Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tập đi, tập đứng sau cơn đột quỵ ở tuổi 34

Với bệnh nhân sau đột quỵ, mỗi cử động nhỏ không chỉ là nỗ lực vượt qua di chứng mà còn là cuộc chiến giành lại tương lai và cuộc sống vốn đang rộng mở.

nguoi tre bi dot quy anh 1

Anh Dũng (34 tuổi, Bình Dương), người đàn ông hiền lành gắn bó với chiếc taxi suốt nhiều năm, nay phải chập chững tập đi từng bước dưới sự hỗ trợ của kỹ thuật viên tại Bệnh viện 1A (TP.HCM). Cơn đột quỵ bất ngờ ập đến, không chỉ cướp đi sức khỏe, công việc, mà còn đẩy anh vào hành trình đầy gian nan để giành lại từng cử động nhỏ nhất của cơ thể.

nguoi tre bi dot quy anh 2

Khoảng hai tháng trước, trong một buổi tiệc cùng bạn bè, khi vừa cạn ly bia thứ ba, anh Dũng bất ngờ gục xuống bàn. Gia đình và bạn bè lập tức đưa anh đến bệnh viện địa phương cấp cứu, trước khi được chuyển lên Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) với chẩn đoán xuất huyết não. Sau một tháng, anh xuất viện nhưng di chứng đột quỵ đã để lại dấu ấn nặng nề – tay phải và chân phải yếu liệt, mất đi khả năng vận động bình thường. Từ người trụ cột gia đình, anh buộc phải bước vào hành trình phục hồi chức năng tại Bệnh viện 1A, nơi mỗi cử động nhỏ đều là một thử thách.

nguoi tre bi dot quy anh 3

Suốt ba tuần tập phục hồi, từng bước đi, từng cử động tay của anh Dũng luôn có gia đình sát cánh, động viên. Thế nhưng, mỗi khi nghĩ đến gánh nặng kinh tế giờ đây dồn hết lên đôi vai mẹ, anh không khỏi xót xa. Từng là một người khỏe mạnh, anh không ngờ rằng những đêm thức khuya chạy xe, những cuộc nhậu ít ỏi lại dẫn đến hậu quả nặng nề, buộc anh phải bước vào hành trình giành lại cuộc sống bình thường từ con số 0.

nguoi tre bi dot quy anh 4

Có lúc, nỗi đau bệnh tật khiến anh Dũng muốn buông xuôi tất cả. Thế nhưng, nhờ sự động viên không ngừng từ đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên, anh dần vực dậy tinh thần, quyết tâm tiếp tục chiến đấu. Mỗi ngày, anh Dũng thức dậy từ 6h, bắt đầu với những bài tập tay đơn giản, sau đó được kỹ thuật viên hỗ trợ tập luyện sức chân bằng máy hoặc khung tập đi. Sau ba tuần phục hồi chức năng, sức cơ tay và chân của anh đã cải thiện khoảng 60%, nhưng chức năng bàn tay vẫn chỉ phục hồi được 30%, đồng nghĩa với việc hành trình phía trước vẫn còn nhiều thử thách.

nguoi tre bi dot quy anh 5

Tại Bệnh viện 1A, những bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ cần phục hồi chức năng như câu chuyện anh Dũng không hiếm gặp. Có trường hợp mới 30 tuổi, bị xuất huyết não, mất chức năng vận động và phải nhập viện để can thiệp. Mỗi ngày, khoa Phục hồi chức năng có khoảng 20-30 bệnh nhân sau đột quỵ, trong đó người trẻ chiếm khoảng 15%. Đáng lo ngại, tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng qua từng năm.

nguoi tre bi dot quy anh 6

Anh Minh Thuận (35 tuổi, Kiên Giang) nhớ như in buổi tối sau ca trực đêm, khi anh cùng đồng nghiệp ăn tối thì bỗng choáng váng, gục xuống bàn. Được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang, anh được chẩn đoán xuất huyết não và phải phẫu thuật khẩn cấp để lấy khối máu tụ chèn ép dây thần kinh. Thoát khỏi nguy kịch, nhưng anh vẫn khó nuốt, thường xuyên nôn ói, nên tiếp tục điều trị tại TP.HCM, sau đó đến Bệnh viện 1A để tập phục hồi chức năng. Giờ đây, từ một người khỏe mạnh, anh phải học lại từng cử động nhỏ, từng bước đi trong hành trình giành lại cuộc sống.

nguoi tre bi dot quy anh 7

Tại Bệnh viện 1A, mỗi ngày kỹ thuật viên hỗ trợ anh Thuận tập nuốt, tập nói, tập đứng và vận động tay nhẹ nhàng. Do không thể tự đứng, anh phải đeo đai cố định vào ngực và hông, được kỹ thuật viên trụ vững làm điểm tựa trong suốt quá trình tập luyện. Không chỉ hướng dẫn các bài tập, kỹ thuật viên còn thường xuyên trò chuyện, động viên, giúp anh Thuận giữ vững tinh thần, kiên trì vượt qua hành trình phục hồi đầy thử thách.

nguoi tre bi dot quy anh 8

Hiện khoa Phục hồi chức năng được chia thành hai khu vực: nội trú và ngoại trú, với sáu phòng chức năng. Các phòng tập trang bị thiết bị hiện đại từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu, bao gồm dụng cụ tập đa năng, bốn robot hỗ trợ tập đi và nhiều thiết bị phục hồi vận động chuyên sâu. Với người sau đột quỵ, di chứng để lại thường nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động, ngôn ngữ và sinh hoạt hàng ngày. Hành trình phục hồi chức năng kéo dài, đòi hỏi sự kiên trì. Các thiết bị hỗ trợ hiện đại giúp người bệnh tập luyện hiệu quả hơn, nhưng ý chí và sự đồng hành của gia đình vẫn là yếu tố quan trọng trong quá trình giành lại khả năng vận động và chất lượng cuộc sống.

Cơ thể phi tuổi tác, tâm trí phi thời gian

Người phải đối diện với trạng thái căng thẳng liên tục sẽ chóng già hơn, cơ thể của họ lão hóa nhanh hơn. Kéo theo đó là nhiều bệnh tật liên quan tới huyết áp, rối loạn chuyển hóa.

Cuốn sách "Cơ thể phi tuổi tác tâm trí phi thời gian" mang đến cho độc giả nhiều kiến thức hữu ích liên quan đến quá trình lão hóa của con người. Chúng ta có thể làm chậm quá trình lão hóa bằng những phương pháp rất đơn giản.

Điểm chung của những ca đột quỵ trẻ tuổi ở TP.HCM

Nam thiếu niên 15 tuổi nhập viện trong tình trạng liệt nửa người, khiến các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 bất ngờ khi xác định em bị đột quỵ ở độ tuổi quá trẻ.

An Khương - Nguyễn Thuận

Bạn có thể quan tâm