Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thất bại khi tìm chồng, mẹ đơn thân tự thụ tinh nhân tạo, tự sinh con

Ở Mỹ, nhiều phụ nữ không còn hy vọng vào việc tìm kiếm chàng trai cho riêng mình. Thay vào đó, họ cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn khi tự có con, nhận nuôi trẻ hay giúp đỡ mọi người.

Trong nhiều năm trở lại đây, phụ nữ ở Mỹ có xu hướng chọn trở thành mẹ đơn thân, tự mang thai hoặc xin con nuôi, xây dựng cuộc sống mới cho riêng mình, theo New York Times.

Đối với họ, việc gồng gánh vai trò của cả bố và mẹ vô cùng khó khăn và phức tạp, nhưng đổi lại họ cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình.

Ở Mỹ, số lượng gia đình có bố hoặc mẹ đơn thân tăng lên đáng kể từ những năm 1960. Đến năm 2010, con số này đã cao đến mức 40.7% và đang có xu hướng tăng nhanh.

me don than anh 1
Nhiều phụ nữ đơn thân tự tiêm hoóc môn sinh sản để có con. Ảnh: Jackie Molloy.

Không còn mải miết đi tìm Mr. Right của đời mình

Sau những cuộc hẹn không đi đến kết quả tốt đẹp, Sarah McKnight, nữ phi công 41 tuổi, không còn tự huyễn hoặc viễn cảnh tìm được người đàn ông của đời mình, kết hôn, sinh những đứa con ngoan và rước một đàn thú cưng về nhà.

McKnight nhiều lần tự nói với bản thân: “Mình có thể tự làm mọi thứ. Mình không cần một người biến cuộc sống của mình như mơ, chính mình sẽ là người biến giấc mơ ấy thành hiện thực tốt đẹp”.

Cô trải qua hành trình gian nan gồm sáu lần thụ tinh nhân tạo, một lần mang thai hóa học, một lần thụ tinh trong ống nghiệm, cùng hai lần chuyển phôi đông lạnh nhưng thất bại và sảy thai.

Chi trả hơn 50.000 USD, cuối cùng, McKnight cũng đã mang thai vào cuối năm 2018. Hiện tại, Charlotte, con gái của cô, đã biết bò và có hai cái răng sắp mọc.

“Thật tuyệt vời khi chứng kiến con bé học hỏi và dần trưởng thành mỗi ngày, nhưng điều đó cũng khiến tôi lo lắng vì con bé lớn rất nhanh”.

Gần đây, cô đã chuyển từ căn hộ một phòng ngủ ở New York sang ngôi nhà bốn phòng ngủ ở New Jersey. Betsy, mẹ của McKnight, cũng dọn đến sống cùng con gái và cháu ngoại.

“Tôi không định chủ động kể với con bé về việc nó sinh ra thế nào. Tuy nhiên, khi đến thời điểm, con bé sẽ tự muốn biết và tôi sẽ chia sẻ tất cả”, cô nói.

Tương tự như McKnight, sau nhiều năm làm việc tại New York, vài mối quan hệ lâu dài nhưng không thành công, Alexa W. bắt đầu tìm đến các phòng khám để lấy trứng, quyết định có một đứa con của riêng mình năm 2016.

Thể chất, tài chính, tinh thần đã sẵn sàng, cô bắt đầu hành trình của mình bằng cách sử dụng tinh trùng được hiến tặng từ một ngân hàng tinh trùng.

Trải qua năm lần thụ tinh nhân tạo thất bại, một lần thụ tinh trong ống nghiệm, một lần sảy thai và một lần chuyển phôi đông lạnh, vào mùa thu năm 2017, cô được thông báo đậu thai.

“Tôi thật sự rất lo lắng và bất an trong suốt ba tháng đầu của thai kỳ. Đây là nỗi lo lớn nhất mà tôi từng trải qua, cùng với đó là những trận ốm nghén và đau đầu, khiến mọi thứ trở nên vô cùng khó khăn”, Alexa kể.

Nhưng rồi, con gái Lucca của cô cũng chào đời vào năm 2018. Hiện gia đình Alexa đang sống tại căn hộ gần nhà bố mẹ ruột của cô tại Manhattan, họ giúp cô trông Lucca vào mỗi thứ hai và thứ tư hàng tuần.

"Làm một bà mẹ đơn thân thật sự khó khăn. Tôi rất biết ơn bố mẹ vì đã giúp đỡ mình”, cô cho biết.

Tìm mọi cách để nhận con nuôi

Khi Erica Moffett bắt đầu tiếp cận với Internet, cô nỗ lực tìm kiếm thông tin về nguồn gốc của mình. Cô biết rằng mình được sinh ra ở Seoul (Hàn Quốc) vào năm 1969, tên tiếng Hàn là Sohn Soon và cô bị bỏ lại trên bậc thềm của sở cảnh sát với tấm biển “Hãy chăm sóc cho con”.

