Những ngày qua, miền Bắc bước vào đợt lạnh, gia tăng các ca mắc cúm. Đặc biệt, các ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng xuất hiện. Điều này gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhiều người.
Cúm vào mùa
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), cho biết cùng kỳ năm trước, mỗi tuần đơn vị này tiếp nhận 100-130 bệnh nhi được chẩn đoán cúm với mức độ nặng khác nhau.
"Năm nay, cúm đang vào mùa tương tự, tuy nhiên số lượng bệnh nhân cũng như mọi năm, chưa có sự bất thường", TS Lâm cho hay.
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho.
Tác nhân gây bệnh hiện nay ở nước ta chủ yếu do các chủng virus cúm A và cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, giọt bắn hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho.
Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch…, cúm có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết thời tiết trở lạnh, đặc biệt là mùa đông ở miền Bắc là thời điểm vào mùa của cúm.
Trong trường hợp trẻ bị mắc cúm, cha mẹ cần lưu ý hạ sốt, vệ sinh đường hô hấp cho con; bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cho trẻ ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu; tắm cho con bằng nước ấm trong phòng kín, tránh việc nhiễm lạnh. Ngoài ra, trẻ bị cúm cần được cách ly và người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm.
Để phòng ngừa bệnh cúm, cha mẹ nên chú ý đến việc tiêm vaccine đầy đủ cho con. Bên cạnh đó, các gia đình cũng cần đảm bảo nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng.
Thuốc Tamiflu bị đẩy giá lên cao do người dân lo lắng, tự mua thuốc để chữa cúm. Ảnh: Vox. |
Không tự ý mua thuốc
Nhiều người cho rằng thuốc Tamiflu quan trọng trong việc trị cúm nên mua về tích trữ, vô tình đẩy giá sản phẩm lên cao. Đây không phải lần đầu tiên giá thuốc Tamiflu bị đội lên cao gấp nhiều lần. Tháng 12 năm ngoái, trong đợt cao điểm mắc cúm, thuốc Tamiflu rơi vào tình trạng cạn kiệt, khiến cho mặt hàng này khan hiếm và đội giá lên tới gấp 4-5 lần.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, khẳng định bệnh nhân mắc cúm A, sau 48 giờ kể từ khi có triệu chứng, việc sử dụng Tamiflu không có tác dụng với virus cúm.
PGS Dũng giải thích khi virus xâm nhập, nó phải chui vào tế bào cơ thể người và nhân lên. Tamiflu chỉ có tác dụng không làm virus nhân lên mà không thể giết chết nó. Nói cách khác, loại thuốc này chỉ ức chế được virus. Trong khi đó, người bình thường vẫn có cơ thể tự ức chế virus mà không cần sự hỗ trợ của Tamiflu.
"Nếu bệnh nhân bị cúm nặng, chúng tôi điều trị bằng loại thuốc khác, ngay cả khi không có Tamiflu vẫn không ảnh hưởng", bác sĩ Dũng nói.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Tamiflu là thuốc không được sử dụng tùy tiện, chỉ được chỉ định với những trường hợp có các biến chứng như viêm phổi với chỉ định của bác sĩ. Nếu loại thuốc trên được bày bán tràn lan trên mạng là sai về mặt pháp luật và khoa học. Người dân tự ý mua thuốc trong trường hợp này rất nguy hiểm".
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, cho rằng nhiều người có thói quen dùng thuốc tràn lan. Mỗi khi có dịch cúm, người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu là không cần thiết. "80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị", ông Kính nói.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh , Bộ Y tế, khuyến cáo: "Tamiflu không phải thuốc đặc trị chữa khỏi cúm. Người dân tuyệt đối không nên đổ xô đi mua về sử dụng". Yếu tố quan trọng nhất là phòng bệnh và giải quyết tốt các nhiễm trùng cơ hội. Tamiflu được xếp vào nhóm hỗ trợ điều trị, không phải thuốc chữa đặc hiệu.
Trong kế hoạch phòng chống dịch cúm của Bộ Y tế, dự trữ Tamiflu cũng không phải phương án số một. Người dân có thể tiêm vaccine để ngừa cúm và phòng hộ cá nhân (uống đủ nước, giữ ấm cơ thể, chân, đầu).