã đảm bảo đầy đủ chất cần thiết.
Mặt khác, khi lựa chọn loại sữa, người bệnh nên chú ý đọc bảng thành phần trên nhãn thực phẩm để biết về lượng carbohydrate, cholesterol… có chứa trong loại sữa đó.
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.