Thầy giáo Trần Đình Quyến bị suy thận giai đoạn cuối. |
Thầy giáo Trần Đình Quyến (sinh năm 1977) đang là giáo viên trường Tiểu học Nghinh Tường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Xuất thân từ gia đình có truyền thống dạy học, từ nhỏ, thầy Quyến ấp ủ mơ ước trở thầy giáo và sau đó đã thi đỗ trường sư phạm, chuyên ngành tiểu học.
Tốt nghiệp năm 2000, thầy Quyến xung phong lên điểm trường thuộc xã vùng cao, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên công tác với mong muốn xóa mù chữ cho các em nhỏ nơi đây.
Sau 2 năm gắn bó với trường, thầy càng thêm yêu nghề. Cũng tại vùng đất này, thầy xây dựng gia đình với một cô giáo mầm non. 15 năm cống hiến ở điểm trường xa xôi, trải qua nhiều khó khăn thiếu thốn, năm 2015, thầy cùng vợ xin chuyển về tỉnh Thái Nguyên công tác để tiện chăm sóc bố mẹ lúc tuổi cao sức yếu.
“Nói là chuyển về tỉnh công tác nhưng điểm trường tôi đang dạy thuộc huyện vùng cao, cách nhà gần 90 km. Nhưng dần dần tôi cũng quen, đã yêu nghề thì ở đâu cần là mình cống hiến”, thầy Quyến chia sẻ.
Nhưng rồi, bất hạnh đã ập đến với thầy Quyến. Cách đây hơn một năm, thầy phát hiện sức khỏe có dấu hiệu đi xuống. Vì điều kiện eo hẹp, thầy không đi thăm khám. Đầu năm 2023, thấy mắt mờ dần, chân tay phù, thầy Quyến đi khám và phát hiện mình bị suy thận giai đoạn cuối. Được chỉ định phải chạy thận, thầy chết lặng.
"Khi nghe bác sĩ thông báo về bệnh tình, tôi đã không đứng vững. Lúc đó, cả hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau khóc", thầy Quyến chia sẻ.
Mặc dù sức khỏe suy kiệt, thầy Quyến vẫn gắng gượng đứng lớp dạy học. |
Suốt gần 1 năm, với đồng lương ít ỏi, thầy Quyến chỉ đủ lo tiền thuốc và dụng cụ lọc thận hàng ngày. Dù sức khỏe yếu, thầy không dám nghỉ ngày nào, vẫn gắng gượng để đứng lớp. Đồng lương giáo viên giờ đây là nguồn duy trì sự sống duy nhất cho thầy.
Vợ thầy là cô giáo Phạm Thị Thu Hà (sinh năm 1981), đang dạy mầm non ở huyện Định Hóa. Đồng lương của cô chỉ đủ lo cho hai con trai đi học.
Lo lắng lớn nhất của thầy Quyến chính là tình trạng suy thận của bản thân đã ở giai đoạn cuối, sức khỏe yếu dần, có thể đến lúc thầy không còn đủ sức đứng trên bục giảng. Cứ nghĩ tới việc đó, đôi mắt thầy lại đỏ hoe.
"Tôi chỉ sợ một ngày nào đó không còn sức đứng dạy cho học trò nữa. Bác sĩ nói cách duy nhất lúc này là ghép thận. Năm 2023, tôi cũng có cơ duyên ghép thận nhưng số tiền lớn quá, gia đình tôi không lo đủ. Bao nhiêu năm hai vợ chồng tiết kiệm mua được căn nhà hiện vẫn còn nợ ngân hàng, lấy đâu ra số tiền lớn đến thế?", thầy Quyến trăn trở.
Mỗi ngày, thầy Quyến phải tự thực hiện thao tác lọc thận 4 lần. |
Tại trường Tiểu học Nghinh Tường, khi được hỏi về hoàn cảnh thầy Quyến, các giáo viên đều xót xa. Theo đồng nghiệp, thầy là một giáo viên rất tận tâm, năng động, đầy nhiệt huyết, được học sinh yêu quý.
Ông Đỗ Đức Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghinh Tường, cho biết cảm thông với hoàn cảnh của thầy Quyến, nhà trường luôn tạo điều kiện, bố trí thời gian, hỗ trợ để thầy vừa đi chữa bệnh, vừa giảng dạy.
"Thay mặt nhà trường, tôi tha thiết mong các mạnh thường quân hỗ trợ thầy Quyến có thêm động lực và điều kiện chữa bệnh, giúp thầy có sức khỏe để được sống và tiếp tục được đứng trên bục giảng", thầy Tuấn bày tỏ.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.