Sau giai đoạn dịch Covid-19 có chiều hướng giảm dần vào giữa tháng 10. Đến nay, số ca F0 trên toàn quốc bắt đầu tăng trở lại. Tốc độ tiêm vaccine trong giai đoạn này cũng tăng vượt bậc. Tuy nhiên, độ phủ vaccine vẫn còn chênh lệch khá lớn giữa các địa phương.
Dịch phức tạp trở lại ở nhiều địa phương
Trong vòng 5 ngày qua, Hà Nội ghi nhận 779 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó số ca F0 tại cộng đồng qua sàng lọc ho sốt và các ổ dịch mới chiếm tỷ lệ không nhỏ. Đây cũng là giai đoạn Hà Nội có số ca mắc cao nhất kể từ đợt bùng phát dịch lần 4 (ngày 27/4) đến nay.
Trên Bản đồ thông tin dịch tễ, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội đã cập nhật cấp độ dịch tại các quận, huyện trên địa bàn, vùng đỏ (nguy cơ rất cao) ở Hà Nội được xác định là địa phương có hơn 20 ca dương tính lây nhiễm trong cộng đồng được công bố trong vòng 14 ngày so với hiện tại, bao gồm huyện Gia Lâm, Mê Linh, Quốc Oai, Hà Đông, Ba Đình. Vùng đỏ "đậm đặc" nhất được ký hiệu trên bản đồ thuộc quận Hoàng Mai.
Nguồn: CDC Hà Nội. |
Tính từ ngày 29/4 đến nay, thành phố ghi nhận 5.777 ca dương tính, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.202 ca, chiếm khoảng 38% tổng số ca nhiễm.
Số lượng F0 ở TP.HCM đang có xu hướng tăng dần. Toàn thành phố hiện còn duy nhất vùng cam thuộc địa bàn huyện Cần Giờ do sự gia tăng ca bệnh từ lượng công nhân tại khu nhà trọ.
TP.HCM cũng chuẩn bị sẵn các kịch bản, kể cả cho tình huống xấu nhất. Trong tình huống ca nhiễm tăng vượt ngưỡng điều trị, thành phố có thể cân nhắc quay trở lại các biện pháp giãn cách như trước đây.
Dù vậy, TP.HCM hiện là địa phương đạt tỷ lệ phủ vaccine cao nhất cả nước với 99,76% người trên 18 tuổi tiêm mũi 1, 81,02% đạt mũi 2; 95,59% người trên 50 tuổi cũng được tiêm vaccine.
Trong ngày 12/11, Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận thêm 117 ca mắc mới. Ngành y tế đã kích hoạt 4 bệnh viện dã chiến 4 bệnh viện để sẵn sàng điều trị bệnh nhân.
Trong khi đó, số ca nhiễm ở Tây Ninh tiếp tục tăng mạnh (517 ca bệnh trong ngày 12/11, đứng thứ 6 trong 56 địa phương có dịch), hầu hết F0 được phát hiện nhờ xét nghiệm sàng lọc.
Trước tình hình này, Tây Ninh là một trong số ít địa phương chọn giải pháp thành lập trạm y tế lưu động, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà.
Nhiều vùng đỏ tại Tây Nam bộ
Số lượng ca Covid-19 được ghi nhận nhiều nhất ở An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp.
An Giang đã được nâng lên cấp độ 3 - nguy cơ cao trên toàn tỉnh - tương ứng với màu cam. Trong đó, 3 huyện, thành phố có cấp độ 4 - nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ gồm TP Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn và 24 xã khác.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang. |
An Giang cũng đạt tốc độ tiêm chủng khá cao. Hiện tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm một mũi vaccine tại tỉnh này là 95,73%. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm 2 mũi mới chỉ đạt 48,51%.
Hôm qua, UBND tỉnh đã phát đi thông báo tiếp tục tăng cường biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát sự lây lan và thích ứng an toàn với Covid-19. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý trong đợt bùng phát ở An Giang nhiều ngày qua là số ca F0 tại cộng đồng ở mức khá cao.
Tiền Giang tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới tại các chùm lây nhiễm đang diễn tiến, khu vực đã phong tỏa. Sở Y tế tỉnh nhận định dịch trên địa bàn có chiều hướng diễn biến phức tạp, xuất hiện ổ dịch lớn với nhiều ca mắc. Hiện TP Mỹ Tho được đánh giá có cấp độ dịch nguy cơ cao (cấp độ 3).
Bình quân mỗi ngày, tỉnh Kiên Giang phát sinh thêm 200-400 ca bệnh mới. Dù toàn tỉnh hiện vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình), song có đến 4 huyện ở mức cấp độ 3 (Hòn Đất, TP Rạch Giá, Châu Thành) và một khu vực cấp độ 4 (phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá).
Số ca mắc Covid-19 tại 13 tỉnh, thành phố Tây Nam bộ trong ngày 12/11 | |||||||||||||||
Nguồn: Bộ Y tế. | |||||||||||||||
Nhãn | Long An | An Giang | Tiền Giang | Kiên Giang | Đồng Tháp | Sóc Trăng | Vĩnh Long | Cà Mau | Bạc Liêu | Cần Thơ | Hậu Giang | Trà Vĩnh | Bến Tre | ||
Số lượng F0 | ca nhiễm | 110 | 661 | 634 | 403 | 383 | 298 | 284 | 258 | 252 | 178 | 101 | 85 | 84 |
Lãnh đạo tỉnh nhìn nhận định thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục còn rất phức tạp. Kiên Giang đã thiết lập 2 vùng cách ly y tế trên địa bàn huyện U Minh Thượng tối thiểu 14 ngày để xử lý triệt để ổ dịch.
Đồng Tháp cũng ghi nhận số lượng F0 tăng mạnh. Tuy nhiên việc cách ly, điều trị F0 tại nhà trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thông qua. Toàn tỉnh thuộc cấp độ 2 và có một huyện đang ở thuộc cấp 3 (huyện Châu Thành).
Tính đến ngày 12/11, tỉnh đã tiêm được 1.770.923 liều, tiêm mũi 1 là 1.076.760 liều, đạt 79,33% dân số tỉnh; tiêm mũi 2: 694.163 liều, đạt 51,14% dân số tỉnh.
47% dân số tiêm đủ 2 liều vaccine
Trong bối cảnh dịch Covid-19 càng càng lan rộng, các địa phương cũng ráo riết đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng bệnh.
Trong ngày 11/11, Việt Nam có thêm 1.000.048 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vacicne đã được tiêm là 96.557.452 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 63.682.168 liều, tiêm mũi 2 là 32.875.284 liều.
Dữ liệu tiêm theo ngày được công bố trên Cổng thông tin tiêm chủng, có thời điểm Việt Nam vượt mốc 2 triệu mũi vaccine/ngày. Từ đầu tháng 11, số lượng mũi vaccine được tiêm trong 24 ngày luôn đạt mốc trên 1 triệu mũi/ngày.
10 địa phương có tỷ lệ tiêm cao nhất (dựa trên số mũi tiêm/số vaccine được phân bổ): Cà Mau, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Kon Tum, Sơn La, Quảng Ninh và Khánh Hòa.
10 địa phương có tỷ lệ tiêm thấp nhất (dựa trên số mũi tiêm/số vaccine được phân bổ): Cần Thơ, Bắc Kạn, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Bình, Vĩnh Long, Bình Dương, Hưng Yên, Quảng Nam, Trà Vinh.
Trong phiên trả lời trực tiếp chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đến ngày 11/11, Việt Nam nhập khẩu được 135 triệu liều vaccine, tiêm được 96 triệu liều. Dự kiến trong tháng 11 và tháng 12 năm nay, chúng ta tiếp tục nhập khẩu khoảng 85,1 triệu liều vaccine, trong đó có vaccine cho trẻ em.
Thủ tướng nêu yêu cầu phấn đấu đến hết năm 2021, tỷ lệ tiêm 2 mũi ở Việt Nam đạt tỷ lệ bao phủ 100% cho các đối tượng cần thiết theo quy định.