Ấn Độ trở thành "miếng bánh béo bở" đối với ngành công nghiệp đồ hiệu. Ảnh: @kimkardashian. |
Theo dự báo Triển vọng ngành công nghiệp năm 2025 của bộ phận nghiên cứu, dự báo Economist Intelligence Unit thuộc Economist Group, thị trường bán lẻ của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4% trong năm tới, bằng một nửa mức tăng năm 2019.
Tình hình kinh tế, thị trường bất động sản khó khăn và sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng trở thành thách thức đối với ngành hàng xa xỉ tại Trung Quốc. Lúc này, Ấn Độ lại trở thành “miếng bánh béo bở” đối với ngành công nghiệp hàng hoá cao cấp, theo Jing Daily.
Thị trường Trung Quốc đáng lo ngại
Mới đây, tập đoàn xa xỉ LVMH công bố báo cáo kinh doanh quý III tệ hơn dự kiến. Bộ phận thời trang và đồ da chủ lực chứng kiến doanh số giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu tại thị trường châu Á, không tính Nhật Bản, giảm đến 16% so với năm ngoái, trở thành tín hiệu đáng báo động.
Lý do chính dẫn đến sự sụt giảm doanh thu là sức mua yếu của người tiêu dùng Trung Quốc. Quốc gia này từng góp phần tạo ra sự tăng trưởng lớn cho thị trường hàng hiệu trong suốt 2 thập kỷ qua.
Thị trường hàng hoá xa xỉ tại Trung Quốc ngày càng ảm đạm. Ảnh minh hoạ: Bloomberg. |
Tương tự, tập đoàn Kering cũng ghi nhận mức doanh thu quý III năm nay giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Gucci, thương hiệu chủ lực của tập đoàn này, chứng kiến doanh số tại thị trường châu Á sụt giảm 25% trong quý. Số lượng khách đến cửa hàng và mức chi tiêu đồng loạt giảm sâu.
Trung Quốc mới đưa ra các biện pháp kích cầu nhằm cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các biện pháp này mang lại nhiều lợi ích cho nhà sản xuất hàng tiêu dùng hơn thương hiệu xa xỉ.
Nhóm khách hàng Gen Z và Millennials mà các thương hiệu nhắm vào ngày càng nhạy cảm hơn về giá, thay đổi hành vi mua sắm và thận trọng trước các quyết định chi tiêu.
Khách hàng trẻ Trung Quốc ngày càng thích mua sắm hàng xa xỉ ở nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản. Ngoài ra, thị trường thứ cấp kinh doanh những sản phẩm qua tay cũng bùng nổ.
Sự thay đổi trong nhận thức, thói quen của khách hàng đặt ra thách thức cho các thương hiệu đã đầu tư mạnh vào đất nước tỷ dân.
Ấn Độ là sự thay thế hấp dẫn
Trong bối cảnh này, các thương hiệu xa xỉ đồng loạt chuyển hướng sang thị trường Ấn Độ. Trong khi mức tăng trưởng bán lẻ tại Trung Quốc chỉ còn 4% vào năm 2025, đánh dấu con số thấp nhất từ năm 2022, lĩnh vực bán lẻ Ấn Độ lại tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm.
Những con số này biến Ấn Độ trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn cho Trung Quốc. Số tuổi trung bình ở quốc gia này là 28,2, thấp hơn nhiều so với độ tuổi trung bình 39 ở Trung Quốc, cho thấy tỷ lệ dân số trẻ tại đây tương đối cao.
Hơn nữa, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng cũng biến thị trường Ấn Độ trở thành mảnh đất màu mỡ đối với các nhãn hàng cao cấp.
Các nhãn hàng cao cấp chuyển hướng sang thị trường Ấn Độ, khai thác tiềm năng của quốc gia này. Ảnh minh hoạ: Dior. |
Theo báo cáo được công ty tư vấn đầu tư BDA Partners công bố vào tháng 6, ngành hàng xa xỉ tại Ấn Độ dự kiến tăng trưởng gấp 3 lần vào năm 2030.
Con số này đạt được nhờ số lượng cá nhân sở hữu giá trị tài sản ròng cao ngày càng gia tăng. Ngoài ra, thói quen chi tiêu thoải mái, tuỳ ý cũng góp phần tạo ra dự báo trên.
Đối với Trung Quốc, lực lượng khách hàng mới quyết định khả năng hồi phục của thị trường xa xỉ. Chỉ khi tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở quốc gia này giảm thiểu, cùng với sự hỗ trợ của các biện pháp kích cầu, nhiệt lượng của ngành hàng cao cấp mới có thể tăng trở lại. Ngược lại, nếu sự thay đổi không diễn ra, thị trường này sẽ rơi vào tình trạng trì trệ đáng lo ngại.
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.