Moffett được nhận nuôi vào năm 1970 bởi vợ chồng người da trắng Blair và Patricia Moffett sống ở Wellsboro, tiểu bang Pennsylvania (Mỹ).

“Tôi vẫn luôn đặt ra những câu hỏi về việc bố mẹ ruột của là ai, tại sao họ lại sinh tôi ra và bỏ rơi tôi, và tôi có những đặc điểm gì giống họ”.

Đến hiện tại, Moffett cho biết việc tìm ra bố mẹ ruột hay không không còn quan trọng đối với cô, thế nhưng thỉnh thoảng nghĩ về bà, cô vẫn không kiềm được nước mắt.

me don than anh 4

Sau khi nhận nuôi Chloe Ann, Moffett thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn rất nhiều. Ảnh: Jackie Molloy.

Tháng 7 năm 2015, Moffett quyết định làm chủ cuộc đời, xây dựng một gia đình cho riêng mình. Cô bất chấp những khó khăn, tìm đến luật sư để bắt đầu quá trình nhận con nuôi ở độ tuổi ngoài 40.

Cô thiết kế tờ rơi, tạo trang web và bưu thiếp về bản thân, thậm chí trả tiền cho quảng cáo Google với hy vọng tìm được một đứa con nuôi.

Sau ba lần không thành công, Moffett chuyển sang liên hệ một công ty nhận con nuôi. Tháng 4 năm 2017, công ty này đã gọi cho Moffett hỏi rằng liệu cô có quan tâm đến việc nhận nuôi một đứa bé da đen 6 tuần tuổi ở Florida hay không.

Moffett cùng mẹ bay đến Florida để nhận nuôi Chloe Ann, giờ đã là một đứa bé 3 tuổi tò mò và hiếu động. Cô biết rằng ngày nào đó cô sẽ cần phải giải thích câu chuyện nhận nuôi với con gái của mình.

Giống như Chloe Ann, Moffett cũng lớn lên với bố mẹ nuôi không cùng chủng tộc. Vì thế, cô hy vọng trải nghiệm của bản thân sẽ giúp con gái dễ dàng thấu hiểu câu chuyện của mình cũng như tình cảm giữa hai mẹ con sẽ ngày càng khắng khít hơn.

Muốn những đứa trẻ có một tương lai tốt đẹp

Sau khi lập gia đình, có con và ly hôn, Trelawney McCoy quyết định tự mình mở rộng cánh cửa đón thêm nhiều thành viên mới vào gia đình, những đứa con nuôi.

Cô nhận nuôi tám đứa bé từ hệ thống chăm sóc nuôi dưỡng, đồng thời chăm lo cho hơn 20 trẻ em khác đến sống cùng.

“Tôi chỉ muốn giúp đỡ những đứa trẻ, giúp chúng trở thành một người tốt hơn và cho chúng cơ hội khởi đầu lại một cuộc sống mới. Đó là những gì chúng cần”, McCoy chia sẻ.

Trong số tám đứa con McCoy nhận nuôi, có ba bộ anh chị em ruột. “Mục đích của tôi khi nuôi nhiều nhóm các anh chị em ruột như thế là giúp chúng không lạc mất nhau suốt hàng chục năm trời”, cô nói.

Vào mỗi sáng, McCoy đưa bọn trẻ đến trường, sau đó cô đến Mt. Hope Family, trung tâm nghiên cứu liên kết với Đại học Rochester, nơi cô làm việc với những bà mẹ tuổi teen. Cô cung cấp những vật dụng cần thiết như tã, sữa bột và đưa họ đến các buổi hẹn như gặp bác sĩ hay phỏng vấn xin việc.

Hiện tại, McCoy sống cùng năm đứa con nuôi, do ba đứa con lớn nhất của cô đã có việc làm và chuyển đi. Giờ đây, cô chỉ mong muốn có một ngôi nhà lớn hơn để đón về nhiều trẻ em cơ nhỡ hoặc bị bỏ rơi.

“Tôi thật sự thấy hạnh phúc khi chăm sóc cho lũ trẻ, tạo cho chúng nhiều cơ hội học tập và phát triển, tiếp thêm cho chúng niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng”, cô cho biết.

me don than anh 7
Bức tranh chân dung McCoy ở Rochester do Sarah C. Rutherford vẽ là một phần của chương trình nghệ thuật và cộng đồng. Mỗi viên kim cương đại diện cho một đứa trẻ mà McCoy đã nhận nuôi từ hệ thống chăm sóc. Ảnh: Jackie Molloy.

Những người mẹ tìm mọi cách để bảo vệ con sơ sinh giữa đại dịch

Các bậc phụ huynh buộc phải tìm mọi cách giữ an toàn cho đứa con mới sinh của mình trong bối cảnh toàn xã hội đang chống chọi với dịch Covid-19.

Mẫn Nhi

Bạn có thể quan tâm