Nhiều bạn trẻ bối rối vì bị trẻ nhỏ chê lì xì ít. Ảnh minh họa: Pexels. |
“Mẹ ơi cô Ngọc Anh chỉ lì xì con 20.000 đồng thôi. Sao cô lì xì ít thế mẹ”.
Mới sáng mùng 2 Tết, Ngọc Anh (hiện làm việc ở Hà Nội) sượng trân vì bị cháu trai chê lì xì ít. Mới ra trường đi làm được 3 tháng, chưa có thưởng Tết, lương cũng không cao, Ngọc Anh dự định lì xì các em, các cháu trong nhà 20.000 đồng để lấy lộc đầu năm.
Thế nhưng, điều mà cô gái sinh năm 2001 chưa lường trước được là cô sẽ bị cháu mình chê ngay trong dịp Tết. Bị cháu chê trước mặt mọi người, Ngọc Anh vừa xấu hổ, vừa thấy tủi thân vì cháu không biết quý trọng món quà của mình.
Cái khó của những người mới đi làm
Đối với những người mới ra trường đi làm như Ngọc Anh, lì xì ngày Tết là một áp lực. Ra trường chưa lâu và mới chỉ đi làm vài tháng nên mức lương và thưởng Tết của các tân cử nhân chưa được nhiều. Đến ngày Tết, người trẻ lì xì nhiều thì không đủ, lì xì ít thì có nguy cơ bị chê keo kiệt.
Bàn về vấn đề này, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An nói rằng việc chuyển từ “hệ nhận lì xì” qua “hệ đi lì xì” sẽ mang lại cho nhiều người trẻ cảm giác bỡ ngỡ cũng như áp lực vì không biết nên lì xì thế nào cho phù hợp.
Bài toán khó của nhiều tân cử nhân là lì xì bao nhiêu cho phù hợp. Ảnh minh họa: Pexels. |
Với những bạn công việc chưa ổn định hoặc chưa có việc làm, các bạn sẽ chọn phương án lì xì ít để trẻ nhỏ lấy may đầu năm. Tuy nhiên, anh Tâm An nhận thấy mọi người đang ngày càng vật chất hóa chuyện lì xì nên phương án lì xì ít của nhiều bạn trẻ sẽ không được lòng người khác, từ đó tạo ra áp lực vô hình cho các bạn mỗi khi Tết đến.
Theo anh An, chuyện mọi người vật chất hóa lì xì cũng bắt nguồn từ việc chúng ta chưa có nhận thức đúng về phong tục lì xì. Ban đầu, lì xì đầu năm là cách để mọi người cho đi may mắn, nhưng dần dần điều này lại trở thành hoạt động kiếm tiền, thậm chí trở thành bài toán lỗ - lời mỗi khi đi chúc Tết.
Ngoài ra, việc người lớn đưa chuyện lì xì và những hình ảnh/nội dung về mệnh giá tiền bạc lên mạng cũng sẽ vô tình “kích hoạt” ý niệm vật chất hoá chuyện lì xì trong tâm trí trẻ nhỏ.
Chuyên viên tâm lý nói rằng chuyện khoe lộc lá là quyền của cá nhân, nhưng đó cũng là trách nhiệm của mọi người khi sử dụng mạng xã hội.
Nhìn chung, mọi người cần phải trang bị một “bộ lọc” phù hợp, tránh để những câu chuyện tiền bạc đầu năm làm ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.
“Không khó hiểu khi trẻ mất niềm tin vào những lời giáo huấn của người lớn nếu một mặt người lớn nói "Lì xì không quan trọng bao nhiêu" nhưng mặt khác lại hồn nhiên phe phẩy một cọc 500.000 đồng trên story”, anh Tâm An viết trong một bài đăng trên mạng xã hội.
Làm thế nào để lì xì ít mà vẫn được lòng mọi người?
“Lì xì ít nhưng không bị chê” là bài toán mà một số bạn trẻ đang tìm vào mỗi dịp Tết. Với Nguyễn Nam (làm việc ở Đà Nẵng), bài toán này đã có lời giải sau một cái Tết bị chê lì xì ít.
Tết Nguyên đán 2023, Nam cũng mới ra trường đi làm nên chỉ lì xì trẻ con trong gia đình và trong xóm 10.000 đồng. Năm đó, cậu bị chê lì xì ít, “không đủ để các cháu mua đồ ăn vặt”.
Đến Tết năm nay, Nam không lì xì 10.000 đồng nữa. Thay vào đó, cậu quyết định làm bao lì xì nhiều mệnh giá từ 1.000 đồng đến 50.000 đồng, mệnh giá nhiều nhất là 10.000 đồng và chỉ để 2 bao lì xì duy nhất 50.000 đồng.
Đến ngày Tết, Nam sẽ cho trẻ nhỏ bốc lần lượt và thông báo trước mệnh giá trong mỗi bao không giống nhau, cháu nào bốc được bao 50.000 thì chứng tỏ may mắn và ngược lại, bốc được bao 1.000 đồng thì chờ năm sau phục thù.
Nhờ cách làm này, trẻ em trong nhà Nam hào hứng hơn với chuyện “bốc thăm” bao lì xì. Đồng thời, các bé và cả người lớn cũng không còn nhắc đến chuyện lì xì nhiều hay ít.
Mẹo của Hà An là lì xì bằng ngoại tệ, trẻ sẽ không còn chê tiền ít. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Hà An (làm việc ở Hà Nội) không cho trẻ bốc thăm lì xì theo từng mệnh giá mà chọn cách đổi tiền Việt thành tiền nước ngoài để lì xì cho trẻ nhỏ.
Tết Nguyên đán 2024, An đổi tờ 1 USD (khoảng 24.000 đồng), 1.000 won (khoảng 18.000 đồng), 20 baht (khoảng 13.000 đồng) và 5 nhân dân tệ (khoảng 16.000 đồng). Mỗi bao lì xì, cô sẽ bỏ một tờ ngoại tệ vào đó rồi phát ngẫu nhiên cho trẻ nhỏ trong gia đình.
An nói rằng cách này của cô khá hiệu quả vì ngoại tệ có nhiều màu và hình vẽ khác nhau nên trẻ rất thích thú. Hơn nữa, các em chỉ quan tâm đến việc mình được lì xì ngoại tệ nên sẽ không còn nhớ đến mệnh giá của tờ tiền. Nhờ đó, cô cũng đỡ áp lực với chuyện lì xì đầu năm.
“Không riêng trẻ nhỏ mà người lớn mình cũng lì xì bằng ngoại tệ. Mọi người thấy ngoại tệ cũng lạ nên vui vẻ nhận, không ai kém duyên chê mình lì xì ít nữa”, Hà An vui vẻ nói với Tri thức - Znews.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.