Dù gây tranh cãi, sự việc phần nào cho thấy tín hiệu đáng mừng khi ngày càng nhiều người quan tâm đến sức khẻo tinh thần ở nơi làm việc. Ảnh minh họa: Anthony Shkraba Production/Pexels. |
Đầu tháng 12, YesMadam, công ty công nghệ cung cấp dịch vụ làm đẹp tại nhà ở Ấn Độ, đối mặt với làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội sau khi email sa thải cùng lúc hàng loạt nhân sự.
Khoảng vài ngày sau, trên trang LinkedIn chính thức, công ty bất ngờ lên tiếng, thừa nhận chỉ là "chiêu trò marketing", đồng thời công bố chính sách mới giúp nhân viên giảm căng thẳng. Song động thái này không làm nguôi cơn giận dữ của công chúng, thậm chí "đổ dầu vào lửa", theo News18 India.
Ảnh chụp email thông báo sa thải nhân viên của YesMadam. Ảnh: @AnushkaDutta/LinkedIn. |
Chuyện gì đã xảy ra?
Anushka Dutta, nhân viên copywriter UX tại YesMadam, đã chia sẻ ảnh chụp màn hình email từ Ashu Arora Jha, người được cho là quản lý nhân sự của công ty. Email này cung cấp thông tin cập nhật về kết quả khảo sát căng thẳng do doanh nghiệp này thực hiện.
Thế nhưng, thay vì hỗ trợ, công ty quyết định sa thải những nhân sự bị căng thẳng quá mức "để đảm bảo không có ai rơi vào tình trạng này tại nơi làm việc".
Cuối email, quản lý nhân sự này tuyên bố quyết định này có hiệu lực ngay lập tức và bổ sung rằng “những nhân viên bị ảnh hưởng sẽ nhận được thông tin cụ thể hơn”.
“Chuyện gì đang xảy ra tại YesMadam vậy? Đầu tiên, họ thực hiện một khảo sát ngẫu nhiên, rồi sa thải chúng tôi qua đêm chỉ vì cảm thấy căng thẳng? Và không chỉ tôi, còn 100 người khác cũng bị sa thải”, Dutta viết chú thích ảnh.
Không chỉ trên LinkedIn, bức ảnh nhanh chóng được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội, tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi. Phần lớn bình luận chỉ trích đều hướng về phía công ty.
“Đây là cách thức sa thải thiếu nhân đạo nhất tôi từng thấy”, một bình luận nhận được nhiều sự đồng tình.
Ngày 10/12, YesMadam đăng bài đính chính trên trang LinkedIn của công ty.
“Không ai bị sa thải tại YesMadam!”, công ty khẳng định trong tuyên bố mới nhất. Doanh nghiệp này giải thích rằng email lan truyền đó là một phần của chiến dịch nhằm nêu bật vấn đề “căng thẳng nơi làm việc” và khơi dậy cuộc thảo luận về vấn đề này.
Ngoài ra, công ty thông báo ra mắt chương trình “Happy 2 Heal”, cùng với chính sách “nghỉ phép để giảm căng thẳng”. Theo chính sách này, mỗi nhân viên sẽ được hưởng 6 ngày nghỉ phép có lương hàng năm dành riêng cho sức khỏe tinh thần và tái tạo năng lượng. Ngoài ra, nhân viên sẽ được hưởng các buổi spa tại nhà miễn phí để hỗ trợ thêm cho sức khỏe của họ.
Dẫu vậy, những bình luận tiêu cực hướng về YesMadam vẫn không hề suy giảm. Mặc dù nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm khi biết đây chỉ là một chiêu trò marketing, vẫn có ý kiến chỉ trích chiến dịch thiếu nhạy cảm này.
"Ai phê duyệt chiêu trò PR ngu ngốc này chắc nên tự sa thải chính mình", một người để lại bình luận.
Nhà quản lý nên trao đổi thẳng thắn và chân thành với nhân viên để giảm tình trạng căng thẳng. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels. |
Sa thải không phải là giải pháp
Dù vậy, sự việc cũng phần nào cho thấy tín hiệu đáng mừng khi ngày càng nhiều người lao động quan tâm đến sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc.
“Gửi đến những ai đã bình luận giận dữ hay bày tỏ ý kiến mạnh mẽ, chúng tôi muốn nói cảm ơn quý vị. Hành động lên tiếng chứng tỏ mọi người quan tâm, và sự quan tâm là cốt lõi của doanh nghiệp chúng tôi”, trích tuyên bố của YesMadam.
Bên cạnh đó, theo Inc., khảo sát về sức khỏe tinh thần của nhân viên là điều các doanh nghiệp nên làm.
Tuy nhiên, khi xử lý bằng cách sa thải, điều đó có thể tăng tình trạng căng thẳng của những nhân viên còn lại, bởi vì họ phải đảm nhận thêm công việc.
Điều đó cũng khiến môi trường làm việc ngày càng độc hại. Khoảng cách giữa nhân sự và đội ngũ quản lý cũng ngày càng tăng, khi nhân viên không còn thành thật với cấp trên về vấn đề của họ.
Theo Harvard Business Review, đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp nên tìm hiểu nguyên nhân khiến nhân viên căng thẳng và cạn kiệt năng lượng. Christina Maslach, Giáo sư tại Đại học California (Mỹ), lưu ý rằng tình trạng căng thẳng và kiệt sức không phải là vấn đề của từng cá nhân.
Bà Maslach cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nhân viên phải đảm nhận khối lượng công việc nặng nề, nhưng không nhận được sự hỗ trợ hoặc công cụ cần thiết từ phía doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân phổ biến khác có thể xuất phát từ việc nhân viên không cảm thấy sự công nhận và quan tâm từ cấp trên.
Theo số liệu từ khảo sát của tổ chức nghiên cứu về nơi làm việc toàn cầu Gallup công bố vào năm 2022, chỉ có 1/4 đáp viên cho biết họ nhận được sự quan tâm của cấp trên về vấn đề sức khỏe tinh thần.
Harvard Business Review gợi ý rằng để tìm ra nguyên nhân cốt lõi, đội ngũ lãnh đạo cần triển khai những buổi trò chuyện sâu sắc với nhân sự. Kế tiếp, các nhà quản lý nên cân nhắc giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giảm tình trạng căng thẳng cho nhân viên.
Bên cạnh đó, đây không phải là vấn đề có thể giải quyết nhanh chóng. Vì thế, nhà lãnh đạo nên có kế hoạch giám sát chi tiết, nhằm đưa ra giải pháp kịp thời để cải thiện năng suất của nhân viên.
Tình trạng căng thẳng và kiệt sức của nhân viên có ảnh hưởng đáng kể đối với doanh nghiệp. Vì thế, nhà lãnh đạo nên tập trung xây dựng môi trường làm việc lành mạnh và tích cực, nhằm thúc đẩy sự trao đổi chân thành giữa cấp trên và nhân viên.
Khi đó, động lực và hiệu suất làm việc của nhân sự được cải thiện đáng kể, đồng thời gia tăng mức độ gắn kết với doanh nghiệp.
Ưu tiên nhân viên tài năng hay thâm niên?
Có bao nhiêu người trong số nhân viên của bạn mà nếu tuyển dụng lại bạn sẽ chọn họ? Bao nhiêu trong số họ chỉ dừng ở mức tầm trung và bao nhiêu người bạn chỉ đang chịu đựng? Đó cũng là câu hỏi khiến hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams phải băn khoăn trong cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại.