Từ chất liệu cuộc sống, tác giả hàng trăm bìa sách 9X, cha đẻ bộ truyện tranh "Hoy đi nha" đã cóp nhặt thành "nhà kho" ý tưởng của riêng mình để viết nên câu chuyện về sự sáng tạo.
Học báo chí, nhưng lại đi theo graphic design với trọn vẹn đam mê, Tạ Quốc Kỳ Nam suy nghĩ đơn giản: “Không làm thấy khó chịu”.
Sau 6 - 7 năm làm nghề, từ một người rẽ ngang, anh trở thành gương mặt quen thuộc với người yêu nghệ thuật qua những sản phẩm cá tính, nhìn là biết của Kỳ Nam.
Năng động, độc đáo, giàu sức sáng tạo và không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu là những gì mà người khác nhớ về Tạ Quốc Kỳ Nam. Không bằng lòng với thành công hiện có, cái tên ấy tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ nuôi dưỡng đam mê và viết nên câu chuyện của chính mình.
Nổi lên từ hiện tượng Hoy đi nha, cách Kỳ Nam lập luận về những gì mình suy nghĩ dường như cũng ngược chiều với cảm quan của số đông. Khi ai cũng tin rằng chú sói trong câu chuyện kể thời ấu thơ gắn liền với hình ảnh hung dữ, ác độc còn cô bé quàng khăn đỏ lại khờ dại, ngây thơ thì Kỳ Nam lại nghĩ khác.
“Nếu con sói kia bỗng nhiên chỉ là nhóc lưu manh rởm, còn cô bé quàng khăn đỏ thật ra mới là đứa ‘bitchy’, ‘mean girl’ chính hiệu thì sao?”, Kỳ Nam tự đặt câu hỏi. Và sau đó, Hoy đi nha ra đời. Ở đó, cô bé quàng khăn đỏ và chó sói trở thành những đứa trẻ 5 tuổi với tính cách đảo ngược: Khăn đỏ đanh đá và Sói con rất “tồ”.
Kỳ Nam nuôi dưỡng sự sáng tạo bằng việc luôn tự đặt ra câu hỏi và không ngừng “quăng” mình vào những thách thức mới như thế.
Định nghĩa về sự sáng tạo của anh cũng cụ thể: “Sáng tạo là sáng ý rồi tạo ra cái gì đó!”. Kỳ Nam coi sáng tạo như một cuộc dạo chơi, là nốt nhạc ngẫu hứng cất lên từ bản du ca của nhịp sống thường ngày.
Nam cho rằng: “Người sáng tạo luôn có một nhà kho của riêng mình. Đó là nơi gom giữ tất cả hình ảnh, cảm nhận và phát hiện về cuộc sống. Khi có chất xúc tác bắt lửa, những gì có trong nhà kho sẽ loé sáng”.
Những ai yêu mến Kỳ Nam hẳn đều nhận thấy tác phẩm của anh mang đậm hơi thở cuộc sống. Từ câu chuyện cổ tích của bà, của mẹ đến thú vui tao nhã, giải khuây thường ngày như: tưới nước chăm cây, tô tranh, gấp giấy… Tất cả đều được chuyển thể qua một góc nhìn khác biệt, khi đảo chiều nhân vật, lúc lại chuyển động không ngừng dưới màn hình vô cực.
Sử dụng chất liệu từ cuộc sống, loạt ảnh Invisible Cinemagraph mới của Kỳ Nam là những mảnh ghép đầy thú vị. Theo dõi từng bức ảnh, người xem bị cuốn hút bởi sự sáng tạo của tác giả Sói mặt đơ và Cô bitch quàng khăn đỏ. Không chỉ chụp hình, Kỳ Nam còn kết hợp với các phần mềm chỉnh sửa và tính năng trang bị sẵn trên Galaxy S8 để tạo nên những vùng chuyển động đẹp mắt và hiệu ứng thị giác sống động.
Chàng họa sĩ trẻ cũng không ngần ngại thừa nhận rằng, trước khi dòng sản phẩm mới nhất của Samsung (Galaxy S8) ra đời, anh chưa từng nghĩ rằng mình sẽ tạo nên một bức ảnh động vô cực bằng điện thoại.
