Ngày 23/3, MXH châu Á liên tục chia sẻ hình ảnh một người đàn ông đeo khẩu trang, đứng ở cổng, chăm chú nhìn về phía hiên nhà, nơi 2 đứa trẻ đang đứng. Đi kèm khoảnh khắc này là câu chuyện về bác sĩ Hadio Ali - nhà thần kinh học tại Bệnh viện Premier Bintaro (Indonesia) vừa qua đời hôm 22/3 vì nhiễm Covid-19.
Tài khoản Birgaldo Sinaga, người đầu tiên đưa ảnh này lên mạng, nói rằng đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng của bác sĩ quá cố với 2 con nhỏ và người vợ đang mang thai. Trước đó, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở Jakarta, Hadio không may nhiễm bệnh.
Sau khi được cách ly tại một bệnh viện, nỗi nhớ vợ con khiến anh không thể chịu đựng nổi và xin phép về thăm nhà. Bác sĩ biết mình không thể lại gần vợ con nên chỉ dám đứng từ cổng nhìn vào.
“Trong 5 phút, bố, mẹ và hai con nhìn nhau. Không có âm thanh nào được phát ra. Chỉ có những đôi mắt trò chuyện với nhau”.
Trong khi 2 đứa trẻ vui mừng vì đã từ lâu chưa được gặp bố, vợ anh “có linh cảm nên đã lấy điện thoại ra chụp bức ảnh. Và đây là giây phút hội ngộ cuối cùng của họ”, Birgaldo Sinaga khẳng định.
Câu chuyện không đúng sự thật về bác sĩ Indonesia vừa qua đời vì Covid-19 được dân mạng lan truyền qua tin nhắn WhatsApp mà không kiểm chứng. Ảnh: FB. |
Câu chuyện này nhanh chóng lan truyền rộng rãi trên MXH Indonesia qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp. Sau đó, cộng đồng mạng ở một số quốc gia châu Á như Việt Nam, Thái Lan cũng chia sẻ.
Tuy nhiên, câu chuyện xúc động này không phải là sự thật.
Thực tế, bức ảnh gốc được tài khoản Ahmad Effendy Zailanudin (đến từ Malaysia) đăng tải trên trang cá nhân hôm 21/3.
Chủ nhân hình ảnh cho biết người đàn ông áo đỏ trong ảnh là anh họ của mình và là một bác sĩ. Người này cũng đang tham gia chống dịch Covid-19.
“Anh tôi sức khỏe rất tốt, không bị nhiễm bệnh và vẫn đang tiếp tục chăm sóc bệnh nhân. Thời điểm đó, quá nhớ con nên anh ấy phải gặp chúng từ xa. Là một người cha, tôi rất xúc động khi chứng kiến khoảnh khắc này", người này cho biết.
Ngày 24/3, hàng loạt tờ báo, trang tin tức của Indonesia như Tempo, Tribun-Timur, Kompas.tv, Jatimtimes đã đưa tin đính chính về sự việc.
Bức ảnh gốc được tài khoản Ahmad Effendy Zailanudin đăng tải hôm 21/3. |
Tác giả bức ảnh gốc sau đó cũng dẫn link tờ báo Indonesia trên trang cá nhân và gửi lời cảm ơn vì đã giúp anh đính chính sự thật.
Birgaldo Sinaga - người tạo ra câu chuyện “Khoảnh khắc cuối cùng của bác sĩ Hadio” - sau đó đã lên tiếng xin lỗi vì sử dụng bức ảnh của bác sĩ ở Malaysia và gọi anh là bác sĩ Hadio. Người này cũng đã gỡ bài đăng sai sự thật khỏi trang cá nhân.
Câu chuyện sai về bác sĩ Indonesia đang được dân mạng Việt chia sẻ chóng mặt. Ảnh: FB. |
Trong đợt dịch Covid-19, hàng loạt thông tin sai sự thật được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Gần đây, những tin giả về thiên nhiên và đời sống hoang dã “hồi sinh” giữa đại dịch như đàn thiên nga, cá heo trở về những kênh đào Venice hay đàn voi dạo quanh ngôi làng và uống rượu ngô đến say mèm tại Vân Nam, Trung Quốc được đón nhận nhiệt thành.
Trước đó, cư dân mạng cũng truyền tay nhau nhiều tin đồn thất thiệt về cách đối phó với dịch bệnh như ăn tỏi, ăn trứng luộc lúc nửa đêm, đổ cồn lên quần áo... có thể diệt virus.
Trước “bão” tin giả gây tâm lý hoảng loạn giữa dịch Covid-19, nhiều quốc gia từ Á sang Âu đã đưa ra biện pháp ngăn chặn như cảnh cáo, phạt tiền, bỏ tù người tung tin thất thiệt.