Cùng với những lời bình dí dỏm thường thấy, anh mang đến cho người xem những câu chuyện hóm hỉnh nhưng đáng suy ngẫm về thông điệp khai phóng sự sáng tạo. “Đừng nghĩ đâu xa. Hoạt động đời thường sẽ trở nên thú vị khi ta biết ‘twist’ chúng”.
Cinemagraph (ảnh động một phần) không phải là trào lưu mới, chụp ảnh động cũng đã có từ lâu và không ít người thực hiện, nhưng Invisible Cinemagraph (ảnh động vô cực) đã khai thác được nét thú vị riêng.
Đó là tận dụng khả năng hiển thị cong tràn hai cạnh, gần như xoá nhoà ranh giới giữa động và tĩnh của màn hình vô cực trên Galaxy S8, để biến những gì đời thường nhất trở nên sống động và hấp dẫn.
Cũng bởi vì đem cái mới, cái lạ vào những điều giản đơn ấy nên chụp ảnh động vô cực không đơn thuần chỉ là một trào lưu mà còn trở thành “bệ phóng” của sự sáng tạo. “Theo trào lưu mà mù quáng bắt chước thì không thể gọi là sáng tạo mà chỉ là bắt kịp trào lưu. Sáng tạo thì phải đưa vào cái ‘twist’ của mình!” - Kỳ Nam cho biết.
Sáng tạo, thất bại và đam mê thoáng nghe tưởng không hề liên quan nhưng thực ra lại là chuỗi vận động không ngừng của mỗi người trong cuộc sống. Sáng tạo không tự đến mà phải qua rèn rũa, luyện tập.
Kỳ Nam cho rằng: “Chúng ta bẩm sinh có sẵn một bộ bánh răng cưa tuyệt vời đẻ ra hàng nghìn ý tưởng. Một số người sáng tạo hơn người khác bởi những bánh răng của họ chạy liên tục từ bé tới lớn nên nhuần nhuyễn, trơn tru".
"Cỗ máy nằm đó, chờ bạn tra dầu, khởi động, tập cho mình thói quen để chúng luôn chạy ở chế độ nền và dung nạp liên tục nguyên liệu của sáng tạo. Thu nạp từ sự quan sát, để tâm, thưởng thức, phân tích, đặt câu hỏi và tìm câu trả lời”, anh nói.
Thế nhưng, không phải lúc nào sáng tạo cũng đem đến thành công. Ý tưởng loé lên để chúng ta thực hiện. Chỉ khi thực hiện ta mới biết nó có thể trở thành hiện thực hay không. Nhìn vào sản phẩm của Kỳ Nam, ít ai biết anh cũng không ít lần thất bại khi hiện thực hóa ý tưởng của mình.
Trước đó, tác giả hiện tượng Ngưng vô duyên từng thử sức với ý tưởng chụp ảnh động vô cực dựa theo trò chơi tạo bóng trên tường nhưng không thành công.
“Việc đặt một chiếc điện thoại vào giữa khung hình vốn không hề đơn giản. Nó đặt ra những thách thức nhất định về ánh sáng, bố cục… Nhưng bởi vì có thách thức nên càng thôi thúc sự sáng tạo và đam mê chinh phục”, Kỳ Nam cho biết.
Anh nói thêm: “Với bước đột phá trong thiết kế màn hình cùng phần mềm tạo ảnh gif được trang bị sẵn, Samsung đã giúp việc tạo ra những bức ảnh ảnh động vô cực (Invisible Cinemagraph) trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Nhờ đó, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật như Nam cũng dễ dàng truyền tải ý tưởng của mình đến khán giả”.
Từ lăng kính vô cực trên Galaxy S8, để hiểu rộng ra sự vô hạn trong sáng tạo nghệ thuật và vượt qua những giới hạn của bản thân.
Sự tìm tòi, mạo hiểm đôi lúc có thể khiến người ta vấp ngã nhưng nó cũng giúp ích rất nhiều trong việc tìm thấy những gì mình thuộc về, để đánh thức đam mê, để tiếp tục khai phóng sự sáng tạo và bắt đầu hành trình mới.
Đó cũng chính là quan điểm sáng tạo của Kỳ Nam: “Cái hay của sáng tạo là không bao giờ nắm bắt được 100% kết quả. Sáng tạo nhiều, thất bại nhiều sẽ giúp thành công của bạn vững chãi hơn”.